Vĩnh Phúc: Những cây cầu thúc đẩy giao thương, kết nối khát vọng phát triển

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Vĩnh Phúc dự kiến bố trí gần 12.000 tỷ đồng từ ngân sách cấp tỉnh cho đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ, trong đó có đầu tư xây dựng hệ thống cầu.

Cầu Vĩnh Phú là công trình trọng điểm có ý nghĩa với nhân dân hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)
Cầu Vĩnh Phú là công trình trọng điểm có ý nghĩa với nhân dân hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã tập trung nguồn lực để đầu tư hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; trong đó, hàng loạt công trình cầu bắc qua các con sông trên địa bàn tỉnh đã và đang được xây dựng, góp phần tăng cường kết nối hệ thống giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại an toàn, phục vụ sản xuất, giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế liên vùng.

Nối những niềm vui

Cầu Vĩnh Phú được khởi công từ tháng 1/2022 và đã đưa vào sử dụng tháng 9/2023. Cây cầu nối liền xã Đức Bác, huyện Sông Lô (tỉnh Vĩnh Phúc) và thành phố Việt Trì (tỉnh Phú Thọ), có tổng chiều dài hơn 509m, tổng mức đầu tư hơn 540 tỷ đồng.

Cầu Vĩnh Phú được thông tuyến đã đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, rút ngắn thời gian lưu thông, đảm bảo an toàn giao thông, kết nối giao thương, phát triển kinh tế-xã hội của vùng.

Chị Vũ Thị Thanh Vân, Giáo viên Trường Tiểu học Đức Bác, huyện Sông Lô, cho biết hơn 20 năm qua, chị vẫn đi phà Đức Bác từ Việt Trì qua xã Đức Bác dạy học. Có cây cầu này đã rút ngắn quãng đường và thời gian đi lại.

Người dân hai bờ sông nơi thành phố Việt Trì và huyện Sông Lô sẽ dễ dàng qua lại mua bán, thăm thân… mà không phải lo mất thời gian, tiền bạc cùng bao nỗi sợ hãi trên những chuyến phà chen chúc như trước đây.

Ông Hạ Hồng Phương đã có hơn 30 năm sống gần bến phà Đức Bác, xã Đức Bác, huyện Sông Lô phấn khởi chia sẻ từ ngày Cầu Vĩnh Phú hoàn thành, người dân ai nấy đều hân hoan, phấn khởi bởi cây cầu là mơ ước của người dân bấy lâu nay.

Để cùng địa phương đẩy nhanh tiến độ dự án, gia đình ông Phương đã chủ động giao mặt bằng sạch 2.500m2 đất để xây dựng cầu.

Không chỉ đầu tư xây dựng hệ thống cầu đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, tỉnh Vĩnh Phúc cũng chú trọng xây dựng hệ thông cầu để tạo điểm nhấn đô thị, thu hút đầu tư.

Từ nguồn vốn vay nước ngoài, dự án Cầu Đầm Vạc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng mức đầu tư 612,5 tỷ đồng đã được hoàn thành năm 2022.

Cầu Đầm Vạc kết nối hai bờ Bắc-Nam của Đầm Vạc, nối thành phố Vĩnh Yên với các các vùng lân cận.

Việc đầu tư xây dựng Cầu Đầm Vạc sẽ từng bước hoàn chỉnh khung hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, kết nối hành lang vành đai phía Bắc và phía Nam, giảm tải và hạn chế ùn tắc giao thông khu vực trung thâm thành phố Vĩnh Yên. Đồng thời, tạo điểm nhấn quan trọng, phục vụ du lịch của thành phố Vĩnh Yên.

Mở rộng kết nối, liên kết phát triển

Khẳng định vai trò huyết mạch của giao thông, tỉnh Vĩnh Phúc đã tập trung phát triển các tuyến giao thông kết nối với vùng Thủ đô và các tỉnh lân cận, tạo tiền đề để phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ, công nghiệp, khai thác tối đa lợi thế vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của tỉnh.

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Vĩnh Phúc dự kiến bố trí gần 12.000 tỷ đồng từ ngân sách cấp tỉnh cho đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ; trong đó, có đầu tư xây dựng hệ thống cầu.

thanh-pho-vinh-yen-6502.jpg
Tỉnh Vĩnh Phúc dự kiến bố trí gần 12.000 tỷ đồng từ ngân sách cấp tỉnh cho đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ trong giai đoạn 2021-2025. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã phân bổ gần 4.200 tỷ đồng cho các công trình, dự án hạ tầng giao thông từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn.

Nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn, trọng điểm đã và đang được triển khai, đầu tư với quy mô tương đối hiện đại, đồng bộ và có tính liên thông, liên kết cao giữa các địa phương trong tỉnh với các tỉnh, thành phố lân cận.

Ông Lê Ngọc Minh, Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng Các Công trình Giao thông tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết thực hiện Nghị quyết Số 04-NQ/TU ngày 20/10/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2025, ngành giao thông vận tải tỉnh Vĩnh Phúc đang triển khai đầu tư, thực hiện một số công trình cầu quan trọng trên địa bàn như cầu Kim Ngọc, cầu vượt đường sắt Nguyễn Tất Thành, đồng thời đang nghiên cứu đề xuất chuẩn bị đầu tư một số công trình cầu vượt liên thông tại các vị trí nút giao thông quan trọng như nút giao IC.2 trên đường Nguyễn Tất Thành (thành phố Phúc Yên), nút giao IC.5 trên Quốc lộ 2C giao với Cao tốc Nội bài-Lào Cai; cầu vượt nút giao khác mức giao giữa đường trục trung tâm Khu Đô thị Mới Mê Linh với Quốc lộ 2…

Theo ông Ngọc, việc đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp các công trình cầu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đều đảm bảo đủ bề rộng, đáp ứng yêu cầu khai thác đồng bộ với quy mô các công trình đường bộ tạo điều kiện tăng khả năng lưu thông, giảm ùn tắc giao thông cục bộ. Từ đó, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, phát huy cao hiệu quả đầu tư đối với kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục