Vì sao nhiều hành khách không chọn bay đêm cho dù giá vé rẻ?

Trong bối cảnh thiếu hụt máy bay, các hãng hàng không tăng cường tần suất bay đêm. Tuy nhiên, nhiều hành khách vẫn chưa chọn đi lại vào khung giờ này.

Máy bay của các hãng hàng không tại Sân bay Quốc tế Nội Bài. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Máy bay của các hãng hàng không tại Sân bay Quốc tế Nội Bài. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Liên quan đến ý kiến điều chỉnh giảm giá các dịch vụ tại sân bay hoặc tăng tần suất bay đêm để kéo giảm giá vé máy bay, đại diện các đơn vị trong ngành hàng không cho rằng việc tăng tần suất bay đêm mang tính khá gượng ép và nhu cầu của hành khách cũng không cao, khiến các hãng không có khách.

11 cảng hàng không đang phải bù lỗ

Tại hội thảo “Hàng không-du lịch ‘bắt tay’ liên kết phát triển bền vững" do Báo Nhân Dân tổ chức vào chiều 12/6, theo ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), các cảng hàng không đang thu 5 loại giá, phí gồm: giá dịch vụ hành khách, giá bảo đảm an ninh hàng không, giá dịch vụ hạ, cất cánh, dịch vụ cảng và phục vụ mặt đất. Tổng chi phí tính trên mỗi hành khách cao nhất là 184.000 đồng và trung bình là 168.000 đồng, so với vé bay cao nhất chỉ chiếm 7-8%, chiếm rất nhỏ trong giá vé bay.

Trong 21 cảng hàng không mà ACV quản lý, ông Thanh cho biết chỉ có 6 cảng hàng không đang có lãi gồm Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Phú Quốc, Liên Khương, Đà Nẵng và Cam Ranh. Bốn cảng hàng không hoà vốn gồm Cát Bi, Côn Đảo, Thanh Hóa và Buôn Ma Thuột, còn lại 11 cảng hàng không đang phải bù lỗ.

“Giá trị cảng hàng không thu từ hãng hàng không để tham gia vào việc tăng hay giảm giá vé bay rất nhỏ. Thực tế, giá vé máy bay nội địa của Việt Nam hiện cũng thấp hơn nhiều so với quốc tế như chặng Hà Nội-Đà Nẵng có mức giá trung bình 0,12 cent/km và giá cao nhất là 0,16 cent/km. Trong khi đó, mức giá tại Pháp tương ứng là 0,35 cent và 0,93 cent, còn Thái Lan là 0,10 cent và 0,29 cent,” Chủ tịch ACV đưa ra dẫn chứng.

Người đứng đầu ACV cũng chỉ ra giá vé cao chủ yếu do các hãng bay từng vì cạnh tranh mà tạo thói quen cho người dân ở các mức khuyến mại. Mức giá tưởng cao nhưng thực tế các dải giá vẫn không thay đổi, tỷ trọng cho từng dải giá vẫn vậy.

“Nhiều quốc gia có cơ chế hữu hiệu là chống cạnh tranh không lành mạnh tức là không được dùng giá dưới giá thành để đánh đối thủ và không được lợi dụng vị thế độc quyền để tăng giá quá đáng. Tôi cũng đồng ý bỏ giá trần sẽ không ảnh hưởng nhiều đến giá vé bay, nhưng cần có giá sàn để có công cụ chống bán phá giá,” ông Thanh chia sẻ.

vnp_lai xuan thanh.jpg
Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Cho rằng giá vé bay hiện nay vẫn “đóng đinh” trong khung giá từ năm 2012, 2015, theo ông Thanh, ACV đang phải thi hành chính sách nuôi dưỡng nguồn thu. Nếu hãng hàng không phá sản, ACV cũng chết theo vì hãng bay đang nợ đơn vị nhiều.

“ACV muốn đầu tư mở rộng Cảng hàng không Phú Bài, Điện Biên nhưng giá dịch vụ vẫn giữ từ năm 2015. Nhiệm vụ của ACV vẫn phải đầu tư để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cạnh tranh của ngành hàng không. Tổng công ty vay chỉ cho dự án có lãi như Nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất, Long Thành, còn các sân bay địa phương phải dùng vốn của ACV để giữ giá dịch vụ,” Chủ tịch ACV nói.

Trả lời đến việc Nhà nước cho mở thêm các hãng hàng không để đa dạng hóa thị trường, kéo giảm giá vé bay, theo ông Thanh, nhiều nhà đầu tư hàng không đang “chạy dạt" do không thấy lợi nhuận ổn định, bền vững khi đầu tư vào vận tải hàng không.

Khách ngại bay đêm

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Tập đoàn du lịch-hàng không Vietravel cho biết giá vé cao không chỉ riêng Việt Nam mà cả thế giới đều tăng từ 17-25%. Trong khi đó, các chi phí cho hàng không đều rất lớn. Các hãng hàng không đều đang gặp khó khăn.

“Hàng không chi phí rất lớn, công nghệ cao những phần lõi từ lốp máy bay, các phần mềm check -in, check-out… đều phải trả tiền. Ta chỉ có con người vận hành hàng không trong thị trường. Việc ‘bay gia công’ như vậy phụ thuộc rất lớn vào biến động thị trường," ông Kỳ chia sẻ.

Nhìn nhận bay đêm chỉ phù hợp với việc bay charter (thuê chuyến), theo ông Kỳ, khi thị trường có nhu cầu như thời điểm dịp Tết hay các dịp lễ, nhu cầu của hành khách đi lại nhiều nên các hãng hàng không buộc phải tăng thêm các chuyến bay đêm nhằm đáp ứng nhu cầu. Còn hiện việc tăng tần suất bay đêm mang tính khá gượng ép và nhu cầu của hành khách cũng không cao, khiến các hãng không có khách.

vnp_quoc ky.jpg
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Tập đoàn du lịch-hàng không Vietravel cho biết giá vé cao không chỉ riêng Việt Nam mà cả thế giới đều tăng từ 17-25%. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Để giảm giá vé máy bay, theo ông Kỳ cần sự vào cuộc của Chính phủ để có những cơ chế chính sách để giúp ngành hàng không giảm chi phí, cũng như có chiến lược phát triển hàng không.

Theo ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, tháng 4-5/2024, Vietnam Airlines đã tăng rất nhiều chuyến bay sáng sớm và đêm nhằm tăng thêm tải cung ứng, giảm sức nóng của giá vé trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, góp phần giảm nhiệt giá vé máy bay trong tháng Năm.

Tuy nhiên, ông Hà thừa nhận, trong tháng Năm vừa qua, Vietnam Airlines đã phải hủy 10% chuyến bay đêm do không có khách vào khung giờ đêm.

“Vấn đề là cung-cầu của thị trường. Chúng ra đưa ra chuyến bay đêm song thị trường chưa sẵn sàng. Lý do là vì có nhiều điều không thuận tiện cho khách như mất thêm một đêm khách sạn, điều này khiến các công ty du lịch ngại ngần. Bên cạnh đó, điểm đến hạ tầng giao thông, du lịch có sẵn sàng, thuận tiện cho mọi người đi lại, du lịch không?," ông Hà phân tích.

Từ đó, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines đề nghị các doanh nghiệp du lịch cần có chính sách giảm giá đêm đầu tiên cho những khách bay đêm. Hàng không và du lịch cần có sự bắt tay nhau để có các chương trình chính sách bay đêm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục