Vai trò các nước trong bảo đảm nền hòa bình lâu dài

Phó Tổng Thư ký LHQ Jan Eliasson khẳng định, quốc hội các nước cần phát huy vai trò lãnh đạo để xây dựng một nền hòa bình bền vững.
Ngày 6/12, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Jan Eliasson khẳng định, quốc hội của các nước cần phát huy vai trò lãnh đạo mạnh mẽ để xây dựng một nền hòa bình bền vững ở các nước đang trong tiến trình hòa giải.

Chính phủ các nước và Liên hợp quốc phải tăng cường mối quan hệ đối tác nhằm ngăn chặn xung đột và thúc đẩy những nỗ lực xây dựng hòa bình.

Phát biểu tại cuộc điều trần của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), được tổ chức ngày 6/12 tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, ông Eliasson cho rằng, xây dựng quyền của các tổ chức quốc gia là vấn đề quan trọng trong tiến trình chuyển sang nền hòa bình thành công và trong số những tổ chức này, quốc hội đóng vai trò rất quan trọng.

Mặc dù Liên hợp quốc có thể thúc đẩy nền hòa bình ở các nước có xung đột, nhưng thành công cuối cùng phụ thuộc vào sự lãnh đạo và cam kết quốc gia mạnh mẽ cùng với sự hòa giải và việc cải cách. Sự lãnh đạo và cam kết trên thường bắt nguồn từ các thành viên của Quốc hội.

Ông Eliasson chỉ ra bốn lĩnh vực cơ bản mà quốc hội các nước có thể giúp thúc đẩy ngăn chặn và giải quyết xung đột bao gồm: Tạo cơ hội cho các nhóm và các dân tộc thiểu số - thường là trung tâm của xung đột bạo lực - có tiếng nói để các quyền của họ được tôn trọng và họ có thể phát triển kinh tế xã hội; Trao quyền cho phụ nữ tham gia các tiến trình chính trị; Đấu tranh chống tham nhũng và nêu cao trách nhiệm giải trình của các nhà chức trách để tránh tập trung quá nhiều quyền lực từ đó có thể dẫn đến xung đột.

Ông nói: “Chính các quốc hội thường nắm giữ chìa khóa để thực hiện những thay đổi cần thiết nhằm ngăn chặn xung đột hoặc tái phát xung đột. Trong các nền dân chủ mới, nhiệm vụ này thường do các nghị sỹ thực hiện và sử dụng địa vị của của họ thúc đẩy vai trò trách nhiệm tốt hơn chứ không phải thúc đẩy các lợi ích của đảng phái hoặc cá nhân”.

Do vai trò quan trọng của các nghị sỹ trong các nền dân chủ mới, Liên hợp quốc và IPU sẽ phải chú trọng thúc đẩy quốc hội ở những nước dễ mất ổn định và đặc biệt là vai trò của quốc hội trong việc ngăn ngừa và giải quyết xung đột.

Ông Eliasson cho biết thêm, hiện nay nhiều quốc hội không đủ năng lực và các nguồn lực hoặc thiếu thẩm quyền theo hiến pháp. Và mặc dù có thể có những thất bại gần đây trong các cuộc xung đột như ở Syria, Mali và Cộng hòa Dân chủ Congo, nhưng điều đó không có nghĩa là xây dựng hòa bình đang vấp phải những trở ngại không thể vượt qua. Số lượng các cuộc xung đột bạo lực đã giảm hơn 40% kể từ đầu những năm 1990.

Ông nói: “Chúng ta rút ra nhiều bài học quan trọng. Hơn bao giờ hết, hiện nay chúng ta hiểu cần phản ứng thống nhất và nhiều mặt để đạt được giải pháp bền vững. Ngăn chặn xung đột và gìn giữ hòa bình cần được liên kết chặt chẽ với hành động lâu dài trên các lĩnh vực như quy định luật pháp, nhân quyền và phát triển. Hành động lâu dài như vậy sẽ đòi hỏi mối quan hệ đối tác chặt chẽ giữa các chính phủ, xã hội dân sự và các tổ chức quốc tế."

Kể từ khi thành lập từ năm 1889 đến nay, IPU đã hợp tác chặt chẽ với Liên hợp quốc cũng như các tổ chức liên chính phủ quốc tế và phi chính phủ. Theo nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc về hợp tác giữa Liên hợp quốc và IPU, sự kiện chung năm nay được gọi là Điều trần quốc hội hàng năm nhằm tập hợp tất cả các thành viên của quốc hội và các quan chức cấp cao của Liên hợp quốc, đại diện của các nước thành viên, chuyên gia của các viện nghiên cứu và các tổ chức xã hội dân sự để thảo luận phối hợp hành động.

Sau cuộc điều trần nói trên, những kết luận sẽ được chuyển tới cộng đồng Liên hợp quốc cũng như quốc hội của các nước./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục