Việc dùng ma túy tổng hợp dạng tinh thể đang gia tăng

Theo báo cáo của UNODC, hiện nay, tại Việt Nam, việc sử dụng ma túy tổng hợp dạng tinh thể đang ngày càng gia tăng.

Ngày 22/11, Tổng cục cảnh sát phòng, chống tội phạm (Tổng cục VI) - Bộ Công an phối hợp Văn phòng Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) tổ chức Hội thảo thực trạng và giải pháp phòng, chống sản xuất, mua bán, vận chuyển, sử dụng ma túy tổng hợp.

Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia quản lý Nhà nước và lực lượng chuyên trách làm công tác phòng, chống tội phạm ma túy trong và ngoài nước.

Theo báo cáo của UNODC, hiện nay, thị trường các chất hướng thần dạng amphetamine (ATS) ở Việt Nam tiếp tục được mở rộng và đa dạng hóa. Việc sử dụng ma túy tổng hợp dạng tinh thể này càng gia tăng và số lượng lớn các chất hướng thần mới (NPS) cũng đã xuất hiện nhiều.

Từ năm 2010, ATS đã trở thành loại ma túy được sử dụng nhiều thứ hai tại Việt Nam và rất thịnh hành trong giới trẻ các thành phố lớn, các vùng biên giới và các khu công nghiệp. Mặt khác, các nhóm tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, đặc biệt là nhóm đối tượng từ Tây Phi tiếp tục vận chuyển ma túy và tiền hóa chất bất hợp pháp với số lượng lớn qua Việt Nam tới các thị trường quốc tế.

Ở Việt Nam, có 32 loại tiền chất dùng cho mục đích công nghiệp, y tế trong danh mục kiểm soát của Chính phủ và những tiền chất này được nhập khẩu với số lượng lớn. Do đó, việc vận chuyển bất hợp pháp các tiền hóa chất từ Việt Nam ngày càng tăng lên về cường độ.

Theo Trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục VI, Việt Nam, các nước trong khu vực và thế giới đã và đang tuyên chiến với tội phạm ma túy, tệ nạn ma túy và đã thu được nhiều kết quả. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, tội phạm ma túy còn diễn biến phức tạp, khó lường.

Bên cạnh những thị trường truyền thống như Tây Âu, Bắc Mỹ…, ma túy tổng hợp đang xuất hiện ngày càng nhiều ở những khu vực mới, trong đó có Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Công an, 6 tháng đầu năm 2013, trong nhiều loại ma túy bị bắt giữ, có tới 46kg và 140 nghìn viên ma túy tổng hợp.

Cùng với đó, ngày càng có nhiều băng nhóm hoạt động buôn bán, vận chuyển ma túy số lượng nhiều, hoạt động trên cả bốn tuyến (đường bộ, đường sắt, hàng không và đường thủy). Hiện, ma túy đã xuất hiện ở cả 63 tỉnh, thành phố. Trong đó, có tới 30% là ma túy tổng hợp, 40% người nghiện loại ma túy này. Cho tới nay, các lực lượng chức năng đã triệt phá 21 xưởng chiết xuất, sản xuất ma túy tổng hợp, nhưng số lượng ma túy tổng hợp bị bắt giữ không hề giảm.

Vừa qua, rất nhiều vụ án mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng lớn bị bắt giữ cho thấy, tội phạm này ngày càng manh động và liều lĩnh. Đại tá Đoàn Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng phòng, chống ma túy Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng phân tích Việt Nam có nhiều tuyến biên giới đường bộ giáp với các nước Lào, Campuchia và Trung Quốc; 188 bến cảng và khu vực neo đậu đường biển, do đó tình hình buôn bán, vận chuyển ma túy hết sức phức tạp và khó triệt phá. Hơn nữa, tại các khu vực này tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, dân trí thấp, có quan hệ họ tộc, tạo thuận lợi cho các đối tượng buôn bán ma túy lôi kéo, càng làm tình hình phức tạp hơn.

Đề cập về sự quản lý đối với tiền chất ma túy, đại diện Cục quản lý dược (Bộ Y tế) khẳng định sự nhất quán trong quản lý các chất này của đơn vị. Đối với các hoạt động xuất nhập khẩu tiền chất ma túy, đơn vị đều có thông báo các cơ quan quản lý về ma túy để kiểm soát và thống nhất, sau đó mới tiến hành làm thủ tục.

Bên cạnh đó, việc quản lý thuốc hướng thần tiền chất gây nghiện đã được siết chặt. Đó là việc điều chỉnh chỉ bán các loại này cho các nhà thuốc đạt tiêu chuẩn, nhà thuốc bệnh viện. Đối với các tỉnh, chỉ một công ty dược được phép bán và có sự giám sát chặt chẽ của Sở Y tế. Đối với bán lẻ, nhà thuốc cần ghi đầy đủ thông tin bệnh nhân và không bán thuốc có chất này quá 15 ngày sử dụng./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục