VN nỗ lực giảm tác động của biến đổi khí hậu

Việt Nam đã nỗ lực trong việc chủ động triển khai các chương trình cấp quốc gia nhằm giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu.
Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát khẳng định Việt Nam tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto, được các bên tham gia ký năm 1997.

Phát biểu trên được ông Phát đưa ra tại phiên toàn thể Hội nghị cấp cao lần thứ 16 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 16) và Hội nghị lần thứ 6 các bên ký Nghị định thư Kyoto (CMP 6), đang diễn ra tại thành phố biển Cancun, Đông Nam Mexico.

Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh những nỗ lực của Việt Nam trong việc chủ động triển khai các chương trình cấp quốc gia nhằm tăng khả năng thích ứng và giảm thiểu tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu cũng như tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng thay thế, trồng rừng và hướng tới một nền kinh tế ít cácbon.

Ông đưa ra một số kiến nghị, kêu gọi các bên tham gia công ước và Nghị định thư Kyoto thúc đẩy các nước và tổ chức phát triển tiếp tục tăng cường các biện pháp hữu hiệu và sát vai cùng cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến toàn cầu ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bộ trưởng đồng thời đề nghị các nước phát triển tham gia công ước cần có cam kết lớn hơn để thực sự giảm thiểu lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính.

Ông nhấn mạnh Việt Nam kêu gọi các nước đang phát triển cần tiếp tục nỗ lực triển khai các chương trình giảm thiểu hiện tượng biến đổi khí hậu phù hợp trên cơ sở tự nguyện và khả năng thực tế của từng quốc gia, thúc đẩy một thỏa thuận về cơ chế chống phá rừng và suy thoái rừng mở rộng (REED +), áp dụng các biện pháp có hiệu quả nhằm giảm thiểu phát thải và tạo thuận lợi cho việc tăng cường và duy trì đa dạng sinh học, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, cũng như hỗ trợ cộng đồng địa phương có thể phát triển bền vững.

Trong thời gian tham dự Hội nghị biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc, khai mạc từ ngày 29/11, đoàn Việt Nam còn tiến hành nhiều cuộc gặp gỡ và tiếp xúc song phương với nhiều đoàn thuộc các nước trong khối ASEAN, Mexico, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Ba Lan, Na Uy… và các tổ chức quốc tế, trong đó có Ngân hàng Thế giới (WB).

Các cuộc tiếp xúc nhằm trao đổi ý kiến về khí tượng, thủy văn, dự báo bão, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, các hình thức gây quỹ thích ứng với biến đổi khí hậu và chiến lược phát thải ít cácbon.

Tại các cuộc tiếp xúc, Việt Nam và các đối tác đều nhất trí đẩy mạnh hợp tác và trao đổi kinh nghiệm, tăng cường năng lực hoạch định chính sách, đầu tư vào công nghệ xanh, sạch, quản lý và sử dụng hiệu quả đất đai, trồng rừng, cũng như sự kết hợp hài hòa giữa xây dựng các công trình hạ tầng và bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên vì sự phát triển bền vững.

Qua tiếp xúc, các đối tác đánh giá cao các nỗ lực của Việt Nam trong thời gian qua nhằm ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu và các tác động tiêu cực đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, nhất trí cần duy trì các nỗ lực lớn hơn, với chương trình hành động cụ thể hơn, đóng góp tài chính thích đáng hơn của các nước phát triển, các nền kinh tế lớn đối với quá trình này.

Trước đó, tối 8/12, Phó Trưởng đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã có cuộc tiếp xúc ngắn với Tổng thống nước chủ nhà Mexico Felipe Calderon.

Thứ trưởng Trần Hồng Hà chúc mừng Mexico tổ chức thành công COP 16 và trên cương vị là Chủ tịch COP 16, Mexico đã thể hiện vai trò kết nối các khối nước để cùng bàn thảo và đưa ra kết quả thỏa đáng tại hội nghị.

Về phần mình, Tổng thống Calderon đã cám ơn những đóng góp của Việt Nam và nêu rõ quan hệ song phương hiện có nhiều điểm tương đồng là cơ sở vững chắc để hai bên thúc đẩy quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực trong thời gian tới vì lợi ích của nhân dân hai nước.

Theo kế hoạch, ngày 10/12, đoàn Việt Nam tiếp tục tham dự phiên họp cấp cao toàn thể tại hội trường chính và mở rộng tiếp xúc với một số đối tác của nước chủ nhà Mexico trước khi hội nghị bế mạc, dự kiến vào 18 giờ (giờ địa phương- sáng 11/12 giờ Việt Nam)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục