Vĩnh Long: Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long nêu rõ với 84 tuổi đời, 48 tuổi Đảng, Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa đã nỗ lực phấn đấu, cống hiến trọn đời cho ngành Khoa học quân sự và sự nghiệp cách mạng của đất nước.
Vĩnh Long: Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa ảnh 1Quang cảnh lễ kỷ niệm. (Ảnh: Phạm Minh Tuấn/TTXVN)

Ngày 13/9, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Long long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Giáo sư, Viện sỹ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa (13/9/1913-13/9/2023).

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gửi lẵng hoa chúc mừng kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Giáo sư, Viện sỹ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa.

Tham dự Lễ kỷ niệm có nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương, tỉnh Vĩnh Long, các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh; đại diện Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động và thân nhân gia đình Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa.

Diễn văn kỷ niệm do Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm trình bày nêu rõ vùng đất Vĩnh Long với lịch sử gần 300 năm hình thành và phát triển - vùng đất địa linh nhân kiệt, quê hương anh hùng, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, nơi sinh ra nhiều nhân tài cho quê hương, đất nước, những người đã để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử dân tộc; trong đó, có Giáo sư, Viện sỹ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa, người cộng sản kiên trung, nhà khoa học lớn của cách mạng Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long.

[Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 110 năm Ngày sinh GS Trần Đại Nghĩa]

Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa tên khai sinh là Phạm Quang Lễ, sinh ngày 13 tháng 9 năm 1913, tại làng Chánh Hiệp, quận Tam Bình (nay là xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) trong một gia đình nhà giáo giàu tinh thần yêu nước, lòng nhân ái.

Năm 1946, Phạm Quang Lễ từ bỏ con đường công danh, phú quý đang rộng mở ở trời Tây để trở về gắn bó với cuộc kháng chiến gian khổ của dân tộc.

Vĩnh Long: Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa ảnh 2Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm phát biểu tại lễ kỷ niệm. (Ảnh: Phạm Minh Tuấn/TTXVN)

Trân trọng tấm lòng vì nước, vì dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn và đặt tên mới cho Phạm Quang Lễ là Trần Đại Nghĩa; giao nhiệm vụ làm Cục trưởng đầu tiên của Cục Quân giới.

Năm 1948, Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa đã trở thành một trong 11 vị tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam và cũng là Thiếu tướng đầu tiên của ngành Quân giới ở tuổi 35.

Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, đồng chí Trần Đại Nghĩa được phân công làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam.

Ông được phân công đảm nhiệm các chức vụ: Thứ trưởng Bộ Công thương, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Chuyên nghiệp Bách Khoa, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nặng...; đồng thời, được bầu làm Viện sỹ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô.

Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa được phân công làm Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Đến năm 1983, đồng chí được bầu làm Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Vĩnh Long: Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa ảnh 3Đoàn đại biểu tham quan khu vực trưng bày tại Khu lưu niệm Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa (xã Tường Lộc, huyện Tam Bình). (Ảnh: Phạm Minh Tuấn/TTXVN)

Những cống hiến của Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa đã để lại dấu ấn trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Trên cương vị người đứng đầu ngành Quân giới, với tinh thần nhiệt huyết, tận tụy phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí đã tổ chức nhiều lớp huấn luyện cán bộ, chiến sỹ chế tạo vũ khí; trong những năm đầu kháng chiến, đã có nhiều sáng kiến chế tạo, cải tạo vũ khí chống địch được áp dụng.

Dưới sự chỉ đạo của đồng chí, những sản phẩm của ngành Quân giới Việt Nam, đặc biệt là súng Bazôka, đạn hỏa tiễn OF, đạn chống tăng AT, súng không giật SKZ, nghiên cứu tìm ra các giải pháp kỹ thuật khắc phục thủ đoạn gây nhiễu của địch trên rađa, giúp phát hiện rõ máy bay B-52 để điều khiển tên lửa SAM-2 bắn trúng mục tiêu... đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng B-52 của Đế quốc Mỹ, góp phần quan trọng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Cùng với việc tổ chức và trực tiếp tham gia sáng chế, cải tạo nhiều vũ khí tiên tiến, đồng chí Trần Đại Nghĩa còn dành thời gian nghiên cứu, biên soạn nhiều tác phẩm, tài liệu về vũ khí quốc phòng và các công trình có giá trị khoa học khác.

Với những đóng góp to lớn cho ngành Quân giới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tặng cho Giáo sư, Viện sỹ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa danh hiệu “Ông Phật làm súng.”

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm nhấn mạnh với 84 tuổi đời, 48 tuổi Đảng, hơn 50 năm tận tụy gắn bó với sự nghiệp cách mạng đầy gian khổ, nhưng cũng rất vẻ vang của Đảng và dân tộc, đồng chí Trần Đại Nghĩa đã nỗ lực phấn đấu, cống hiến trọn đời cho ngành Khoa học quân sự và có những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.

Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương, giải thưởng cao quý, đặc biệt là Huân chương Hồ Chí Minh và Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Đạo đức cách mạng trong sáng, lòng yêu nước nồng nàn, niềm say mê nghiên cứu khoa học, sẵn sàng từ bỏ lợi ích vật chất cá nhân, một lòng theo Đảng, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân của Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị.

Đó là tấm gương cao đẹp, mẫu mực của người trí thức cách mạng, người chiến sỹ cộng sản kiên trung, sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn để các thế hệ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ học tập, noi theo.

Thực hiện những lời dặn dò chân tình, quý báu của Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa lúc sinh thời, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã phát huy truyền thống yêu nước đoàn kết, quyết tâm, nỗ lực sáng tạo, phấn đấu thực hiện đạt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Từ một tỉnh thuần nông, xuất phát của nền kinh tế thấp, cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội yếu kém, đời sống người dân rất khó khăn; đến nay Vĩnh Long đạt tỉnh khá trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Bí thư Chi đoàn Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tam Bình Nguyễn Nhân Phúc, đại diện thế hệ trẻ phát biểu tri ân công lao to lớn của Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa; bày tỏ quyết tâm noi theo tinh thần hiếu học, vượt khó, sống có ước mơ, hoài bão; tận tụy, hăng say trong lao động, sáng tạo để làm chủ khoa học công nghệ, chuyển đổi số với khát vọng cháy bỏng là góp phần đưa đất nước ta tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc, hòa nhịp cùng dòng chảy thời đại của bạn bè quốc tế; góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Sáng cùng ngày, các đại biểu đã đến dâng hoa, dâng hương tại Khu Lưu niệm Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa ở xã Tường Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục