Việt Nam đề cao ưu tiên nỗ lực hỗ trợ nhân đạo cho người dân Syria

Đại sứ Đặng Đình Quý nhấn mạnh việc cần ưu tiên các nỗ lực hỗ trợ nhân đạo trước tác động của khủng hoảng kinh tế, mất an ninh lương thực, thiếu hàng hóa cơ bản cũng như đại dịch COVID-19.
Việt Nam đề cao ưu tiên nỗ lực hỗ trợ nhân đạo cho người dân Syria ảnh 1Cảnh vắng vẻ tại huyện Daraa al-Balad, tỉnh Daraa, miền bắc Syria, ngày 16/8/2021. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại New York (Mỹ), ngày 24/8, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã họp về tình hình khủng hoảng leo thang tại Syria.

Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Syria Geir Pedersen và Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách vấn đề nhân đạo Martin Griffiths đã báo cáo cập nhật Hội đồng Bảo an về tiến trình chính trị và tình hình nhân đạo tại Syria.

Tại đây, Việt Nam đề cao cần ưu tiên cho các nỗ lực hỗ trợ nhân đạo để giúp người dân vượt qua nhiều tác động của tình hình khủng hoảng.

Các báo cáo viên chia sẻ lo ngại về tình hình an ninh xấu đi trong mấy tháng gần đây, đặc biệt là tại khu vực Tây Bắc và Tây Nam của Syria.

Tính riêng trong tháng 6 và 7/2021, bất ổn tại Tây Bắc đã làm ít nhất 53 dân thường thiệt mạng, phá hủy cơ sở hạ tầng và buộc hơn 20.000 người phải rời khỏi nơi cư trú và đây là con số lớn nhất kể từ tháng 3/2020 sau khi các bên đạt Thỏa thuận ngừng bắn ở khu vực này.

Tình trạng bạo lực gia tăng tại khu vực thành phố Daraa thuộc Tây Nam Syria, gần biên giới với Jordan, kể từ cuối tháng 7/2021 tới nay đã làm hơn 35.000 người bị mất nơi cư trú, tiếp cận nhân đạo bị hạn chế. 

Hai đại diện Liên hợp quốc một mặt hoan nghênh việc Hội đồng Bảo an nhất trí gia hạn cơ chế viện trợ xuyên biên giới tới Syria vào tháng 7, mặt khác tiếp tục bày tỏ lo ngại về tác động nặng nề của bạo lực, khủng hoảng kinh tế, mất an ninh nguồn nước và đại dịch COVID-19 tới hàng triệu dân thường.

Ông Pedersen và ông Griffiths nhấn mạnh việc cộng đồng quốc tế cần nỗ lực thúc đẩy viện trợ nhân đạo bằng mọi hình thức, hỗ trợ khôi phục các dịch vụ thiết yếu cho người dân sau xung đột.

[Ngày càng nhiều người di cư từ Syria và Afghanistan vào EU]

Riêng về tiến trình chính trị, Đặc phái viên Pedersen thông báo việc ông đang tiếp tục vai trò “cầu nối” giữa các đoàn đàm phán của Chính phủ Syria và phe đối lập nhằm thúc đẩy đàm phán cải tổ Hiến pháp trong khuôn khổ Ủy ban Hiến pháp.

Sau 5 vòng đàm phán bế tắc kể từ tháng 9/2019, các bên đang duy trì thương lượng về thủ tục làm việc của Uỷ ban này nhằm đạt kết quả cụ thể hơn.

Ông Pedersen nhắc lại lời kêu gọi thiết lập một Khuôn khổ trao đổi quốc tế mới giữa các bên liên quan, từ đó tính toán cụ thể các bước đi trong quá trình tìm kiếm giải pháp chính trị.

Trong cuộc trao đổi, các thành viên Hội đồng Bảo an nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy giải pháp chính trị toàn diện trên cơ sở Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an, hướng tới giải quyết dứt điểm khủng hoảng tại Syria.

Các thành viên chia sẻ lo ngại về tình hình an ninh có dấu hiệu xấu đi và kêu gọi các bên kiềm chế, tạo điều kiện cho đối thoại và đàm phán, bảo vệ thường dân và duy trì hỗ trợ nhân đạo.

Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, chia sẻ lo ngại về tình hình an ninh còn nhiều phức tạp cùng tác động tới dân thường, kêu gọi các bên tại Syria và các đối tác quốc tế thúc đẩy đối thoại và xây dựng lòng tin để tìm giải pháp hòa bình cho hơn một thập kỷ bất ổn.

Đại sứ Đặng Đình Quý nhấn mạnh việc cần ưu tiên các nỗ lực hỗ trợ nhân đạo trước tác động của khủng hoảng kinh tế, mất an ninh lương thực, thiếu hàng hóa cơ bản cũng như đại dịch COVID-19.

Đại sứ hoan nghênh việc Hội đồng Bảo an đồng thuận trong gia hạn cơ chế viện trợ xuyên biên giới tới Syria và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì đồng thuận trong tìm giải pháp chính trị lâu dài và toàn diện./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục