Cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra tại nhiều quốc gia trên thế giới khiến các nước đứng trước nguy cơ thiếu điện.
Tại hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) mới đây, Việt Nam đã cam kết giảm phát thải bằng 0 vào năm 2050. Tuy nhiên, để thực hiện chuyển dịch năng lượng, hướng đến năng lượng xanh trong khi vẫn đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong quá trình này là điều không dễ.
Ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) đã có những trao đổi với báo chí về vấn đề này.
Thưa ông, thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nhiên liệu, nguy cơ thiếu điện đã hiện hữu ở nhiều quốc gia. Ông nhìn nhận thế nào về cuộc khủng hoảng này và tình hình phát triển năng lượng ở Việt Nam hiện nay ra sao?
Cục trưởng Hoàng Tiến Dũng: Cuộc khủng hoảng năng lượng trên thế giới xuất phát từ những vấn đề bắt nguồn từ kết nối ngày càng mạnh nhưng vẫn còn tồn tại nhiều bất định của thị trường năng lượng thế giới với 5 yếu tố chính.
Thứ nhất, nhu cầu năng lượng thế giới phục hồi mạnh thời kỳ hậu dịch COVID-19, đặc biệt là từ Trung Quốc.
Thứ hai, sự phụ thuộc ngày càng tăng của châu Âu vào nguồn năng lượng khí tự nhiên.
Thứ ba, tác động cung cầu năng lượng khiến giá khí đốt và giá than tăng kỷ lục, khiến giá điện tăng mạnh.
Thứ tư, các quốc gia Bắc bán cầu đang bước vào mùa Đông với những biểu hiện thời tiết cực đoan.
Cuối cùng, tiến trình chuyển dịch năng lượng ở khí tự nhiên là các bước đệm giữa chuyển đổi than sang nguồn năng lượng phát thải thấp cũng gây sức ép lên cung cầu năng lượng.
Việt Nam đang là nước nhập khẩu ròng năng lượng với mức nhập khẩu đáng kể than và dầu hiện nay và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trong tương lai gần.
Tác động lớn nhất từ cuộc khủng hoảng năng lượng lần này đối với ngành năng lượng Việt Nam có thể nhận thấy đó là giá các loại năng lượng nhập khẩu sẽ có mức tăng theo giá năng lượng thế giới.
[Bộ Công Thương đưa ra các giải pháp chính nhằm đảm bảo cung ứng điện]
Các loại năng lượng sản xuất trong nước nhưng có phương pháp định giá theo giá năng lượng thế giới cũng sẽ tăng với các mức độ khác nhau.
Năng lượng là yếu tố đầu vào quan trọng trong quá trình sản xuất điện và mọi hoạt động của nền kinh tế, do đó, sẽ khiến chi phí sản xuất điện nói riêng và chi phí sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng đáng kể.
Yếu tố này sẽ có tác động đến quá trình hồi phục kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.
Nhìn từ cuộc khủng hoảng này, Việt Nam có kế hoạch gì để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và từng bước chuyển dịch năng lượng, hướng đến giảm phát thải bằng 0, thưa ông?
Cục trưởng Hoàng Tiến Dũng: Việt Nam đang trong quá trình chuyển dịch năng lượng. Thời gian qua, có thể thấy, tỷ lệ năng lượng sạch như điện Mặt Trời, điện gió... được xây dựng và đưa lên lưới đã tăng lên đáng kể.
Điều này giúp Việt Nam đa dạng hóa các nguồn năng lượng, giảm bớt phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu do đó, sẽ tăng cường an ninh năng lượng trong dài hạn.
Có thể nhận thấy, chúng ta cần tiếp tục chuyển dịch năng lượng thông qua việc thực hiện triệt để các định hướng lớn của Đảng và Nhà nước đối với việc phát triển hài hòa giữa năng lượng mới và năng lượng truyền thống.
Đầu tiên, cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng để giảm nhu cầu năng lượng.
Việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo cần tiếp tục thực hiện với một lộ trình khả thi phù hợp với chi phí đầu tư công nghệ năng lượng tái tạo và giá bán điện.
Ngoài ra, nhiệm vụ phát triển cơ sở hạ tầng nhập khẩu điện và các dạng năng lượng sơ cấp cũng cần được thúc đẩy. Các yếu tố này cần thực hiện đồng bộ để đảm bảo quá trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam diễn ra hiệu quả và ngăn ngừa được các tác động tiêu cực.
Với Việt Nam, việc đảm bảo nguồn cung nhiên liệu, năng lượng trong ngắn hạn chưa đối mặt với những vấn đề phức tạp nhờ các hợp đồng nhập khẩu than và khí dài hạn.
Tuy nhiên, việc đảm bảo nhiên liệu cho các nhà máy điện than và khí trong nước trong thời gian tới cần sự điều hành thống nhất để đảm bảo cung ứng nguồn nhiên liệu than, khí giữa các tập đoàn năng lượng trong nước.
Bên cạnh đó, việc thúc đẩy phát triển các hạ tầng cơ sở nhập khẩu năng lượng cũng cần được đảm bảo tiến độ để duy trì khả năng nhập khẩu năng lượng sơ cấp cho các nhà máy điện.
Đồng thời, cần phát huy công suất các nguồn năng lượng tái tạo, tăng cường tích nước thủy điện sẽ góp phần giảm nhẹ sức ép lên nhiệm vụ đảm bảo nhiên liệu cho các nhà máy điện.
Để chuyển dịch năng lượng, hướng tới phát triển các dạng năng lượng tái tạo vốn được coi là “đỏng đảnh” nhưng vẫn đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, lợi ích doanh nghiệp, ổn định lưới điện, theo ông, phương án huy động các nguồn điện này như thế nào?
Cục trưởng Hoàng Tiến Dũng: Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đưa ra định hướng “Phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch; khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn năng lượng hoá thạch trong nước, chú trọng mục tiêu bình ổn, điều tiết và yêu cầu dự trữ năng lượng quốc gia; ưu tiên phát triển điện khí, có lộ trình giảm tỷ trọng điện than một cách hợp lý; chủ động nhập khẩu nhiên liệu từ nước ngoài cho các nhà máy điện; phân bổ tối ưu hệ thống năng lượng quốc gia trong tất cả các lĩnh vực trên cơ sở lợi thế so sánh của từng vùng, địa phương.”
Như vậy, việc phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo phải được đặt trong một bức tranh phát triển hài hòa hệ thống điện nói riêng và hệ thống năng lượng nói chung.
Việc phát triển triệt để các nguồn năng lượng tái tạo là một xu thế tất yếu nhưng cũng cần cân nhắc đến các vấn đề về đảm bảo độ tin cậy cung cấp điện, đa dạng hóa các loại hình nguồn điện và đảm bảo giá điện ở mức chấp nhận được, có khả năng chi trả.
Điều này đảm bảo lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước trong hoạt động sản xuất và kinh doanh.
Phương án phát triển và huy động các nguồn điện này cần được thực hiện với các giải pháp đồng bộ.
Thứ nhất, cần đảm bảo tiến độ các dự án, chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng và vận hành các công trình nguồn và lưới điện.
Thứ hai, khẩn trương triển khai xây dựng các đường dây, trạm biến áp giải tỏa công suất các dự án hiện hữu, nhất là các công trình năng lượng tái tạo.
Thứ ba, phát triển hợp lý các nguồn điện truyền thống với tỷ trọng phù hợp để đảm bảo cung ứng điện.
Thứ tư, phát triển các nguồn điện linh hoạt có thể đáp ứng nhanh chóng với các thay đổi về công suất phát điện năng lượng tái tạo và diễn biến phụ tải điện.
Thứ năm, triển khai mạnh mẽ các giải pháp quản lý, tiết giảm nhu cầu điện thông qua các chương trình quản lý nhu cầu, điều chỉnh phụ tải.
Thứ sáu, đẩy nhanh tiến độ đàm phán, ký kết và triển khai nhập khẩu điện.
Xin trân trọng cảm ơn ông!