Việt Nam và Ấn Độ là hai điểm sáng mạnh nhất ở thị trường châu Á

Theo các chuyên gia trường kinh doanh thuộc Đại học quốc gia Singapore, những điểm sáng mạnh nhất ở các thị trường châu Á có thể là Ấn Độ và Việt Nam, những nước có tốc độ tăng trưởng nhanh.
Việt Nam và Ấn Độ là hai điểm sáng mạnh nhất ở thị trường châu Á ảnh 1May giày xuất khẩu tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn hóa dệt Hà Tây, xã Cam Thượng, Ba Vì, Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Bước sang năm 2020, các chuyên gia trường kinh doanh thuộc Đại học quốc gia Singapore đã đưa những nhận định về triển vọng kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tác động của trí tuệ nhân tạo (AI) đối với kinh doanh trong năm 2020 trong bài viết đăng trên báo The Straits Times.

Kinh tế vĩ mô: Con đường gập ghềnh phía trước

Nền kinh tế vĩ mô toàn cầu đang tăng trưởng chậm lại phần lớn là do tình trạng bất trắc mà Tổng thống Mỹ Donald Trump tạo ra.

Không ai biết được cái gì sẽ là mục tiêu tiếp theo của ông. Ôtô của Đức? Đồ chơi của Trung Quốc? Thép của Canada? Phômai của Pháp? Bởi không thể xác định được mục tiêu hay chiến lược của chính quyền Mỹ, tình trạng không chắc chắn này khó có thể thay đổi trong thời gian tới.

[Nông sản Việt Nam tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới]

Hơn nữa, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 đang đến gần, chính quyền Tổng thống Trump có thể sẽ không nhượng bộ trong cuộc đối đầu với Trung Quốc hay bất kỳ nước nào khác bởi điều đó có thể làm xấu đi hình ảnh của ứng viên đảng Cộng hòa. Tình trạng này về cơ bản sẽ kéo dài.

Kinh tế của hầu hết các quốc gia trên thế giới vẫn đang tăng trưởng mặc dù với tốc độ giảm sút. Nguy cơ thực sự nằm ở sự bất lực của các nền kinh tế tiên tiến trong việc đối phó với những cú sốc tiêu cực.

Những điều tồi tệ đôi khi vẫn xảy ra về mặt kinh tế vĩ mô và điều không may là hầu hết các nước không còn các công cụ thông thường để đối phó.

Lãi suất ở mức thấp hoặc âm ở hầu hết các nước giàu và các chính phủ đã bị kéo căng về tài chính. Các đòn bẩy chính sách thông thường không thể được sử dụng nữa. Do đó con đường phía trước còn rất nhiều chông gai.

Điểm sáng ở một số thị trường châu Á

Các thị trường tài chính ở châu Á và Mỹ, đã và đang hoạt động tương đối tốt trong năm 2019, có thể có một số điều chỉnh trong năm 2020 do sự bất trắc về kinh tế và chính trị toàn cầu, không chỉ đối với châu Á mà còn đối với cả Mỹ.

Những điểm sáng mạnh nhất ở các thị trường châu Á có thể là Ấn Độ và Việt Nam, những nước có tốc độ tăng trưởng nhanh.

Các thị trường khác như Hong Kong (Trung Quốc) vẫn còn nhiều yếu tố không chắc chắn, còn Singapore vẫn sẽ là thị trường ổn định.

Năm 2019, tỷ lệ lạm phát ở các nước châu Á như Singapore, Trung Quốc, Ấn Độ và Malaysia ở mức thấp. Các nước trên khắp thế giới không phải chịu sức ép về lạm phát, vì vậy có khả năng lãi suất sẽ không tăng trong tương lai gần.

Đây là tin vui cho tăng trưởng kinh tế, bởi các công ty có thể vay tiền với lãi suất thấp hơn và thúc đẩy tăng trưởng nhanh hơn. Tuy nhiên, vẫn có nhiều rủi ro liên quan đến vấn đề thất nghiệp.

Việt Nam và Ấn Độ là hai điểm sáng mạnh nhất ở thị trường châu Á ảnh 2Công nhân làm việc tại một nhà máy ở Ấn Độ. (Nguồn: wsj.com)

Do đó, người lao động sẽ cần tập trung nhiều hơn cho các chương trình nâng cao kỹ năng và học tập suốt đời.

Bên cạnh đó, thương mại toàn cầu yếu đi sẽ dẫn đến tăng trưởng kinh tế chậm hơn đối với một số nước. Điều này cũng sẽ tác động đến sự điều chỉnh ở những thị trường như Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam.

Thuận lợi và khó khăn đối với doanh nghiệp

Năm 2020, trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ tiếp tục tác động đến bức tranh kinh tế và đem lại cả thuận lợi và bất lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) cũng như các doanh nghiệp đa quốc gia lớn.

Đối với các SME, công nghệ sẽ tiếp tục đem lại khả năng tiếp cận một số lượng ngày càng tăng các ý tưởng, mạng lưới cộng tác và đương nhiên cả các nhà cung cấp và khách hàng.

Các rào cản sẽ tiếp tục được dỡ bỏ khi các doanh nghiệp tiếp cận nền kinh tế chia sẻ, thương mại xã hội, thương mại điện tử và các nguồn lực dựa vào điện toán đám mây.

Tuy vậy, tác động ngược của công nghệ dưới hình thức các quy định mới về tính riêng tư và an ninh dữ liệu, tin giả và thuế gián tiếp (đối với thương mại điện tử xuyên biên giới) sẽ đặt ra những khó khăn. Kinh doanh xuyên biên giới trong bối cảnh một loạt quy định ngày càng tăng này sẽ là thách thức đối với nhiều SME.

Một trong những thách thức lớn nhất đối với các lãnh đạo là đưa ra quyết định về con đường đi phía trước của doanh nghiệp. Báo cáo của công ty tư vấn McKinsey nhận thấy rằng trong kỷ nguyên đào tạo lại lực lượng lao động và những mô hình kinh doanh đột phá, thách thức này không dễ giải quyết.

Lấy ví dụ về sự kết nối. Cuộc cách mạng công nghệ đã tạo điều kiện cho con người kết nối và cộng tác trên rất nhiều nền tảng như email, điện thoại, mạng xã hội Facebook và LinkedIn... Điều này tạo ra mức độ kết nối vô cùng dày đặc giữa con người với con người.

Tuy nhiên, theo quan điểm của McKinsey, việc người lao động quá gắn kết với nhau có thể không tạo ra năng suất cao nhất bởi họ sẽ khó có thể sáng tạo những cách thức làm việc mới.

Các công ty và tổ chức hàng đầu như “người khổng lồ” thương mại điện tử Amazon, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và cái tên đình đám trong ngành công nghệ điện tử Schneider Electric (Pháp) đang nghiên cứu mức độ liên kết nhằm đạt được kết quả tối ưu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục