Sáng 22/12, tại Hà Nội, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam đã tổ chức Lễ phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian năm 2018 cho 21 nghệ nhân thuộc nhiều địa phương trên cả nước.
“Đó là sự tôn vinh và ghi nhận những đóng góp của các nghệ nhân trong việc gìn giữ, phát huy giá trị và thực hành, truyền dạy các di sản văn hóa của dân tộc,” giáo sư-tiến sỹ khoa học Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam nhấn mạnh.
[Về thăm làng gốm Bồ Bát xưa - ‘tổ nghề’ của gốm Bát Tràng]
Cũng trong dịp này, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam đã trao Giải thưởng văn nghệ dân gian (năm 2018) cho 42 công trình; trong đó có một giải nhất, 11 giải nhì, 25 giải ba và năm giải Khuyến khích. Giải nhất được trao cho công trình “Tượng Hindu giáo từ đến tháp Chăm đến chùa miếu Việt” của Chi hội Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, thuộc Hội Văn nghệ dân gian thành phố Huế.
Giáo sư-tiến sỹ khoa học Tô Ngọc Thanh cho biết, một trong những điểm mới của Giải thưởng văn nghệ dân gian năm nay là, bên cạnh những công trình mang tính chất sưu tầm, hội đồng giải thưởng đã nhận được những công trình nghiên cứu trường hợp trên cơ sở những lý thuyết về đặc trưng và quá trình vận hành lịch sử của khoa văn hóa dân gian học.
Những công trình theo hướng này chiếm khoảng 10% trong tổng số công trình dự thi; trong đó, có thể kể đến một số công trình tiêu biểu như “Tuyển tập nghiên cứu, phê bình âm nhạc truyền thống Việt Nam,” “Thần thoại về Mặt Trời ở Việt Nam,” “Tạo hình và trang trí trên bàn thờ Phật bằng đá”…
Năm 2018, ban tổ chức nhận được 67 công trình tham dự Giải thưởng văn nghệ dân gian.
“Tuy số lượng có giảm nhẹ so với năm trước nhưng chất lượng được nâng cao rõ rệt. Ngoài ra, các công trình được phân bố tương đối đồng đều trên năm lĩnh vực chuyên ngành: Ngữ văn và lý luận văn hóa dân gian; Phong tục tập quán, lễ hội, địa chí văn hóa dân gian; Văn hóa ẩm thực, nghề cổ truyền và tri thức dân gian; Nghệ thuật tạo hình dân gian; Nghệ thuật biểu diễn dân gian,” giáo sư-tiến sỹ khoa học Tô Ngọc Thanh cho hay./.