‘Việt Nam đã có nỗ lực to lớn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu’

Phó Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam Patrick Haverman cho rằng Việt Nam hiện đang trở thành “hình mẫu” đi đầu về hợp tác đa phương trong thực hiện giảm phát thải khí nhà kính.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Theo đánh giá của Phó Trưởng đại diện Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam Patrick Haverman, thời gian qua, Việt Nam đã có những nỗ lực to lớn trong “cuộc chiến” chống biến đổi khí hậu và hiện đang trở thành “hình mẫu” đi đầu về hợp tác đa phương trong thực hiện giảm phát thải khí nhà kính.

Vấn đề quan trọng với Việt Nam hiện nay là cần thiết lập một hệ thống quốc gia đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (MRV) minh bạch và bền vững. Đây cũng là một trong những điều kiện quan trọng để Việt Nam đảm bảo nguồn tài chính khí hậu dài hạn và có thể dự báo được để thực hiện NDC (Đóng góp do quốc gia tự quyết định về ứng phó với khí hậu), đặc biệt là từ các nguồn vốn quốc tế.

Chia sẻ thêm tại Hội thảo khởi động dự án “Nâng cao năng lực quản lý dữ liệu và thông tin báo cáo phù hợp với yêu cầu khung minh bạch tăng cường của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (CBIT)” diễn ra ngày 21/12, ông Patrick Haverman cho rằng giải pháp trên là đặc biệt quan trọng vì Việt Nam cần ít nhất 15-30 tỷ USD hàng năm để thực hiện “NetZero 2050” (đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050).

Ngoài ra, MRV cũng là giải pháp để Việt Nam đáp ứng yêu cầu của Thỏa thuận Paris về việc nộp Báo cáo minh bạch hai năm một lần đầu tiên vào cuối năm 2024.

[Hơn 1.900 doanh nghiệp xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính từ 2024]

Với yêu cầu đó, dự án CBIT do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ thông qua UNDP, sẽ hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực quốc gia trong việc theo dõi, báo cáo về phát thải khí nhà kính và thực hiện các hành động ứng phó biến đổi khí hậu.

Để triển khai dự án trên, các bộ, ngành liên quan và cơ sở phát thải khí nhà kính lớn sẽ cùng tham gia vào việc thiết kế hệ thống báo cáo và kiểm kê khí nhà kính cấp quốc gia và cấp ngành, phù hợp với yêu cầu quốc tế.

Trên phương diện là Giám đốc quốc gia dự án CBIT, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết là một bên tham gia các cam kết toàn cầu về biến đổi khí hậu, Việt Nam đã bước đầu thể chế hóa các quy định về kiểm kê khí nhà kính và khung minh bạch trong Nghị định số 06/2022/NĐ-CP về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone.

‘Việt Nam đã có nỗ lực to lớn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu’ ảnh 1Một dây chuyền sản xuất ximăng. (Ảnh. Hoàng Nguyên/TTXVN)

Theo đó, việc theo dõi, giám sát tuân thủ các quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính sẽ được thực hiện thông qua MRV. Hệ thống này do Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối, có trách nhiệm kiểm tra việc tuân thủ các quy định về MRV và vận hành cơ sở dữ liệu trực tuyến quốc gia về MRV.

Việc cung cấp thông tin phục vụ MRV quốc gia là trách nhiệm liên quan đến rất nhiều bộ, ngành, địa phương. Ở cấp cơ sở, các cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

Để triển khai các quy định trong thời gian tới, ông Tấn cho biết dự án CBIT sẽ giúp nâng cao năng lực của Việt Nam trong việc kiểm kê và thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp yêu cầu quốc tế; tăng cường hệ thống quốc gia để theo dõi dòng tài chính cho biến đổi khí hậu trong nước và quốc tế một cách có hệ thống.

Nói thêm về dự án CBIT, bà Chu Thanh Hương, đại diện Cục Biến đổi khí hậu cho biết ngay trong năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các tổ chức quốc tế xây dựng chương trình đào tạo, tập huấn về thu thập và phân tích dữ liệu cho kiểm kê khí nhà kính quốc gia cho các đối tượng ưu tiên, bao gồm: Cán bộ quản lý cấp sở, phòng của các địa phương; kỹ thuật viên thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; cán bộ làm công tác kiểm kê khí nhà kính ở một số doanh nghiệp.

Từ đó, dự án sẽ hình thành nhóm nòng cốt về thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, đáp ứng yêu cầu của Luật Bảo vệ Môi trường và Thỏa thuận Paris.

Theo kế hoạch dự kiến, chương trình đào tạo, tập huấn sẽ triển khai trong các lĩnh vực: chất thải rắn, nước thải, chăn nuôi, sản xuất xi măng. Ngoài ra, dự án sẽ hỗ trợ thí điểm một nhóm doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất xi măng xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Dự án cũng sẽ giám sát, đánh giá và chia sẻ các bài học kinh nghiệm, thực hành tốt ở cấp quốc gia và quốc tế.

Ngay sau hội thảo khởi động dự án, Cục Biến đổi khí hậu sẽ phối hợp với UNDP Việt Nam để trình UNDP, Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Kế hoạch năm 2023 để sớm triển khai thực hiện./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục