Ùn tắc giao thông tại các đô thị có xu hướng mở rộng và kéo dài

Ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn diễn biến phức tạp và có xu hướng mở rộng về không gian và kéo dài về thời gian, nhất là những ngày thời tiết xấu.
Ùn tắc giao thông tại các đô thị có xu hướng mở rộng và kéo dài ảnh 1Ùn tắc giao thông tại các đô thị lại có xu hướng mở rộng và kéo dài. (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)

Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, sáu tháng vừa qua, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí nhưng vẫn còn diễn biễn phức tạp. Ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn có xu hướng mở rộng về không gian và kéo dài về thời gian.

“Tử thần” cướp hơn 4.100 mạng người

Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng công tác an toàn giao thông vào chiều nay (4/7), theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, sáu tháng của năm 2017 (tính từ ngày 16/12/2016-15/6/2017), cả nước xảy ra 9.593 vụ tai nạn giao thông, làm chết 4.134 người, bị thương 7.935 người.

So với 6 tháng đầu năm 2016, tai nạn giao thông giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Cụ thể, số vụ tai nạn giao thông giảm 636 vụ (giảm 6,2%), số người chết giảm 229 người (giảm 5,2%), số người bị thương giảm 1.004 người (giảm 11,2%).

[Hơn 4.100 người chết vì tai nạn giao thông trong sáu tháng năm 2017]

Đáng chú ý, số người thương vong chủ yếu xảy ra ở lĩnh vực đường bộ khi trong thời gian này có tới 9.457 vụ, làm chết 4.031 người, bị thương 7.890 người.

Theo phân tích nguyên nhân tai nạn giao thông của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho thấy, nguyên nhân chủ yếu là do đi không đúng phần đường làn đường (24,%), vi phạm tốc độ quy định (10,2%), vượt xe sai quy định (6,7%), quy trình, thao tác lái xe kém (7,7%), sử dụng rượu bia (1,%).... Phương tiện gây tai nạn chủ yếu vẫn là xe mô tô, xe máy (65%), xe ôtô (30%).

Về tình hình tai nạn giao thông tại các địa phương, báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nêu rõ, có 38 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết vì tai nạn giao thông, giảm so với cùng kỳ năm 2016, trong đó 16 địa phương giảm trên 20% số người chết là Cà Mau, Cao Bằng, Điện Biên, Lào Cai, Tây Ninh, Bắc Kạn, Đà Nẵng, Kiên Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Quảng Ngãi, Hải Dương, Kon Tum, Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La. Đặc biệt, Cà Mau, Cao Bằng, Điện Biên giảm trên 40% số người chết do tai nạn giao thông.

Tuy nhiên, vẫn còn 22 địa phương có số người chết vì tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ 2016, trong đó 10 tỉnh tăng trên 15% là Hà Nam, Gia Lai, Hậu Giang, Khánh Hòa, Hải Phòng, Yên Bái, An Giang, Quảng Trị, Cần Thơ, Lai Châu, trong đó có 4 tỉnh có số người chết tăng trên 30% là An Giang, Quảng Trị, Cần Thơ, Lai Châu.

Ùn tắc giao thông tại các đô thị có xu hướng mở rộng và kéo dài ảnh 2Hiện trường một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. (Ảnh: TTXVN)

Mặc dù, trong sáu tháng của năm 2017, tình hình trật tự an toàn giao thông tiếp tục có chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương nhưng ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, tình hình tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, còn tình trạng “xe dù, bến cóc” diễn biến phức tạp, gây mất trật tự an toàn giao thông, cạnh tranh bất bình đẳng với dịch vụ xe chở khách theo tuyến cố định; xe chở quá tải có dấu hiệu tái diễn.

Từ cuối năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, tình hình ùn tắc giao thông có diễn biến phức tạp và có dấu hiệu gia tăng, nhất là tại thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh. Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), trong 6 tháng vừa qua, toàn quốc xảy ra 33 vụ ùn tắc giao thông kéo dài (tăng 8 vụ so với cùng kỳ năm trước đó).

Đặc biệt, ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn diễn biến phức tạp và có xu hướng mở rộng về không gian và kéo dài về thời gian, nhất là những ngày thời tiết xấu; ùn tắc giao thông cục bộ do tai nạn giao thông, phương tiện hư hỏng, công trình xây dựng chiếm lòng đường vẫn chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả.

Quy trách nhiệm người đứng đầu

Chỉ ra nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, ông Hùng cho rằng, chưa có quy định pháp lý về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người thực thi công vụ, người lãnh đạo các địa phương buông lỏng trong quản lý Nhà nước. Hệ thống quy định pháp luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông mặc dù đã có nhưng còn thiếu hoặc bất cập dẫn tới vướng mắc, hiệu quả thấp trong tổ chức thực hiện.

Ngoài ra, các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông chưa được xử lý dứt điểm; biển báo giao thông còn bất cập trên nhiều tuyến đường bộ; tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè hành lang an toàn giao thông diễn ra tràn lan...

“Một bộ phận người tham gia giao thông còn hạn chế về ý thức chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông; sự gia tăng nhanh chóng của phương tiện cơ giới đường bộ là nguyên nhân dẫn đến vụ ùn tắc giao thông nghiêm trọng,” Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông nhấn mạnh.

[Đa số người Hà Nội muốn cấm xe máy để giảm ùn tắc giao thông]

Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề nghị các Bộ, ban ngành hoàn thiện các hệ thống Luật; xây dựng quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với tổ chức và người thực thi công vụ; xử lý các điểm đen mất an toàn giao thông; lắp đặt, vận hành các trạm trạm kiểm tra tải trọng xe cố định tại các trạm thu phí BOT; đề xuất quy định trình tự, thủ tục khi xử phạt qua hình ảnh từ các thiết bị ghi hình; kiểm soát tải trọng phương tiện và xe hết niên hạn sử dụng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật an toàn giao thông…/.

Từ đầu năm đến nay, Công an các đơn vị, địa phương đã kiểm tra, xử lý 2.244.116 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, phạt tiền hơn 1.500 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2016, xử lý tăng 174.727 trường hợp (+8,4%), tiền phạt tăng 193,5 tỷ đồng (+14,8%). 
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục