UNESCO thúc đẩy đa dạng ngôn ngữ trên toàn cầu

UNESCO kêu gọi cộng đồng quốc tế thúc đẩy mọi nguồn tri thức và mọi hình thức biểu hiện đa dạng của ngôn ngữ và tiếng nói.
Trong thông điệp nhân Ngày Quốc tế tiếng mẹ đẻ (21/2), Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO) của Liên hợp quốc, bà Irina Bokova đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục tận dụng sức mạnh của sự tiến bộ công nghệ để bảo vệ sự nhận thức đa dạng về thế giới, thúc đẩy mọi nguồn tri thức và mọi hình thức biểu hiện đa dạng của ngôn ngữ và tiếng nói.

Ngày Quốc tế tiếng mẹ đẻ là cơ hội để huy động sức mạnh của đa dạng tiếng nói và ngôn ngữ trên toàn cầu.

Tiêu điểm của Ngày Quốc tế tiếng mẹ đẻ năm 2011 là sử dụng công nghệ thông tin truyền thông để bảo vệ và thúc đẩy sự đa dạng tiếng nói và đa dạng ngôn ngữ.

Hơn 50% trong tổng số 6.000 tiếng nói trên thế giới có nguy cơ biến mất đã khẳng định nhu cầu khẩn cấp duy trì sự phong phú của tiếng nói và văn hóa của nhân loại cũng như bảo vệ, bảo tồn và thúc đẩy sử dụng tiếng mẹ đẻ.

Mỗi tiếng nói đều là nguồn ngữ nghĩa độc đáo để hiểu, viết và mô tả thực tế thế giới. Tiếng mẹ đẻ cùng với sự đa dạng của ngôn ngữ có ý nghĩa quan trọng để xác định bản sắc của các cá nhân như là nguồn sáng tạo và phương tiện để biểu hiện văn hóa, đảm bảo sự phát triển lành mạnh của xã hội.

Tiếng nói, với những hàm ý phức tạp để nhận dạng, thông tin, hòa nhập xã hội, giáo dục và phát triển, có tầm quan trọng chiến lược đối với con người và hành tinh. Tiếng nói đóng vai trò sống còn trong phát triển, đảm bảo đa dạng văn hóa và đối thoại liên văn hóa, đảm bảo giáo dục chất lượng cho tất cả mọi người và tăng cường hợp tác, thúc đẩy xã hội tri thức phổ quát, duy trì di sản văn hóa, động viên ý chí chính trị để ứng dụng lợi ích khoa học công nghệ vào phát triển bền vững.

Tổng Giám đốc UNESCO nhấn mạnh tổ chức này thúc đẩy đa dạng tiếng nói và đa dạng ngôn ngữ thông qua các dự án trên khắp thế giới như là một kênh cho tất cả sự đa dạng của tri thức và kinh nghiệm trên thế giới nhằm bảo vệ và bảo tồn các ngôn ngữ và văn hóa bản xứ.

Tại Hội nghị của UNESCO năm 2011 về "Các dự án đa dạng ngôn ngữ và các công nghệ mới," các chuyên gia về ngôn ngữ thế giới sẽ cập nhật Bản đồ các ngôn ngữ thế giới có nguy cơ biến mất và các kết quả đầu tiên của dự án UNESCO nghiên cứu về các xu hướng ngôn ngữ thế giới từ năm 1950./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục