UNDP sẽ tự cải tổ để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững

UNDP cần phải tự cải tổ để đảm đương trách nhiệm thúc đẩy Chương trình Nghị sự Các mục tiêu phát triển bền vững với nhiều mục tiêu lớn, phức tạp và mang tầm cỡ xuyên quốc gia.
UNDP sẽ tự cải tổ để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững ảnh 1 Đại sứ Nguyễn Phương Nga phát biểu chúc mừng UNDP nhân kỷ niệm 50 năm thành lập. (Ảnh: Lê Dương/Vietnam+)

Chiều 24/2, tại trụ sở của Liên hợp quốc ở thành phố New York (Mỹ), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã tổ chức một hội nghị đặc biệt với sự tham dự của hơn 80 bộ trưởng đến từ khắp thế giới để kỷ niệm 50 năm ngày thành lập cơ quan này.

Phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc dẫn phát biểu của Tổng Giám đốc UNDP Helen Clark nhấn mạnh hội nghị lần này là cơ hội để giúp định hình tương lai của UNDP trên khắp thế giới. Bà cho rằng UNDP, với sự hiện diện tại hơn 170 quốc gia nghèo và dễ bị tổn thương, cần phải tự cải tổ để đảm đương trách nhiệm thúc đẩy Chương trình Nghị sự Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) với nhiều mục tiêu lớn, phức tạp và mang tầm cỡ xuyên quốc gia.

Bà Clark lưu ý mặc dù thế giới đang có nhiều thay đổi và buộc UNDP cũng phải có những đổi thay để thích ứng, cơ quan này vẫn luôn tiếp tục củng cố những sứ mệnh cốt lõi của mình, đó là hỗ trợ các quốc gia xóa đói nghèo, giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng và bảo vệ hành tinh.

Cũng theo Tổng Giám đốc UNDP, SDGs năm 2030, được 193 nước thành viên Liên hợp quốc thông qua hồi tháng Chín năm ngoái, tạo khuôn khổ cho chặng đường hoạt động tiếp theo của UNDP.

Để có thể hoạt động hiệu quả trong kỷ nguyên SDGs, bà Clark cho biết UNDP sẽ thực thi một kế hoạch chiến lược tập trung hơn, trong đó có cơ cấu lại các trụ sở để chấm dứt tình trạng hoạt động chồng chéo, nâng cao tính hiệu quả, có sự thay đổi trong chính sách, chương trình cũng như hình thức hỗ trợ đảm bảo sát với thực tế hơn. Nhờ thực thi một số biện pháp cải tổ, UNDP đã được đánh giá là một trong những tổ chức phát triển minh bạch nhất trên thế giới.

Trong thông điệp gửi tới hội nghị qua video, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon khẳng định sức mạnh của UNDP nằm ở sự hiện diện và phạm vi hoạt động trên toàn cầu, ở những phân tích mang tính mở đường cũng như ở cam kết mạnh mẽ đứng về phía những xã hội dễ bị tổn thương nhất. Ông Ban Ki-moon nói: "UNDP cũng đóng vai trò điều phối quan trọng trong hệ thống phát triển của Liên hợp quốc" và vai trò này sẽ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết vì UNDP đang trợ giúp các quốc gia thực hiện SDGs.

Phát biểu trực tiếp tại hội nghị, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Mogens Lykketoft cho biết thông qua UNDP, các nước thành viên Đại hội đồng đang nỗ lực thực hiện mục tiêu cốt lõi của Liên hợp quốc, đó là "thúc đẩy sự tiến bộ xã hội và cải thiện mức sống cho người dân." Ông lưu ý với sự hiện diện tại trên 170 quốc gia nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất, UNDP đã khẳng định được vị thế thích hợp với thế giới đa cực ngày nay, và sứ mệnh mà UNDP đang đảm nhận phản ánh tính phức tạp của những thách thức toàn cầu.

Về phần mình, Trưởng phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên hợp quốc, Đại sứ Nguyễn Phương Nga thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam cảm ơn sự trợ giúp quý báu và sự hợp tác của UNDP.

Đại sứ nhấn mạnh UNDP là "người bạn lúc hoạn nạn của Việt Nam," nằm trong số những tổ chức đầu tiên giúp Việt Nam tái thiết đất nước sau nhiều thập niên chiến tranh.

Cùng với sự trợ giúp của UNDP và các cơ quan khác của Liên hợp quốc cũng như các đối tác phát triển, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ rất lớn trong công cuộc tái thiết, giảm đói nghèo, thực hiện các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ và hiện tiếp bước trên con đường mới phát triển bền vững.

Đại sứ cũng cho biết Việt Nam cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ với UNDP và các cơ quan khác của Liên hợp quốc để biến SDGs thành hiện thực, nhằm xây dựng một thế giới thịnh vượng, công bằng và không để bị ai tụt lại phía sau.

Cũng tại hội nghị, đại diện các quốc gia tham dự đã chia sẻ những thành tựu, thách thức cũng như những lĩnh vực ưu tiên trong quá trình phát triển đất nước, như công cuộc xóa đói giảm nghèo, đối phó với biến đổi khí hậu, trao thêm quyền cho phụ nữ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và tạo cơ hội việc làm cho giới trẻ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục