Ngày 16/9, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định đã tổ chức lễ míttinh hưởng ứng Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ozone và Tọa đàm loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone tại Việt Nam, với chủ đề “30 năm cùng nhau bảo vệ tầng ozone; ozone là tất cả những gì giữa bạn và tia cực tím.”
Chia sẻ tại buổi lễ, ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, biến đổi khí hậu và lỗ thủng tầng ozone hiện đang là tác nhân gây ảnh hưởng rộng rãi đến môi trường sống của con người trên toàn thế giới.
“Nếu không có Công ước Viên và Nghị định thư Montreal với mục tiêu loại trừ hoàn toàn sản xuất và sử dụng các chất làm suy giảm tầng ozone, thế giới có thể sẽ tăng thêm 20 triệu ca ung thư da và 130 triệu ca đục thuỷ tinh thể; chưa kể đến tác hại do tia cực tím gây ra cho hệ thống miễn dịch của con người, tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học và gây tổn thất nghiêm trọng cho sản xuất nông nghiệp, ngành vật liệu xây dựng,” ông Hiếu nói.
Vẫn theo ông Hiếu, việc loại trừ hoàn toàn các chất làm giảm ozone như chlofleorocarbon (CFC) và các chất hydrochlorofluorobon (HCFC), halon, các nước thành viên Nghị định thư Montreal đã góp phần giảm phát thải vào khí quyển 135 gigaton CO2, tương ứng với giảm phát thải 11 Gigaton CO2/năm, cao gấp 4-5 lần mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính mà Nghị định thư Kyoto đặt ra trong thời kỳ cam kết ban đầu giai đoạn 2008-2012.
Trong khi đó, báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc cũng cho thấy, việc các bên tuân thủ Nghị định thư ở cả cấp quốc gia và toàn cầu đã giúp cắt giảm sản xuất và tiêu dùng tới hơn 98% các hóa chất phá hoại tầng ozone.
Tại Việt Nam, sau hơn 2 thập kỷ tham gia vào Nghị định thư Montreal (1/1994), đến nay chúng ta đã đạt được những thành công đáng kể trong việc từng bước hạn chế sử dụng các chất làm suy giảm tầng ozone.
Chỉ tính riêng trong thập kỷ 90, mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 500 tấn CFC, 4 tấn holon và gần 400 tấn methyl bromide. Tuy nhiên, nhờ các chính sách cương quyết, Việt Nam đã loại trừ được trên 200 tấn chất làm lạnh CFC 12; giảm trung bình mỗi năm 3,6 tấn CFC 11 trong ngành dệt may; 5,8 tấn CFC 12 trong sử dụng điều hoà không khí ô tô và 40 tấn CFC trong các thiết bị làm lạnh thương mại và gia dụng.
Đến năm 2009, Việt Nam chỉ còn nhập khẩu 10 tấn R-12 (chất làm suy giảm tầng ozone nhóm CFC) và bắt đầu từ 1/1/2010 toàn bộ các chất nhóm CFC bị cấm nhập khẩu vào Việt Nam. Tuy nhiên, cũng giống như một số nước đang phát triển, chất HCFC-22 là môi chất lạnh được ưa dùng trong các hệ thống và cơ sở làm lạnh vẫn đang tồn tại ở Việt Nam.
Trước thực tế nêu trên, đại diện Cục Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu kiến nghị, trong các năm tiếp theo, Việt Nam cần loại trừ hoàn toàn tiêu thụ các chất HCFC, quá trình loại trừ các chất HCFC có thể kéo dài đến năm 2030, tuy nhiên nếu nhận được hỗ trợ đầy đủ về tài chính và công nghệ từ phía các tổ chức quốc tế, chúng ta có thể hoàn thành loại trừ các chẩt HCFC vào năm 2025.
Về mặt chính sách, hiện nay, Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên-Môi trường cũng đã ban hành Thông tư liên tịch số 47 ngày 30/12/2011 quy định về hạn ngạch nhập khẩu các chất HCFC phù hợp với nghĩa vụ quốc gia về loại trừ các chẩt HCFC theo như lộ trình mà Nghị Định Montreal đã đặt ra.
Ngoài ra, để nhân rộng những việc làm thiết thực bảo vệ tầng ozone, trong Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ozone (16/9) năm nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng kêu gọi tăng cường các nỗ lực ở cấp độ quốc gia và cấp độ cá nhân bảo vệ tầng ozone, vì sự phát triển bền vững của con người./.
Việt Nam tham gia Công ước Viên và Nghị định thư Montreal từ tháng 1 năm 1994. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các Bộ, ngành, các doanh nghiệp và tổ chức có liên quan sử dụng các chất suy giảm tầng ozone, chúng ta đã loại trừ hoàn toàn 500 tấn CFC, 3,8 tấn halon là lượng tiêu thụ hàng năm ở nước ta từ ngày 1/1/2010.
Với thành tích nêu trên, Việt Nam đã được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc công nhận những đóng góp tích cực của mình trong việc thục hiện Công ước và Nghị định thư Montreal của Công ước.