Tunisia ban bố lệnh giới nghiêm ngăn chặn bạo loạn

Chính phủ Tunisia đã ban lệnh giới nghiêm ở thủ đô Tunis và một số thành phố lớn khác do tình trạng bạo lực leo thang ở nước này.
Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ Tunisia ngày 12/6 ra tuyên bố chung cho biết chính phủ nước này đã ban bố lệnh giới nghiêm ở thủ đô Tunis và một số thành phố lớn khác do tình trạng bạo lực leo thang ở nước này.

Lệnh giới nghiêm từ 21 giờ ngày 12/6 đến 5 giờ ngày 13/6 (giờ địa phương) sẽ được áp dụng ở Tunis cùng các thành phố Sousse, Monastir, Jendouba và Ben Guerdene.

Theo tuyên bố, chính phủ quyết định ban bố lệnh giới nghiêm sau khi xảy ra "những hành động bạo lực của các nhóm tội phạm nhằm vào một số tổ chức nhà nước cũng như tài sản công và tài sản tư nhân."

Giới chức Tunisia cho biết cảnh sát đã bắt giữ 165 người và Chính phủ sẽ xét xử những đối tượng bị bắt giữ theo luật chống khủng bố.

[Căng thẳng tôn giáo tiếp tục leo thang tại Tunisia]

Trong mấy ngày qua tại nhiều thành phố ở Tunisia đã xảy ra hàng loạt vụ tấn công bạo lực, được cho là do người Hồi giáo bảo thủ dòng Salafi phát động, làm 100 người bị thương trong đó có 65 cảnh sát; một số trụ sở tòa án và cơ quan cảnh sát bị phá phách.

Bạo loạn bùng phát sau khi một số người Salafi biểu tình ngày 10/6 để bày tỏ tức giận về một cuộc triển lãm nghệ thuật mà họ cho là bôi nhọ tín đồ Hồi giáo. Ngày 12/6, những người biểu tình đã đụng độ với lực lượng cảnh sát, làm gia tăng căng thẳng.

Theo các nhà phân tích, tình trạng bạo lực gây lo ngại về sự trỗi dậy của các thành phần cực đoan ở Tunisia kể từ sau cuộc nổi dậy lật đổ Tổng thống Zine el Abidine Ben Ali hồi tháng 1/2011, đặc biệt là việc thủ lĩnh mạng lưới khủng bố al Qaeda Ayman al-Zawahri mới đây kêu gọi người Tunisia bảo vệ luật Hồi giáo Sharia và tránh chịu sự ảnh hưởng của đảng Hồi giáo dung hòa Ennahda đã giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 10/2011.

Đảng Ennahda từng tuyên bố không tìm cách đưa luật Hồi giáo Sharia vào bản hiến pháp còn nhiều bất cập của nước này.

Tại Tunisia có khoảng 10.000 người Hồi giáo dòng Salafi, trong đó có một số người là chính khách, một số khác được cho là thuộc thành phần "thánh chiến" trung thành với al Qaeda./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục