Việt Nam tái khẳng định cam kết mạnh mẽ về chống biến đổi khí hậu

Việt Nam tái khẳng định cam kết mẽ mạnh mẽ của mình trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, đồng thời phát đi thông điệp “cam kết đi đôi với hành động” trong thực hiện các mục tiêu khí hậu.
Việt Nam tái khẳng định cam kết mạnh mẽ về chống biến đổi khí hậu ảnh 1Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chia sẻ giải pháp và lộ trình của Việt Nam trong thực hiện các cam kết với WB về chống biến đổi khí hậu. (Ảnh: Nguyễn Trường/TTXVN)

Hội nghị lần thứ 27 các Bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) diễn ra tại thành phố Sharm El-Sheikh của Ai Cập từ ngày 6-18/11, nhằm giải quyết các vấn đề then chốt để ứng phó với tác động biến đổi khí hậu và thực hiện mục tiêu khống chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới ngưỡng 1,5 độ C.

Tại hội nghị về biến đổi khí hậu toàn cầu lần này, Việt Nam tái khẳng định cam kết mẽ mạnh mẽ của mình trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, đồng thời phát đi thông điệp “cam kết đi đôi với hành động” trong thực hiện các mục tiêu khí hậu.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi Trường Trần Hồng Hà đã trả lời phỏng vấn TTXVN về các giải pháp, chiến lược của Việt Nam trong thực hiện cam kết về khí hậu.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết Chính phủ đã ban hành chiến lược về biến đổi khí hậu, cụ thể hóa các mục tiêu cam kết cũng như những nhiệm vụ mà các bộ, ngành và địa phương cần thực hiện. Trong đó, Việt Nam xác định những nhiệm vụ và mục tiêu để thực hiện bằng nội lực của mình, cũng như nhóm nhiệm vụ cụ thể mà Việt Nam cần có sự hợp tác và hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.

Đặc biệt, tại COP27, Việt Nam sẽ tiếp tục cùng với các nước trên thế giới trao đổi, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực đóng góp từ các nước phát triển. Nguồn lực này cần được phân bổ một cách minh bạch, cân bằng cho các nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng của các quốc gia đang phát triển và kém phát triển.

Bộ trưởng cho rằng giải pháp để thực hiện điều đó chính là chuyển đổi năng lượng. Đây là nhiệm vụ mà Việt Nam đã xác định rõ lộ trình.

Việt Nam tích cực và chủ động thực hiện các cam kết của mình bằng các nguồn lực huy động trong nước cũng như thông qua sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là cơ chế của thỏa thuận COP26.

[WB đánh giá cao tính hiệu quả của các dự án về khí hậu tại Việt Nam]

Chủ đề của COP27 là “chung tay thực hiện,” bao gồm cả vấn đề thích ứng và phòng chống thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra đối với các nước bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.

Các nước tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu cần nỗ lực để giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu không vượt quá 1,5 độ C và hướng tới mức phát thải bằng “0” vào năm 2050 hoặc có thể sớm hơn.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, đến với COP27, Đoàn Việt Nam có 3 nhiệm vụ. Thứ nhất, Việt Nam cùng với các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu bàn thảo để đưa các cam kết và cơ chế đã được thỏa thuận đi vào thực hiện trên thực tế.

Đặc biệt, các nước cũng nhấn mạnh việc sử dụng nguồn lực đóng góp theo cam kết của các nước phát triển nhằm thực hiện các nhiệm vụ ưu tiên cho thích ứng và đảm bảo thực hiện cơ chế liên quan “tổn thất và thiệt hại”, vấn đề phát triển rừng, vấn đề liên quan hệ thống cảnh báo sớm.

Các quốc gia cũng tiếp tục thảo luận để đưa ra các sáng kiến, cơ chế, chính sách mới giữa khối chính phủ, khối các thể chế tài chính công và tư, khối doanh nghiệp và các nhà khoa học, nhằm thực hiện lộ trình chuyển đổi năng lượng một cách chắc chắn.

Việt Nam tái khẳng định cam kết mạnh mẽ về chống biến đổi khí hậu ảnh 2Đoàn đại biểu Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà dẫn đầu làm việc với Chủ tịch COP26 Alok Sharma về chuyển đổi năng lượng của Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Trường/TTXVN)

Trên cơ sở đó, Việt Nam có thể tiếp nhận chuyển giao công nghệ một cách công bằng, công lý nhằm đảm bảo an ninh năng lượng bền vững, giải quyết các vấn đề xã hội do tác động của quá trình chuyển đổi năng lượng gây ra.

Như vậy, theo Bộ trưởng, Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy quá trình đàm phán để đảm bảo chuyển đổi năng lượng trên cơ sở công bằng, công lý. Thỏa thuận Paris xác định trách nhiệm chung nhưng có phân biệt giữa các nước phát triển và các quốc gia đang phát triển.

Nhiệm vụ thứ hai, tiếp nối thành công của COP26, Việt Nam tiên phong đi đầu trong chuyển đổi năng lượng, cùng với chuyển đổi xanh và chuyển đổi số.

Đây là nhiệm vụ vừa mang tính xu thế của thời đại, vừa hết sức cần thiết đối với Việt Nam trong chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Việt Nam sẽ thực hiện chủ trương này, đồng thời tiếp tục thể hiện vai trò, trách nhiệm, vị thế và uy tín của đất nước chúng ta.

Nhiệm vụ thứ ba, Việt Nam sẽ huy động các nguồn lực và học hỏi kinh nghiệm của các đối tác phát triển, đồng thời tham gia vào nhiều sáng kiến, đặc biệt là các sáng kiến huy động nguồn lực tài chính, các sáng kiến liên quan quá trình chuyển đổi năng lượng.

Việt Nam sẽ triển khai nhiều hoạt động song phương với các tổ chức quốc tế đa phương, các doanh nghiệp liên quan chuyển đổi năng lượng, tiếp xúc các thể chế tài chính lớn như Ngân hàng Thế giới và các tổ chức khác.

Bộ trưởng nhấn mạnh Việt Nam đã gửi thông điệp tại COP26, đó là cam kết có trách nhiệm để thực hiện mục tiêu “Net Zero” vào năm 2050. Việt Nam coi vấn đề chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng là chủ trương nhất quán và là mô hình kinh tế mà Việt Nam lựa chọn.

Việt Nam sẵn sàng cùng với bạn bè quốc tế thực hiện quá trình chuyển đổi này dựa trên yêu cầu đảm bảo công bằng và công lý. Tại COP27, các đối tác phát triển và các tổ chức quốc tế đã chủ động đưa kế hoạch để gặp Đoàn Việt Nam.

Đây là cơ hội lớn để Đoàn Việt Nam gặp gỡ, tiếp xúc với các tổ chức quốc tế và thể chế tài chính hàng đầu để bàn về cơ chế chính sách tài chính và cách huy động cho Việt Nam.

Bộ trường Trần Hồng Hà cho biết thêm trong khuôn khổ COP27, Việt Nam tiếp tục trao đổi với các đối tác từ các nước G7 và G7 mở rộng để bàn về vấn đề chuyển đổi năng lượng công bằng, công lý cho Việt Nam, giúp Việt Nam tận dụng các cơ hội đặc biệt về tài chính ưu đãi, chuyển giao công nghệ, huy động các nhà đầu tư có năng lực trong lĩnh vực này để thực hiện cam kết “Net Zero.”

Đây cũng là nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ đã giao nhằm sớm tận dụng cơ hội tiếp nhận chuyển giao công nghệ để xây dựng các trung tâm công nghiệp, năng lượng tái tạo lớn. Việt Nam có cơ hội huy động nguồn lực cho một mô hình phát triển mới sắp tới.

Hiện Việt Nam đang đàm phán về những vấn đề Việt Nam cần sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Để đưa ra những cam kết mục tiêu cụ thể, các điều kiện hỗ trợ càng phải chi tiêu hơn nhằm đảm bảo tính hiệu quả của cơ cấu nguồn vốn, chính sách ưu đãi của mỗi nguồn vốn, cũng như hỗ trợ các vấn đề kỹ thuật như đánh giá sớm tiềm năng năng lượng tái tạo của Việt Nam, giúp Việt Nam đưa ra quy hoạch tổng thể, bao gồm nguồn điện tái tạo, các ngành công nghiệp phụ trợ, các hệ thống hạ tầng truyền tải điện thông minh, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất hydro xanh... để phát huy tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời.

Ngoài việc đáp ứng nhu cầu ở trong nước, lĩnh vực năng lượng tái tạo có thể đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu năng lượng ở Đông Nam Á, châu Á và trên thế giới trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục