Uganda kêu gọi các nước châu Phi rút khỏi tòa hình sự quốc tế

Tổng thống Uganda Museveni cho biết sẽ hối thúc các lãnh đạo châu Phi rút khỏi Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) vì cho rằng tòa án này đang bị sử dụng như một "công cụ."
Uganda kêu gọi các nước châu Phi rút khỏi tòa hình sự quốc tế ảnh 1Một chuyên gia người châu Phi bước ra khỏi trụ sở chính của ICC ở La Haye, Hà Lan. (Nguồn: TLEP)

Ngày 12/12, Tổng thống Uganda Yoweri Museveni cho biết sẽ hối thúc các lãnh đạo châu Phi rút khỏi Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) vì cho rằng tòa án của Liên hợp quốc này đang bị sử dụng như một "công cụ tấn công" châu Phi.

Nhà lãnh đạo Uganda tuyên bố ý định trên một tuần sau khi ICC rút lại cáo buộc Tổng thống đương nhiệm của Kenya, Uhuru Kenyatta, phạm các tội ác chống lại loài người, vì không có đủ bằng chứng để tiếp tục vụ án.

Tổng thống Museveni khẳng định sẽ trình một kiến nghị lên Hội nghị thượng đỉnh tiếp theo của Liên minh châu Phi (AU), kêu gọi tất cả các nước châu Phi từ bỏ quy chế thành viên ICC.

Theo kế hoạch, hội nghị này sẽ diễn ra vào ngày 30-31/1/2015 tại thủ đô Addis Ababa của Etiopia.

Các chuyên gia nhận định việc ICC phải rút lại cáo buộc đối với Tổng thống Kenya là thất bại lớn nhất từ trước tới nay của tòa án này. AU trước đó cho rằng ICC tấn công người châu Phi một cách không công bằng, đồng thời cáo buộc đây là một "tòa án phân biệt chủng tộc."

Năm 2013, AU đã kêu gọi hoãn vụ kiện Tổng thống Kenya cho tới khi ông này hết nhiệm kỳ, song bị tòa bác bỏ. Giờ đây, Tổng thống Uhuru Kenyatta đã được minh oan.

Hiện 34 quốc gia châu Phi nằm trong tổng số 122 bên đã phê chuẩn hiệp ước thành lập ICC, và việc các nước châu Phi ra đi sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của thể chế này.

Tuy nhiên, các cuộc thảo luận của AU về vấn đề này hồi tháng 11/2013 cho thấy khối này đang bị chia rẽ. Các nước như Kenya, Sudan, Ethiopia và Rwanda có quan điểm cứng rắn, trong khi các nước khác dường như bị miễn cưỡng kéo vào mâu thuẫn ngoại giao này.

Mọi quyết định rút khỏi ICC sẽ là quyết định của riêng từng quốc gia đã ký Quy chế Roma về việc thành lập ICC.

AU cũng đang nỗ lực thành lập một Tòa án châu Phi về Nhân quyền và quyền con người (ACHPR)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục