Ứng viên LDP ủng hộ sửa đổi Hiến pháp Nhật Bản

Phần lớn các ứng cử viên tranh cử trong cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản đều dành tấm vé ưu tiên cho kế hoạch sửa đổi Hiến pháp.
Phần lớn các ứng cử viên dự kiến tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản ngày 21/7 tới đều dành tấm vé ưu tiên cho kế hoạch sửa đổi Hiến pháp 1946 mà Thủ tướng Shinzo Abe đang khởi xướng.

Theo điều tra của hãng tin Kyodo, trong số những người dự kiến tranh cử của LDP, 97,1% cho biết Hiến pháp cần phải được sửa đổi và không ai trong số này nói rằng không nên sửa. Trong số này, 64,7% muốn tăng cường quyền lực của Thủ tướng trong tình huống khẩn cấp và 63,2% quan tâm đến quyền phòng vệ tập thể của Nhật Bản.

Điều tra cũng cho thấy 63,6% số người tranh cử đại diện cho đảng Công minh Mới (NKP), đối tác trong liên minh cầm quyền của LDP, được sự hậu thuận của Tổ chức Phật giáo Soka Gakkai, cũng cho rằng Hiến pháp cần phải được sửa đổi, so với 27,3% số người phản đối. Toàn bộ các ứng cử viên dự kiến của NKP đều kêu gọi bảo vệ quyền con người mới như các quyền về môi trường.

Trong khi đó, chỉ 23,4% ứng cử viên đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) tranh cử ủng hộ sửa đổi Hiến pháp. Trong các cam kết tranh cử của mình, DPJ khẳng định sẽ cân nhắc đến một “hiến pháp hướng tới tương lai.”

Cuộc điều tra này được tiến hành đối với 406 ứng cử viên từ tất cả các chính đảng vào ngày 24/6 trong đó có 374 người trả lời. 59,1% người trả lời bày tỏ sự ủng hộ đối với việc sửa đổi Hiến pháp trong khi 54,3% phản đối đề xuất nới lỏng các quy định mở màn cho sửa đổi hiến pháp của LDP từ 2/3 biểu quyết như hiện nay sang hình thức quá bán tại quốc hội được quy định trong Điều 96.

Về các chính đảng khác, tất cả các ứng cử viên của đảng Hội Duy tân Nhật Bản (SRP) đều ủng hộ sửa đổi Hiến pháp.

Không có ứng cử viên nào thuộc đảng Cộng sản Nhật Bản (JCP), đảng Dân chủ Xã hội (SDP) và đảng Gió Xanh ủng hộ kế hoạch này trong khi 71,4% ứng cử viên đảng Cuộc sống của Nhân dân phản đối việc này.

Trong bản đề xuất sửa đổi Hiến pháp công bố hồi năm 2012, LDP muốn Nhật Hoàng trở thành nguyên thủ quốc gia thay vì vai trò mang tính biểu tượng của nhà nước như hiện nay, định nghĩa Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) thành “quốc phòng quân” để bổ sung cho việc thực thi quyền phòng vệ tập thể.

Ông Abe bày tỏ ý định sửa đổi hiến pháp nhằm xác định SDF thành một đội quân chính quy và cho phép lực lượng này can dự vào phòng vệ tập thể, theo đó lực lượng vũ trang Nhật Bản sẽ tham gia bảo vệ một đồng minh khi bị tấn công vũ trang.

Về các chính sách tranh cử, 65,5% cho biết các vấn đề kinh tế và việc làm, 35,3% hướng đến cải cách an sinh xã hội, và 24,3% ưu tiên phục hồi các khu vực bị thảm hoạ do trận động đất và sóng thần hồi tháng 3/2011 cũng như sự cố hạt nhân tại Nhà máy điện Fukushima 1. Trong số các ứng cử viên của LDP, 77,1% chọn các vấn đề kinh tế và việc làm so với 7,1% nhấn mạnh đến sửa đổi hiến pháp.

Điều tra dư luận cũng đề cập đến các chính sách kinh tế mang tến “Abenomics” hướng đến mục tiêu lạm phát và kêu gọi nới lỏng tiền tệ. Điều tra cho thấy 98,6% ứng cử viên LDP ủng hộ các chính sách này trong khi 95,7% ứng cử viên DPJ phản đối.

Điều tra cũng cho thấy 38,6% ứng cử viên LDP ủng hộ Nhật Bản tham gia vào đàm phán hiệp định mậu dịch từ do Đối tác xuyên Thái Bình Dương trong khi 21,4% phản đối.

Điều này cho thấy 76,7% ứng cử viên đảng của Bạn (YP) ủng hộ Nhật Bản tham gia đàm phán TPP - mức cao nhất trong số các chính đảng. Trong khi đó, không có ứng cử viên nào thuộc đảng Cuộc sống của Nhân dân, JCP, SDP và đảng Gió Xanh thể hiện sự ủng hộ.

Nội các Thủ tướng Abe ngày 28/6 ấn định ngày tổ chức bầu cử Thượng viện là ngày 21/7. Việc vận động tranh cử sẽ khai cuộc vào ngày 4/7. Theo thông lệ, một nửa trong số 242 ghế ở Thượng viện sẽ lần lượt được bầu lại sau 3 năm./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục