Các vết nứt hầm Hải Vân 1 ổn định không phát triển, tình trạng vỏ hầm Hải Vân 1 chưa nhận thấy xuất hiện thêm vết nứt mới bên thành hầm. Hầm đường bộ này đang trong tình trạng tốt, hoàn toàn thỏa mãn các điều kiện vận hành.
Theo ông Phạm Minh Đức, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Đèo Cả (nhà đầu tư dự án), sau hơn 2,5 năm tiếp nhận, nhà đầu tư đã đảm bảo kinh phí và tổ chức tốt việc quản lý, vận hành hầm Hải Vân 1 phục vụ an toàn, liên tục cho hơn 8,4 triệu lượt xe qua hầm, xử lý cứu hộ 2.325 xe các loại trong hầm, giải quyết hiệu quả 6 vụ cháy xe, 41 vụ tai nạn giao thông trong hầm và bàn giao cho cảnh sát giao thông hai địa phương xử lý gần 61.740 phương tiện vi phạm về an toàn giao thông.
[Chủ đầu tư hầm Hải Vân: Nguy cơ ‘vỡ trận’ do dự án bị ‘chôn chân’]
Hầm Hải Vân 1 được xây dựng theo công nghệ NATM, lớp bê tông vỏ hầm được coi là không chịu lực mà chỉ chịu tải trọng bản thân. Sau hơn 13 năm vận hành khai thác, vỏ hầm xuất hiện các vết nứt, lớp sơn tường hầm bị lão hóa, bong tróc.
Ngay sau khi tiếp nhận hầm Hải Vân 1, nhà đầu tư đã khảo sát hiện trạng, đánh giá toàn bộ vỏ hầm Hải Vân, thực hiện sửa chữa một số vết nứt vỏ hầm Hải Vân 1 và được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước nghiệm thu hoàn thành trong giai đoạn 1 của hạng mục dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân.
“Như vậy, các vết nứt vỏ hầm Hải Vân 1 đã được phát hiện, theo dõi và có phương án xử lý kịp thời nhằm đảm bảo an toàn trong vận hành, khai thác hầm đường bộ Hải Vân,” ông Đức khẳng định.
Thừa nhận khi bắt đầu thi công nổ mìn mở rộng hầm Hải Vân 2 (tháng 3/2017), ông Đức cho biết, nhà đầu tư đã chỉ đạo các bên thực hiện đầy đủ các công tác kiểm tra, quan trắc hầm Hải Vân l bằng các phương pháp đo rung chấn khi nổ mìn; quan trắc hội tụ, chuyển vị vỏ hầm; quan trắc vết nứt hàng ngày trước và sau khi nổ mìn thi công đào hầm Hải Vân 2.
“Các kết quả đo vận tốc rung chấn, đo hội tụ, chuyển vị vỏ hầm ổn định nằm trong giới hạn cho phép; kết quả quan trắc vết nứt hàng ngày trước và sau nổ mìn cho thấy các vết nứt ổn định không phát triển (bề mặt các tem thạch cao không xuất hiện các vết nứt), không thấy xuất hiện vết nứt mới,” vị Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Đèo Cả khẳng định.
Đặc biệt, cuối tháng Bảy vừa qua, nhà đầu tư và các đơn vị cơ quan Nhà nước đã kiểm tra hiện trường, đánh giá tình trạng vỏ hầm Hải Vân 1 chưa nhận thấy xuất hiện thêm vết nứt mới bên thành hầm.
[Bộ Giao thông kiến nghị dùng chung trạm BOT Bắc Hải Vân cho 2 dự án]
Đối với các vết nứt đang được theo dõi, quan trắc, phía nhà đầu tư chưa nhận thấy sự phát triển vết nứt qua các vạch sơn đánh dấu hai đầu; bề mặt các miếng dán thạch cao không xuất hiện vết nứt.
“Qua các kết quả kiểm tra, kiểm định, khảo sát đánh giá sửa chữa từ trước đây cho thấy vỏ hầm Hải Vân 1 đảm bảo an toàn chịu lực công trình và vận hành khai thác,” ông Đức quả quyết.
Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, trong bước khảo sát thiết kế hạng mục mở rộng hầm đường bộ Hải Vân, nhà đầu tư đã thuê Công ty tư vấn Alpin Technick của Cộng hòa Liên bang Đức (Công ty chuyên khảo sát, đánh giá chất lượng hầm giao thông đường bộ thực hiện khảo sát toàn diện hiện trạng nứt vỏ hầm bằng công nghệ quét hình ảnh ATIS Viewer) để đánh giá chi tiết các vết nứt có nguy cơ ảnh hưởng tới an toàn của công trình cần khắc phục.
Kết quả khảo sát và đánh giá đã phát hiện 326 vết nứt. Tuy nhiên, tư vấn nhận xét, hầu hết các vết nứt đều nằm trong giới hạn an toàn, một số vết nứt có chiều rộng vết nứt lớn hơn 2mm (8/326 vết nứt ~ 2,5%). Tư vấn khuyến cáo sửa chữa theo hồ sơ thiêt kế được duyệt đồng thời cũng nhận định, tình trạng vỏ hầm đường bộ Hải Vân 1 đang trong tình trạng tốt, hoàn toàn thỏa mãn các điều kiện vận hành hầm./.
Hạng mục mở rộng hầm Hải Vân (thuộc dự án hầm Đèo Cả) bao gồm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 thực hiện sửa chữa, nâng cấp hầm Hải Vân số 1, tuyến đường dẫn và đường qua đèo Hải Vân. Giai đoạn 2 thực hiện mở rộng hầm Hải Vân số 2 và xây dựng tuyến đường dẫn mới.
Hầm đèo Hải Vân được xây dựng từ năm 1999 đến 2005 bằng vốn vay ODA Nhật Bản với 1 đường hầm. Từ tháng 1/2016, việc quản lý hầm Hải Vân được giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả nhận bàn giao vận hành, khai thác hầm Hải Vân 1. Đơn vị này cũng là chủ đầu tư BOT dự án mở rộng hầm Hải Vân giai đoạn 2 vốn là hầm thoát hiểm với quy mô 4 làn xe theo hình thức BOT cùng tổng mức đầu tư khoảng 7.293 tỷ đồng.