Ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho người Việt ở Ukraine trong dịch COVID-19

Hiện nay cộng đồng Việt ở Ukraine đang gặp khó khăn hơn bao giờ hết nên Đại sứ có cuộc gặp trao đổi với đại diện cộng đồng để cùng bà con suy nghĩ chuyển hướng làm ăn, thích nghi với điều kiện mới.
Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch và Tổng thống Ukraine Volodymir Zelenskyi. (Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine cung cấp)
Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch và Tổng thống Ukraine Volodymir Zelenskyi. (Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine cung cấp)

Nhân dịp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ukraine Nguyễn Hồng Thạch trình Ủy nhiệm thư lên Tổng thống Volodymir Zelenskyi, phóng viên TTXVN tại Đông Âu đã có cuộc trao đổi với Đại sứ về sự kiện này.

- Kính chào Đại sứ, chúng tôi được biết Đại sứ vừa trình Ủy nhiệm thư lên Tổng thống Volodymir Zelenskyi và sau đó đã có cuộc tiếp kiến hết sức ấn tượng với ngài Tổng thống. Xin Đại sứ có thể chia sẻ đôi điều về cuộc gặp quan trọng này?

Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch: Đối với tất cả các đại sứ, buổi trình ủy nhiệm thư bao giờ cũng là buổi lễ quan trọng nhất trong khoảng thời gian làm Đại sứ vì đó là lúc Đại sứ được chính thức giới thiệu làm người đại diện đặc mệnh toàn quyền của một nguyên thủ với một nguyên thủ khác. Do đó các nghi lễ trang trọng nhất sẽ được áp dụng với đại sứ vào buổi lễ này.

Buổi trình ủy nhiệm thư vừa rồi đối với tôi còn có một ấn tượng khác nữa khi Tổng thống Zelenskyi tỏ thiện chí với Đại sứ Việt Nam qua hai cử chỉ.

Trước buổi lễ tôi đã thống nhất với lễ tân của bạn là tôi nói tiếng Anh và Bộ Ngoại giao bạn sẽ có phiên dịch sang tiếng Ukraine, nhưng khi đến nơi, lễ tân bạn nói nhỏ với tôi là ban đầu tôi dùng tiếng Anh nhưng sau đấy có thể nói chuyện trực tiếp với Tổng thống không cần phiên dịch.

Tôi hiểu là Tổng thống được báo cáo tôi từng học ở Kyiv nên muốn nói chuyện trực tiếp không cần phiên dịch. Ra về Tổng thống cũng bỏ qua nghi lễ và quy định ngặt nghèo thời COVID, khi đồng ý với đề nghị của tôi bỏ khẩu trang để chụp ảnh lưu niệm.

[Việt Nam và Ukraine thúc đẩy hợp tác tăng trưởng thương mại]

Tôi đọc thấy ánh mắt có chút lúng túng của các cán bộ tháp tùng của Ukraine, nhưng Tổng thống đã quyết định rồi. Có người bạn nói Tổng thống và Đại sứ đều “liều” khi không đeo khẩu trang. Tôi nghĩ, Tổng thống Zelenskyi đã vượt qua nghi lễ để tỏ thiện chí với Đại sứ một nước có quan hệ hữu nghị truyền thống với Ukraine.

- Chúng tôi được biết, ngay từ khi đặt chân đến thủ đô Kiyv, Đại sứ đã tích cực bắt nhịp với nhiệm vụ của mình, có thể nói là với lịch trình làm việc gần như dày đặc. Vậy xin Đại sứ có thể chia sẻ đổi điều cảm nhận của mình khi đến đất nước Ukraine xinh đẹp và những cuộc tiếp xúc mới nhất với các đại diện phía bạn mang lại cho Đại sứ cảm nghĩ gì?

Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch: Thành thật mà nói nhiệm kỳ công tác của chúng tôi là 3 năm. Thời gian đi rất nhanh nên nếu không bắt tay sớm và không quyết liệt sẽ khó có thể làm được việc gì có kết quả. Ý thức như vậy nên tôi bắt tay ngay vào công việc. Hôm tôi đến lại vào thời điểm có những việc khẩn cấp liên quan đến máy bay giải cứu về nước, cần phải có những quyết định “ngay và luôn,” nên buổi tối đầu tiên tôi phải giải quyết công việc đến 21-22 giờ. Ngày hôm sau đi làm và công việc cứ cuốn đi.

Về cảm nhận đối với đất nước Ukraine, thực ra tôi đã từng học ở đây 40 năm trước, nên rất hồi hộp khi quay trở lại và đặc biệt rất xao xuyến khi quay về ký túc xá và khoa dự bị nơi tôi đã ở và học trước kia. Có mới hơn, đẹp hơn nhưng vẫn khung cảnh đấy.

Một trong những buổi làm việc đầu tiên với phía bạn là buổi trình bản sao ủy nhiệm thư cho Bộ Ngoại giao Ukraine. Tôi được bố trí trình cũng khá sớm, trong vòng 1 tuần sau khi đến Kyiv.

Trên đường đến Bộ Ngoại giao tôi nghĩ sẽ đề nghị trao đổi số điện thoại với Thứ trưởng bạn vì kinh nghiệm cho thấy liên lạc trực tiếp sẽ nhanh và hiệu quả hơn là qua con đường gửi công hàm. Tôi bất ngờ khi chưa kịp đề nghị, chính Thứ trưởng lại chủ động cho tôi số điện thoại của mình.

Ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho người Việt ở Ukraine trong dịch COVID-19 ảnh 1Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch. (Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine cung cấp)

Đến tối, cán bộ Đại sứ quán báo cáo Thứ trưởng Yenin còn viết một status trên trang Facebook của mình về buổi gặp với Đại sứ Việt Nam. Ngay lập tức tôi gửi lời kết bạn và chúng tôi từ đó vẫn theo dõi và “còm” (comment) các hoạt động của nhau trên Facebook. Một điều chắc chắn khi đã là bạn của nhau thì công việc sẽ suôn sẻ hơn rất nhiều.

- Kính thưa Đại sứ, Việt Nam và Ukraine có mối quan hệ truyền thống hết sức tốt đẹp, nhân dân Ukraine đã ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước sau chiến tranh. Đại sứ đánh giá thế nào về truyền thống tốt đẹp này? Theo ý kiến của Đại sứ, những lĩnh vực hợp tác nào là thế mạnh mà hai nước cần tích cực thúc đẩy trong thời gian tới?

Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch: Trong buổi trình ủy nhiệm thư, tôi cũng nhấn mạnh với Tổng thống Zelenskyi là hai nước không phải chỉ có quan hệ trong 30 năm qua kể từ khi Ukraine tuyên bố độc lập mà là hơn 70 năm qua. Ukraine đã giúp đỡ Việt Nam trong kháng chiến giành độc lập và thống nhất đất nước, cũng như trong xây dựng đất nước sau đó.

Nhiều thế hệ người Việt Nam đã được đào tạo trên đất nước Ukraine, trên các giảng đường cũng như trong các nhà máy Ukraine. Bản thân truyền thống quan hệ tốt đẹp này chính là cơ sở cho sự phát triển quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới. Những người bạn cũ chắc chắn sẽ hiểu nhau và dễ triển khai các mối quan hệ hợp tác hơn là những người bạn mới.

Ukraine là một đất nước giàu tài nguyên và có tiềm năng khoa học kỹ thuật rất lớn. Việt Nam là một nước chuyển đổi sớm hơn sang kinh tế thị trường, đang có thặng dư xuất khẩu sang Ukraine đặc biệt từ các cơ sở kinh tế có đầu tư nước ngoài ở Việt Nam.

Nền kinh tế hai nước đang bổ sung cho nhau. Thương mại giữa hai nước hoàn toàn có thể tăng mạnh nếu có cơ chế cũng như nỗ lực từ cả hai phía. Trong buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế của Ukraine chúng tôi có đặt mục tiêu tăng thương mại hai nước từ 600 triệu lên 1 tỷ USD trong vòng 3 năm tới. Mục tiêu khá tham vọng nhưng không phải là không thể.

Ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho người Việt ở Ukraine trong dịch COVID-19 ảnh 2Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch làm việc với Thứ trưởng Bộ phát triển kinh tế, Thương mại và Nông nghiệp Ukraine. (Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine cung cấp)

Vừa qua, Ủy ban liên chính phủ giữa hai nước đã tổ chức phiên họp thứ 15. Do điều kiện dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) cuộc họp đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến nhưng không phải không sôi nổi. Cuộc họp đã đề ra nhiều mục tiêu, chương trình cụ thể để thúc đẩy quan hệ giữa hai nước.

- Thưa Đại sứ, mới đây ông có nêu ý kiến về việc mở đường bay thẳng giữa Việt Nam và Ukraine. Đại sứ có thể cho biết cụ thể hơn về ý tưởng này và nó sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với việc thúc đẩy quan hệ giữa hai nước?

Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch: Năm 2011, Hãng hàng không Aerosvit của Ukraine đã thực hiện bay thẳng giữa Ukraine và Việt Nam nhưng sau đó hãng bị phá sản nên không tiếp tục thực hiện được tuyến bay này. Thất bại của Aerosvit sẽ là bài học cho các nỗ lực sau này để nối lại đường bay giữa hai nước, chứ không phải ngược lại rằng giữa hai nước không thể thực hiện được đường bay thẳng.

Nhu cầu bay thẳng giữa hai nước đã từng có và đã từng lớn tới mức đã thử thực hiện bay thẳng và thực hiện trong tời gian không ngắn. Hợp tác kinh tế giữa hai nước trong thời gian tới sẽ lớn hơn trước do đó nhu cầu cho đường bay thẳng càng lớn và khả năng để hiện thực hóa càng lớn.

Không ai nghi ngờ rằng đường bay thẳng sẽ thúc đẩy được quan hệ hợp tác giữa hai nước. Nhưng vấn đề là đường bay thẳng chỉ có và chỉ tồn tại được nếu có hợp tác kinh tế ở mức độ cao.

 Vấn đề “con gà và quả trứng” cái gì có trước: trứng nở ra gà trước hay gà đẻ ra trứng trước. Trong nền kinh tế thị trường chúng ta không hy vọng có quyết định chính trị nào thực hiện đường bay thẳng mà không tính đến hiệu quả kinh tế. Nhưng nếu khéo léo thúc đẩy hợp tác kinh tế, đặc biệt là du lịch thì sẽ sớm tạo điều kiện cho việc mở đường bay thẳng và việc mở đường bay thẳng sẽ thúc đẩy tiếp hợp tác kinh tế giữa hai nước.

- Nhân tiện nói chuyện về đường bay và mặc dù chúng ta đang phải đối mặt với tình hình dịch bệnh COVID-19 khá nghiêm trọng. Nhìn về tương lai, Đại sứ có thể cho biết đánh giá của mình về những triển vọng phát triển hợp tác trong lĩnh vực du lịch giữa Việt Nam và Ukraine? Chúng ta cần phải làm gì để thu hút du khách Ukraine đến Việt Nam nhiều hơn?

Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch: Ý nghĩ của tôi về đường bay thẳng đến khi ngồi dự buổi tiệc trưa của Phòng Thương mại Công nghiệp Ukraine. Các bạn Ukraine ngồi cạnh đều rất nhiệt tình khi nói về những chuyến đi du lịch Việt Nam và đều quyết tâm quay trở lại Việt Nam nếu có đường bay thẳng.

Tôi nhìn thấy “lửa” trong những câu chuyện đấy và hiểu rằng nếu chúng ta biết tổ chức du lịch sẽ hoàn toàn sẽ có thể là đột phá khẩu trong quan hệ giữa hai nước. Chúng ta nên thực hiện từng bước, bắt đầu bằng việc tổ chức các chuyến bay thuê bao du lịch. Khi mật độ các chuyến bay thuê bao đủ dầy lúc đó sẽ có các chuyến bay thương mại giữa hai nước.

Ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho người Việt ở Ukraine trong dịch COVID-19 ảnh 3 Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch và cán bộ nhân viên Đại sứ quán chụp ảnh lưu niệm bên những bức ảnh về Việt Nam được trưng bày xung quanh Đại sứ quán. (Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine cung cấp)

Đại sứ quán sẽ tổ chức các cuộc hội thảo để bàn trước với các đối tác Việt Nam và Ukraine về các khó khăn cũng như thuận lợi của việc tổ chức máy bay thuê bao du lịch, bàn những việc làm cụ thể và khi dịch COVID-19 qua đi chúng ta có thể bắt tay vào những việc làm cụ thể. Tôi không chỉ thấy “lửa” ở các bạn Ukraine mà cả ở một số người Việt đang làm ăn ở Ukraine khi bàn về vấn đề này. Đó là cơ sở để tôi hy vọng đây có thể là một hướng, một trọng tâm trong phát triển quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới.

- Ở Ukraine hiện nay có số lượng người Việt Nam khá đông đảo đang sinh sống, học tập và làm việc, trong đó có nhiều gia đình gắn bó chặt chẽ với công việc làm ăn ở nước sở tại, con em họ cũng đã lớn lên, trưởng thành và làm việc tại đây. Đại sứ có thể cho biết đôi nét về tình hình Việt kiều hiện nay ở Ukraine và cần làm gì để thu thút kiều bào, đặc biệt là thế hệ trẻ, hướng về đất nước hơn nữa?

Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch: Cộng đồng Việt Nam ở Ukraine hiện có khoảng 6.000-7.000 người. Họ là những người đã từng học và làm việc tại Ukraine và chọn ở lại đây xây dựng cuộc sống. Đây là những cầu nối bền chắc cho quan hệ hai nước phát triển vì không ai hiểu tốt hơn họ nhu cầu và điều kiện của hai nước.

Tuy nhiên, hiện nay cộng đồng Việt Nam ở Ukraine đang gặp khó khăn hơn bao giờ hết. Dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến cả thế giới nhưng tình hình khó khăn của Ukraine trong những năm gần đây càng ảnh hưởng đến cuộc sống của cộng đồng Việt Nam. Phần lớn bà con vẫn đang buôn bán nhỏ ở chợ mà cuộc sống đã thay đổi, chợ không còn là chỗ để đại đa số người dân đi mua sắm… Ý thức được điều đó Đại sứ quán đã tổ chức gặp gỡ trao đổi với đại diện cộng đồng ngay từ những ngày đầu tiên tôi nhận nhiệm vụ, cùng bà con suy nghĩ chuyển hướng làm ăn, thích nghi với điều kiện mới.

Thế hệ thứ hai của cộng đồng Việt Nam hội nhập hơn thế hệ đầu nhiều. Các cháu sống hoàn toàn như những công dân khác của Ukraine. Đã đến lúc các cháu trưởng thành và giúp bố mẹ được rồi. Đối với các cháu vấn đề không phải là giúp các cháu tồn tại tốt ở sở tại, mà làm sao duy trì được tình yêu với quê hương của bố mẹ.

Đại sứ quán cũng sẽ có những hoạt động giúp các cháu duy trì được tiếng Việt, nét đẹp văn hóa Việt. Thực ra, nếu duy trì được, điều đó cũng sẽ là thế mạnh của các cháu. Càng giàu văn hóa càng có điều kiện để trưởng thành, phát triển trong thế giới hôm nay.

- Thưa Đại sứ, mỗi nhà ngoại giao khi nhận nhiệm sở đều đặt cho mình những ưu tiên trong sứ nhiệm kỳ của mình. Vậy, những ưu tiên của Đại sứ trong nhiệm kỳ này là gì? Điều gì sẽ là nền tảng để Đại sứ hoàn thành sứ mệnh quan trọng này?

Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch: Cùng cộng đồng tháo gỡ khó khăn có lẽ là ưu tiên đầu tiên vì nếu không tháo gỡ khó khăn có thể khủng hoảng sẽ tới và giải quyết khủng hoảng bao giờ cũng vất vả hơn là tiên liệu trước để tránh khủng hoảng. Tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng cũng lại là cách để thúc đẩy quan hệ giữa hai nước vì cộng đồng vẫn là cầu nối tốt nhất cho quan hệ giữa hai nước. Các quan hệ kinh tế văn hóa cũng từ đó mà phát triển.

Du lịch sẽ là một hướng đi dễ thực hiện hơn là các lĩnh vực khác vì nhiều người Ukraine muốn đi du lịch Việt Nam và ngược lại nhiều người Việt đã từng học ở Ukraine muốn quay lại nơi đã cưu mang mình trong những năm tháng tuổi trẻ. Vấn đề là phải tổ chức dịch vụ tốt để đáp ứng nhu cầu này của xã hội.

Tất nhiên nếu có được các dự án kinh tế lớn để khai thác được tiềm năng của hai nước sẽ là tuyệt vời. Đại sứ quán cũng đang tìm cách để triển khai. Những doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Tập đoàn Vingroup hay Sun Group đều lập nghiệp từ Ukraine. Họ hoàn toàn có thể làm các dự án lớn ở Ukraine nơi họ đã có rất nhiều kinh nghiệm. Các tập đoàn như “Vin” và “Sun” đều có thể để dấu ấn ở Ukraine như họ đang có ở Việt Nam.

Cuối cùng, xin chia sẻ với các bạn rằng, trong những cuộc gặp và làm việc của tôi với các bạn Ukraine, điều được quan tâm nhiều nhất lại là ở lĩnh vực khác, rất thiết thân và cần cho Việt Nam. Hy vọng là sẽ có kết quả và kỳ vọng của tôi về nhiệm kỳ này sẽ sớm được thực hiện nếu chỉ một trong những dự án này thành công.

Trân trọng cảm ơn Đại sứ!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục