Uy tín và vị thế của Hàn Quốc gia tăng sau nỗ lực chống COVID-19

Việc lãnh đạo nhiều nước tìm kiếm lời khuyên trong kiểm soát dịch COVID-19 từ Tổng thống Moon Jae-in được coi là lợi ích ngoại giao, giúp gia tăng uy tín và vị thế của Hàn Quốc trên thế giới.
Uy tín và vị thế của Hàn Quốc gia tăng sau nỗ lực chống COVID-19 ảnh 1Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Theo hãng tin Yonhap, trong vài tuần qua, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nhận được rất nhiều cuộc điện thoại từ lãnh đạo các nước muốn tìm kiếm lời khuyên trong việc kiểm soát dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới gây ra (COVID-19) hoặc đề nghị cung cấp các thiết bị y tế, đặc biệt là bộ xét nghiệm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2).

Nhiều người coi đây là lợi ích ngoại giao của Seoul trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và y tế cộng đồng - điều mà trớ trêu thay đã giúp uy tín và vị thế của Hàn Quốc trên thế giới gia tăng.

Hàn Quốc đã trở thành một hình mẫu chống COVID-19 khi một loạt phương tiện truyền thông nước ngoài đăng tải việc xử lý khủng hoảng y tế của Tổng thống Moon, chẳng hạn như nhanh chóng công bố các thông tin liên quan đến dịch.

Nhiều cuộc thăm dò dư luận cho thấy tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Moon ở trong nước đã tăng lên. Lần này, sự nổi tiếng của ông ở nước ngoài là về các biện pháp chống dịch, chứ không phải sáng kiến hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Theo Phó Phát ngôn viên của Phủ Tổng thống Hàn Quốc là Yoon Jae-kwan, ông Moon đã có 17 cuộc điện đàm với lãnh đạo các nước trong 32 ngày qua, trừ những ngày cuối tuần (trung bình 2 ngày/1 cuộc).

Phó Phát ngôn viên Yoon Jae-kwan nói với các phóng viên: "Đằng sau các cuộc điện đàm thượng đỉnh thường xuyên này là nhu cầu đoàn kết của các nước để chống COVID-19, mong muốn chia sẻ kinh nghiệm kiểm dịch và có được bộ xét nghiệm cũng như các thiết bị y tế khác của Hàn Quốc."

[Pháp và Hàn Quốc chia sẻ bí quyết trong cuộc chiến chống COVID-19]

Một quan chức khác cho biết Tổng thống Moon dự kiến sẽ tiếp tục các cuộc điện đàm thượng đỉnh vào tuần tới. Ông Moon đã khởi động hoạt động ngoại giao điện đàm thượng đỉnh về dịch COVID-19 bằng cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 20/2.

Hai bên đã nhất trí phối hợp trong cuộc chiến với căn bệnh rất dễ lây lan này.

Ông Moon đã thay thế các chuyến thăm Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ - dự kiến vào giữa tháng 3/2020 - bằng các cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo 3 nước này.

Nói chuyện với ông Moon qua điện thoại ngày 13/3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đánh giá cao những gì chính quyền Hàn Quốc đã làm để chống COVID 19. Tổng thống Moon đưa ra ý tưởng Hàn Quốc, Pháp và các thành viên Nhóm 20 (G20) khác tiến hành hội nghị trực tuyến đặc biệt.

Nhà lãnh đạo Hàn Quốc sau đó đã đưa ra đề nghị chính thức trong một cuộc thảo luận cũng qua điện thoại riêng với Thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia, nước chủ trì các phiên họp G20 năm nay.

Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến chưa từng có của G20 đã trở thành hiện thực vào cuối tháng 3 vừa qua. Ngày 24/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi điện cho Tổng thống Moon để đưa ra yêu cầu khẩn cấp nhập khẩu bộ xét nghiệm của Hàn Quốc.

Ông Trump nhất trí tạo điều kiện giải quyết các thủ tục hành chính tại Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA). Sản phẩm xét nghiệm của 3 công ty Hàn Quốc đã được FDA chấp thuận.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng tuyên bố Hàn-Mỹ đạt được tiến bộ có ý nghĩa trong các cuộc đàm phán về chia sẻ chi phí quốc phòng, làm nảy sinh suy đoán trên truyền thông rằng cuộc điện đàm Moon-Trump có thể ảnh hưởng đến không khí các cuộc đàm phán vốn khá cam go này.

Bên cạnh đó, ông Moon còn tiến hành một loạt cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo Thụy Điển, Tây Ban Nha, Canada, Litva, Etiopia, Bulgaria, Colombia, Đan Mạch và Việt Nam.

Các nước đều đánh giá cao chiến lược chống COVID 19 của Hàn Quốc và kêu gọi phối hợp hành động. Nhà Xanh cho biết họ đang thúc đẩy hội nghị trực tuyến ASEAN+3, bao gồm 10 quốc gia Đông Nam Á và Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản.

Hội nghị này sẽ cho phép Tổng thống Moon và Thủ tướng Shinzo Abe tham khảo ý kiến trực tiếp với các đối tác này về việc ứng phó với đại dịch.

Gần đây, Nhà Xanh cho biết ông Moon cũng đã nhận được thư của các nhà lãnh đạo Myanmar, Lào, Kazakstan, Brunei, Senegal và Côte d'Ivoire.

Năm 2018, ông Moon đã nhất trí thiết lập đường dây điện thoại nóng với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Tuy nhiên, đường dây nóng này dường như không hoạt động, không có tin tức về các cuộc nói chuyện điện thoại giữa hai bên.

Các trợ lý của Tổng thống Moon cho biết ông sẽ không ngần ngại nghe điện thoại nếu ông Kim Jong-un gọi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục