Tuần báo Al-Ahra: Cục diện cuộc chiến ở Syria bắt đầu thay đổi

Tuần báo Al-Ahram có đăng bài phân tích về những diễn biến gần đây ở Syria khi Nga đang tích cực hỗ trợ chính quyền Syria trong cuộc chiến chống lực lượng đối lập ở mặt trận phía Nam nước này.
Tuần báo Al-Ahra: Cục diện cuộc chiến ở Syria bắt đầu thay đổi ảnh 1Lực lượng binh sỹ Syria. (Nguồn: AP)

Tuần báo Al-Ahram số ra ngày 5/7 có đăng bài phân tích về những diễn biến gần đây ở Syria, trong đó dẫn thông tin từ Damascus cho rằng Nga đang tích cực hỗ trợ chính quyền Syria trong cuộc chiến chống lực lượng đối lập ở mặt trận phía Nam nước này. Có thể nói cục diện ở đây đã bắt đầu thay đổi.

Sau các cuộc oanh kích dữ dội nhằm vào phe chống đối ở miền Nam Syria trong suốt hai tuần qua, Nga đã thành công trong việc làm tiêu hao nhiều sinh lực của lực lượng vũ trang chống đối thông qua các thỏa thuận riêng rẽ với nhiều nhóm phiến quân.

Chiến thuật này đã khiến lực lượng đối lập ở đây bị “xé nát” và “từ từ” tan rã, mặc dù trước đó họ đã chống cự quyết liệt trước các chiến dịch quân sự do Nga, các lực lượng trung thành với Tổng thống Syria Bashar al-Assad và lực lượng dân quân thân Iran tiến hành.


[Chính phủ Syria và quân nổi dậy đạt thỏa thuận ngừng bắn tại miền Nam]

Vai trò của lực lượng đối lập ở miền Nam Syria “sắp đến hồi kết,” cục diện ở khu vực này đã bắt đầu thay đổi. Một trong những nhóm vũ trang chống đối lớn nhất ở miền Nam Syria đã nhất trí ký kết thỏa thuận hòa giải với các lực lượng Nga và chính quyền Syria về việc giao nộp các loại vũ khí hạng nặng và hạng trung, chấm dứt các chiến dịch quân sự và cho phép các lực lượng chính quyền tiến vào khu vực này để áp đặt kiểm soát. Đổi lại, thủ lĩnh của nhóm này sẽ được trao “những đặc ân.”

Thỏa thuận này đã gây rạn nứt trong phe đối lập, từng tuyên bố rằng trong bất kỳ trường hợp nào, các tay súng của họ cũng sẽ không rời đi nơi khác ở miền Nam. Phe đối lập cũng lên tiếng kêu gọi “bất cứ ai có thể cầm vũ khí” để tiến ra các mặt trận và bắt đầu cái mà họ gọi là “cuộc chiến giành độc lập” hay “cuộc chiến giải phóng của nhân dân.”

Nhóm vũ trang này được cho là đã bị những nhân vật thân Moskva và có quan hệ với chính quyền Damascus, thuyết phục để chấp thuận thỏa thuận hòa giải. Thỏa thuận này bao gồm một lệnh ngừng bắn, cho phép sự can thiệp của lực lượng quân cảnh Nga, treo quốc kỳ Syria trên các tòa nhà chính quyền và giúp đỡ những đối tượng ra đầu hàng hoặc cho gia nhập một lữ đoàn dưới sự giám sát của Nga.

Phía Nga tuyên bố vấn đề liên quan tới những đối tượng bị bắt giữ và những người bị bắt cóc sẽ không có trong thỏa thuận này nhưng sẽ là một phần của "Tiến trình Astana" do Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ và nhằm “để dành chỗ” cho "Tiến trình Geneva" do Liên hợp quốc dẫn dắt và vốn được coi là nền tảng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria. Nga thực sự muốn thay thế tiến trình hòa đàm Geneva bằng trình mô hình đàm phán Astana do Moskva đóng vai trò đầu tàu.

Tuy nhiên, trong các cuộc giao tranh ở miền Nam Syria, cả lực lượng chính quyền Syria cũng như không quân Nga đều không thể tiêu diệt được hết những tay súng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đóng quân ở những khu vực riêng biệt.

Bên cạnh đó, các cuộc giao tranh ở miền Nam được cho là cũng “tránh” các cuộc tấn công nhằm vào các lực lượng đóng ở các khu vực giáp biên giới Israel và khu vực Cao nguyên Golan do không muốn Israel lo lắng. Đáng chú ý là các lực lượng chính quyền Syria triển khai cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào các khu vực ở miền Nam nước này có sự yểm trợ của các “phần tử” Iran và phong trào Hezbullah của Liban, những kẻ thù của Israel.

Tel Aviv đã thông báo cho Moskva và Washington rằng họ nhất trí để chính quyền Syria triển khai lực lượng ở Golan, dọc biên giới nước này với một số điều kiện cụ thể, trong đó đáng chú ý là không có sự hiện diện của lực lượng dân quân thân Tehran và các tay súng Hezbollah.

Theo truyền thông Israel, Tổng tham mưu trưởng quân đội Israel - Tướng Gadi Eisenkot, và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ - Tướng Joseph Dunford đã có cuộc thảo luận về vấn đề này ở Washington. Tướng Eisenkot đã nhấn mạnh rằng Israel sẽ không cho phép có sự hiện diện của lực lượng dân quân thân Iran dưới bất kỳ hình thức nào ở khu vực biên giới và Tướng Dunford đã đồng tình.

Các cuộc không kích của không quân Nga ở miền Nam Syria bắt đầu chỉ vài giờ sau khi Mỹ thông báo rằng họ sẽ không bảo vệ miền Nam Syria, qua đó phát đi một thông điệp tới các nhóm vũ trang chống đối đang giao tranh ở đây rằng "họ phải đầu hàng."

Theo giới quan sát, đây thực chất là sự dàn xếp của các “ông lớn”, hay chí ít là họ thực sự đã chi phối cục diện trên thực địa chứ quyền chủ động không hẳn thuộc về các lực lượng của chính phủ Syria. Lý do (được cho là có nhiều khả năng xảy ra nhất) liên quan tới việc Mỹ đã “ruồng bỏ” các lực lượng đồng minh của họ miền Nam Syria (Nga) đảm bảo rằng họ sẽ “đẩy” các lực lượng Iran ra khỏi khu vực giáp biên giới Jordan và Israel.

Tuy nhiên, trong quá khứ, Nga từng đưa ra những lời hứa tương tự và Mỹ tiếp tục đe dọa sẽ hành động nếu có hoạt động quân sự ở miền Nam Syria.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Lieberman đã phủ nhận có các binh sĩ Iran ở miền Nam Syria, hay những người Iran mặc quân phục cải trang thành binh lính của Assad. Đây là việc làm không thường thấy đối với một quan chức cấp cao Israel khi nói ra những điều như vậy về sự hiện diện của Iran ở Syria và nhiều người nghi ngờ Nga đang phối hợp hành động với Israel và với sự hậu thuẫn của Mỹ.

Nhà phân tích Mustafa Al-Walie cho rằng “đó là việc làm có ý nghĩa khi Israel ‘giải tội cho’ Iran về việc triển khai quân ở miền Nam Syria và phủ nhận lực lượng dân quân Iran hợp sức với các lực lượng của Assad. Sau đó Mỹ bất ngờ hủy bỏ cam kết của mình đối với vùng giảm căng thẳng này và bỏ rơi các nhóm vũ trang đối lập Syria ở đây còn Jordan đóng cửa biên giới đối với người tị nạn.”

Ông Al-Walie nhận định: “Tất cả những điều này không phải là kết quả của việc Israel và Mỹ ‘thoải mái’ với vai trò mà Iran đang thể hiện ở Syria hay các binh sĩ Iran ở cách xa vùng biên giới Golan mà là do Tehran và Al-Assad đang bị lép vế trước mối quan hệ giữa Nga và Israel.”

Lập trường của Mỹ bị ảnh hưởng bởi những toan tính của Israel. Washington không thể làm ngơ trước những quan ngại về an ninh của Israel và những nỗ lực của Moskva nhằm gắn kết vấn đề an ninh của Israel với sự hiện diện của các lực lượng Syria ở vùng biên giới.

Theo giới phân tích, nếu chỉ có các lực lượng của chính phủ Syria thì chắc chắn Damascus khó làm nên “chuyện” ở miền Nam. Thực chất, ở đây đã có sự “chống lưng” của Nga hay nói cách khác là Moskva đã sử dụng các lực lượng Syria làm “bình phong” sau các thỏa thuận với các bên liên quan. Nga sẽ không đề xuất bất kỳ giải pháp nào ở miền Nam Syria mà không đảm bảo an ninh cho Israel.

Thực tế, mặt trận phía Nam Syria có ý nghĩa quan trọng vì khu vực này kiểm soát cửa ngõ vào Cao nguyên Golan, nằm dọc biên giới Israel và do đó có thể đe dọa đối với an ninh của Israel. Ông Al-Walie cho rằng “Lieberman đã bật đèn xanh cho Assad tấn công Daraa ở miền Nam Syria.”

Còn theo các nguồn tin từ phương Tây, Nga và Israel tin rằng Tel Aviv là bên được hưởng lợi từ cuộc chiến ở miền Nam Syria và Assad có thể đảm bảo rằng sẽ không có việc giành lại Cao nguyên Golan (vùng đất mà Israel chiếm được từ Syria trong cuộc chiến năm 1967) và sáp nhập cao nguyên chiến lược này vào lãnh thổ Israel - một động thái không bao giờ được cộng đồng quốc tế ủng hộ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục