UNDP: Chất độc da cam, hậu quả chiến tranh ảnh hưởng đến nhiều thế hệ

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam khẳng định cam kết sẽ tiếp tục thắt chặt quan hệ đối tác hợp tác với Chính phủ Việt Nam trong việc khắc phục ô nhiễm dioxin.
UNDP: Chất độc da cam, hậu quả chiến tranh ảnh hưởng đến nhiều thế hệ ảnh 1Khu xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tái khẳng định quan điểm cùng với Chính phủ Việt Nam kêu gọi sự quan tâm hơn nữa đến thách thức dai dẳng ô nhiễm dioxin đã đặt ra, mặc dù chiến tranh đã kết thúc từ vài thập kỷ trước.

Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen đã nhấn mạnh như vậy trong bài viết có tiêu đề "Chất độc da cam, hậu quả chiến tranh ảnh hưởng đến nhiều thế hệ" nhân kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam/dioxin ở Việt Nam (10/8/1961-10/8/2021).

TTXVN trân trọng giới thiệu bài viết của bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam.

Việt Nam đã trải qua nhiều thập kỷ chiến tranh và hiện vẫn đang gánh chịu nhiều hậu quả do chiến tranh để lại. Dioxin, hay chất độc da cam, là một trong những thách thức mà Chính phủ Việt Nam và người dân vẫn phải đương đầu cho đến tận ngày nay.

Đã tròn 60 năm kể từ khi chất độc da cam lần đầu tiên được sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, nhưng những nạn nhân của thảm kịch này không thể bị bỏ quên.

Dioxin hay thường gọi là chất độc da cam, đã để lại ảnh hưởng tàn khốc đối với nhiều thế hệ gia đình ở Việt Nam. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, "Dioxin có độc tính cao và có thể gây ra các vấn đề về sinh sản và phát triển, phá hủy hệ miễn dịch, làm ảnh hưởng đến hóoc-môn và có thể gây ung thư."

[60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam: Chung tay xoa dịu nỗi đau]

Uớc tính có 80 triệu lít chất diệt cỏ có chứa dioxin đã được phát tán ở Việt Nam trong những năm 1960, đầu những năm 1970.

Ngày 10/8, chúng ta kỷ niệm 60 năm chất độc da cam lần đầu tiên được sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. "Ngày Nhận thức về chất độc da cam" là ngày để tưởng nhớ hàng nghìn người dân Việt Nam bị ảnh hưởng bởi độc tố hóa học lan rộng trên khắp đất nước.

Đây cũng là dịp để tri ân công ơn của những người dũng cảm, là đàn ông, phụ nữ, người Việt Nam và người nước ngoài, những người đã làm việc không mệt mỏi và tiếp tục cống hiến cho đến ngày nay, để khắc phục hậu quả chết chóc của chất độc da cam.

Những người sống và lao động trên những mảnh đất bị ô nhiễm chất độc da cam và đặc biệt, những người - cả người lớn và trẻ em - bị khuyết tật do phơi nhiễm là những người cảm nhận sâu sắc nhất hậu quả của nó.

Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tái khẳng định quan điểm cùng với Chính phủ Việt Nam kêu gọi sự quan tâm hơn nữa đến thách thức dai dẳng ô nhiễm dioxin đã đặt ra, mặc dù chiến tranh đã kết thúc từ vài thập kỷ trước.

Để hỗ trợ giải quyết vấn đề này, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đã hợp tác với Bộ Tài nguyên và Môi trường tại các điểm nóng ô nhiễm dioxin tại các sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa và Phù Cát, loại bỏ các rào cản nhằm kiểm soát và khắc phục hiệu quả các vật liệu độc hại cao.

UNDP đã hỗ trợ xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2012, về khắc phục cơ bản hậu quả của chất độc hóa học.

Kế hoạch hành động này đóng vai trò là nền tảng để Chính phủ đạt được những thành tựu to lớn trong việc hoàn thành xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng (năm 2018) và khởi động dự án xử lý dioxin lớn tại sân bay Biên Hòa (năm 2020).

UNDP có kế hoạch mở rộng hợp tác chặt chẽ hơn với Chính phủ Việt Nam trong việc khắc phục vấn đề dioxin và các hóa chất độc hại thải ra từ các hoạt động công nghiệp.

Trong nỗ lực không ngừng nhằm khắc phục hậu quả chiến tranh, UNDP đã và đang hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để giải quyết tình trạng vật liệu chưa nổ (UXO) xuất hiện rải rác và đang tiếp tục gây ô nhiễm nhiều khu vực ở Việt Nam.

Theo các nghiên cứu quốc gia, hầu hết 63 tỉnh, thành đều bị ảnh hưởng, đặc biệt là khu vực miền Trung.

Trong bốn năm qua, sự phối hợp của UNDP với Bộ Quốc phòng, Trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đã mang lại kết quả hữu hình với việc thu được hàng nghìn vật liệu nổ rải rác ở các tỉnh Quảng Bình và Bình Định.

Sự hợp tác tốt đẹp giữa ba bên đã đem lại thành công trong quá trình xây dựng và hoàn thành đánh giá cấp tỉnh đầu tiên về người khuyết tật, với 75.000 cá nhân đồng ý tự đăng ký, bao gồm cả nạn nhân sống sót sau tai nạn bom mìn/vật liệu nổ và phơi nhiễm dioxin.

Ngày 15/6/2021, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (MOLISA), KOICA và UNDP cùng nhau giới thiệu nền tảng trực tuyến để hỗ trợ thu thập dữ liệu và quản lý thông tin người khuyết tật.

Hiện phần mềm đã được đưa vào sử dụng và có thể truy cập thông qua điện thoại thông minh. Như vậy, việc áp dụng công nghệ mới với mục đích ban đầu là hỗ trợ nạn nhân sống sót sau tai nạn vật nổ ở một số vùng nhỏ lẻ trên đất nước Việt Nam được cấp giấy chứng nhận khuyết tật, hiện đã được nhân rộng để áp dụng trên phạm vi toàn quốc, cho nhiều người khuyết tật hơn.

UNDP đã không ngừng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam - một quốc gia thành viên của Công ước về Quyền của người khuyết tật, trong nhiều lĩnh vực khác nhằm giúp người khuyết tật hòa nhập hoàn toàn vào đời sống kinh tế và xã hội.

Mục tiêu này này bao gồm việc cải thiện chính sách để thực hiện Luật Người khuyết tật, cũng như xây dựng các tiêu chuẩn cho công tác hỗ trợ nạn nhân trong hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn.

Trong tương lai, UNDP cam kết sẽ tiếp tục thắt chặt quan hệ đối tác hợp tác với Chính phủ Việt Nam trên hai phương diện nhằm khắc phục hậu quả chiến tranh. Thứ nhất, sẽ tiếp tục hợp tác trong việc khắc phục ô nhiễm dioxin và các hóa chất độc hại khác.

Thứ hai, mở rộng cả về chiều rộng và chiều sâu các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn, một vấn đề vẫn còn rất nghiêm trọng ở Việt Nam.

Việc tiếp tục hỗ trợ những người vẫn đang phải trực tiếp chịu hậu quả chiến tranh có vai trò rất quan trọng nhằm đảm bảo "không ai bị bỏ lại phía sau" - nội dung cốt lõi của các Mục tiêu Phát triển bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục