Việt Nam tăng cường hợp tác trong lĩnh vực giao thông với Nhật Bản

Bộ Giao thông Vận tải mong muốn sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải với Nhật Bản nhằm tiến tới kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 2023.
Bộ Giao thông Vận tải tăng cường hợp tác trong lĩnh vực giao thông với Nhật Bản. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Bộ Giao thông Vận tải tăng cường hợp tác trong lĩnh vực giao thông với Nhật Bản. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức đoàn công tác tại Nhật Bản vào hôm nay (ngày 14/12) do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng dẫn đầu để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải trong bối cảnh hai nước đang tiến tới kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản (1973-2023).

Tại buổi làm việc song phương với ông Saito Tetsuo, Bộ trưởng Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (Bộ MLIT), hai bên đã cùng nhau điểm lại hợp tác giữa hai bộ trong thời gian vừa qua. Hai Bộ trưởng rất vui mừng khi quan hệ hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải giữa hai bên không ngừng phát triển cùng với sự phát triển quan hệ sâu rộng giữa hai nước thông qua các chuyến thăm và hội đàm cấp cao của lãnh đạo hai nước.

Trong cuộc gặp, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng đã có một số đề xuất cụ thể với Bộ trưởng Bộ MLIT một số vấn đề cụ thể nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa hai bộ trong thời gian tới.

Cụ thể, đề xuất hai bên ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác toàn diện giữa hai Bộ nhằm thay thế cho Biên bản ghi nhớ giữa hai bên ký năm 2010; xem xét, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối các phương thức vận tải; phối hợp giải quyết một vướng mắc tại các dự án cơ sở hạ tầng sử dụng vốn ODA Nhật Bản tại Việt Nam.

Đồng tình với các đề xuất của phía Việt Nam, ông Saito Tetsuo, Bộ trưởng MLIT đề nghị hai bên thúc đẩy các hợp tác chặt chẽ hơn nữa để có nhiều kết quả nhằm tiến tới kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 2023.

Trong chuyến công tác, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng còn có các cuộc họp và làm việc với Phó Chủ tịch cao cấp, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) Keiichiro Nakazawa để thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng sử dụng vốn JICA tại Việt Nam; khảo sát một số cơ sở hạ tầng chất lượng cao Nhật Bản và làm việc với một số cơ quan trong phát triển cơ sở hạ tầng tại Nhật Bản.

[Chính phủ Nhật Bản cân nhắc điều chỉnh chính sách cấp vốn ODA]

Trước đó, ngày 9/12, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã chủ trì buổi tiếp và làm việc với ông Yamada Takio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Việt Nam và ông Shimizu Akira, Trưởng Đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam.

Khẳng định trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng giao thông, Nhật Bản luôn là nhà tài trợ ODA hàng đầu cho Việt Nam, Bộ trưởng Thắng cho biết các dự án hạ tầng giao thông do Nhật Bản tài trợ thông qua JICA đều là các dự án lớn, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và có ý nghĩa quan trọng giúp thay đổi diện mạo giao thông và hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Trên cơ sở những hợp tác đã có, hai bên thống nhất cùng thúc đẩy một số dự án cơ sở hạ tầng quan trọng trong thời gian tới như dự án cao tốc Bến Lức-Long Thành; nghiên cứu dự án đường sắt kết nối Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ và một số dự án quan trọng khác… nhằm tiến tới kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản.

Đối với dự án cao tốc Bến Lức-Long Thành, hai bên thống nhất cùng giải quyết dứt điểm những vướng mắc trên cơ sở tuân thủ các quy định pháp luật Việt Nam và quy định của hợp đồng để đưa dự án trở lại thi công trong thời gian sớm nhất.

Tại buổi làm việc, Đại sứ Nhật Bản cũng cho biết phía Nhật Bản rất quan tâm đến Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, Dự án Đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng bày tỏ mong muốn Đại sứ quán Nhật Bản sẽ chia sẻ thông tin về các dự án Đường sắt của Việt Nam tới các doanh nghiệp Nhật Bản và hy vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ cũng như cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản về vấn đề này.

“Nhật Bản là một trong những nước rất phát triển về lĩnh vực Đường sắt. Vì vậy, Việt Nam mong muốn được học hỏi kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc xây dựng và khai thác hệ thống đường sắt,” Bộ trưởng nói và cho biết thêm, Việt Nam muốn đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt áp dụng công nghệ tiên tiến, dễ dàng nâng cấp khi có đủ điều kiện./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục