Vĩnh Long: Mưa lớn gây nhiều thiệt hại tài sản của người dân

Mưa lớn, gió mạnh đã làm tốc mái 25 căn nhà; sạt lở một đoạn đê bao sông Măng ở ấp Tân An, xã Chánh An, huyện Mang Thít, đoạn sạt lở dài 40m, rộng 10m và sâu 7m.
Vĩnh Long: Mưa lớn gây nhiều thiệt hại tài sản của người dân ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN phát)

Ngày 12/7, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long Lưu Nhuận cho biết, trong hai ngày 10-11/7, một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa lớn, dông lốc, gây nhiều thiệt hại về tài sản của người dân, ước tính tổng thiệt hại ban đầu trên 620 triệu đồng.

Theo đó, mưa lớn, gió mạnh đã làm tốc mái 25 căn nhà; sạt lở một đoạn đê bao sông Măng ở ấp Tân An, xã Chánh An, huyện Mang Thít chiều dài 40m, rộng 10m và sâu 7m.

Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương đã khẩn trương huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ thu dọn, khắc phục, sửa chữa căn nhà bị thiệt hại nhẹ, giúp người dân ổn định cuộc sống; đồng thời khảo sát, đánh giá để có biện pháp hỗ trợ.

Đối với đoạn đê bao bị sạt lở, chính quyền địa phương di dời người dân, tài sản đến nơi an toàn, đặt biển cảnh báo sạt lở nguy hiểm và khảo sát, đề xuất giải pháp khắc phục.

Để chủ động phòng, chống thiên tai trong các tháng cuối năm, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã có chỉ thị về tăng cường phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các sở, ngành, Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt kế hoạch, phương án chủ động phòng, chống, ứng phó và khắc phục thiên tai.

[Cà Mau: Xuất hiện thêm 3 vị trí sạt lở rất nguy hiểm tại đê biển Tây]

Ban Chỉ huy phối hợp với Đài Khí tượng thủy văn Vĩnh Long, khu vực, Trung ương thu thập thông tin về diễn biến thời tiết, đưa ra dự báo, cảnh báo kịp thời nhằm phục vụ tốt công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn; vận hành tốt hệ thống tin nhắn SMS phòng, chống thiên tai cho các cấp chính quyền và nhân dân trên địa bàn tỉnh biết để chủ động phòng tránh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy nhanh tiến độ đầu tư, nâng cấp, khắc phục sự cố đê điều, công trình phòng, chống thiên tai đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ; xây dựng, triển khai phương án bảo vệ trọng điểm đê điều, công trình thủy lợi; rà soát phương án phòng, chống lũ, giảm ngập lụt một số khu vực đô thị.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, rà soát phương án ứng phó thiên tai trên địa bàn theo phương châm “bốn tại chỗ”, nhất là phương án bảo đảm an toàn đê điều, công trình thủy lợi.

Các địa phương chủ động bố trí ngân sách, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực hợp pháp khác cho công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; thực hiện Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; củng cố, nâng cấp đê điều, công trình thủy lợi trên địa bàn…

Trong 6 tháng đầu năm 2022, dông lốc đã làm sập, tốc mái 36 căn nhà; xảy ra 29 điểm sạt lở trong nội đồng và sông chính, làm mất 1.025m bờ sông, kênh, rạch, các công trình đê bao, đường giao thông nông thôn, ảnh hưởng đến 31 hộ dân; gây đổ, ngã, ngập úng hơn 90ha cây ăn quả tập trung, 11,6ha rau màu… Ước tính tổng thiệt hại do thiên tai gây ra là trên 30,1 tỷ đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục