Vụ án Việt Á: Một chuỗi hành vi sai phạm, gây thiệt hại hơn 400 tỷ đồng

Theo Hội đồng Xét xử, hành vi của các bị cáo trong vụ án Việt Á tuy không có sự bàn bạc từ trước nhưng đã liên đới gây thiệt hại cho Nhà nước với số tiền đặc biệt lớn là hơn 400 tỷ đồng.

Quang cảnh phiên tuyên án. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Quang cảnh phiên tuyên án. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Chiều 12/1, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án phạt 38 bị cáo trong vụ án Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á).

Theo nhận định của Hội đồng Xét xử, hành vi của các bị cáo trong vụ án này là những mắt xích, phụ trách từng công việc, phần việc khác nhau, không có sự bàn bạc từ trước, nhưng đã liên đới gây thiệt hại cho Nhà nước với số tiền đặc biệt lớn là hơn 400 tỷ đồng.

Theo bản án sơ thẩm, lợi dụng chủ trương của Nhà nước về việc giao các đơn vị chủ động nghiên cứu chế tạo sinh phẩm phục vụ công tác phòng chống dịch, bị cáo Phan Quốc Việt (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Việt Á) đã cấu kết, thông đồng với với các bị cáo là những người có chức vụ, quyền hạn tại Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ để Công ty Việt Á được tham gia, phối hợp thực hiện Đề tài nghiên cứu chế tạo test xét nghiệm.

Sau đó, bằng nhiều cách thức, thủ đoạn, các bị cáo thực hiện một chuỗi các hành vi sai phạm, đã đưa kết quả nghiên cứu bộ test của Công ty Việt Á vào thành sản phẩm nghiên cứu của Đề tài khoa học công nghệ do Học viện Quân y tổ chức chủ trì (thuộc sở hữu Nhà nước); bàn giao cho Công ty Việt Á để tiến hành thử nghiệm tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (NIHE); tiến hành nghiệm thu giai đoạn 1, xin cấp phép lưu hành tạm thời, xin cấp phép lưu hành chính thức trái quy định pháp luật; buông lỏng quản lý, không giám sát, kiểm tra; tạo các điều kiện về truyền thông, quảng bá, giới thiệu, giúp đỡ để Công ty Việt Á tiến hành sản xuất, bán thương mại rộng rãi với giá đã được nâng khống (thông qua Giá hiệp thương là 470.000 đồng/test), thu lời bất chính đặc biệt lớn.

ttxvn-phan-quoc-viet-1-3984.jpg
Bị cáo Phan Quốc Việt, cựu Tổng Giám đốc Công ty Việt Á lĩnh án 29 năm tù. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Hội đồng Xét xử nhấn mạnh trong vụ án này, đa số các cơ sở y tế công lập tại các tỉnh đều đề nghị hoặc được gợi ý ứng hàng sử dụng trước (do tính cấp bách của dịch bệnh) sau đó mới tiến hành các thủ tục đấu thầu, hợp thức cho việc đã ứng hàng. Công ty Việt Á và các đơn vị y tế công lập đã được xác định tại 19 địa phương có hành vi ứng hàng sử dụng trước, sau đó hợp thức thủ tục đấu thầu để thanh toán cho Việt Á hoặc các đơn vị trung gian, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước tổng cộng hơn 430 tỷ đồng.

Trong vụ án này, Phan Quốc Việt đã cấu kết với Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ các ngành Kinh tế Kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ) để Hùng tác động Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng), Phạm Công Tạc (cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ) và các cá nhân, đơn vị liên quan quyết định cho Công ty Việt Á được phối hợp thực hiện Đề tài trái pháp luật.

Với mục đích được sản xuất, bán bộ test xét nghiệm thu lời bất chính, Việt đã tiếp tục cấu kết với các bị cáo khác thực hiện nhiều hành vi sai phạm giúp Công ty Việt Á được kiểm định, được nghiệm thu giai đoạn 1 của Đề tài, lập hồ sơ gửi Bộ Y tế xin cấp số đăng ký lưu hành tạm thời, lưu hành chính thức.

Để thuận lợi cho việc bán sản phẩm bộ test xét nghiệm trên cả nước, Việt cấu kết với các bị cáo thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ để được đề nghị tặng Bằng khen, đánh bóng hình ảnh, thương hiệu cho bộ test xét nghiệm; cấu kết với các bị cáo thuộc Bộ Y tế để được hiệp thương theo giá đã được nâng khống, chậm kiểm tra giá hiệp thương để tạo mặt bằng giá bộ test xét nghiệm; giới thiệu với lãnh đạo các tỉnh, thành phố đưa máy móc, thiết bị về hỗ trợ phòng chống dịch và bán thương mại bộ test xét nghiệm thu lời bất chính.

Để được các bị cáo khác can thiệp, giúp đỡ như nêu trên, Phan Quốc Việt đã thỏa thuận ăn chia, đưa tiền hối lộ, cảm ơn nhiều lần, với tổng số tiền 3,45 triệu USD và 4 tỷ đồng (tổng cộng là hơn 72 tỷ đồng). Trong đó, Việt đã 2 lần đưa hối lộ cho Trịnh Thanh Hùng 350.000 USD, Việt đã trực tiếp và chỉ đạo Vũ Đình Hiệp (cấp phó của Việt) đưa hối lộ cho các bị cáo tại Bộ Y tế, trong đó cựu Bộ trưởng Bộ Y tế là Nguyễn Thanh Long nhận 3 lần với tổng số 2,25 triệu USD.

Hội đồng Xét xử đánh giá bị cáo Nguyễn Thanh Long và thư ký là Nguyễn Huỳnh biết rõ bộ test COVID-19 là kết quả của đề tài nghiên cứu thuộc sở hữu Nhà nước, Công ty Việt Á không phải là đối tượng được cấp số đăng ký nhưng đã đồng ý cấp số đăng ký theo đề nghị của Phan Quốc Việt.

Đồng thời, hai bị cáo đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để can thiệp, chỉ đạo tới các cá nhân, cơ quan có thẩm quyền giúp Công ty Việt Á xuyên suốt trong quá trình cấp số đăng ký lưu hành tạm thời, lưu hành chính thức cho bộ test trái quy định của pháp luật, biến bộ test từ sản phẩm thuộc sở hữu Nhà nước thành sở hữu của Công ty Việt Á; hiệp thương giá, thanh toán 200.000 bộ test theo giá đã được Công ty Việt Á nâng khống, công khai giá để tạo mặt bằng giá bộ test và can thiệp, giới thiệu với lãnh đạo các tỉnh, thành phố để bán thương mại bộ test COVID-19, gây thiệt hại số tiền hơn 1.235 tỷ đồng, trong đó thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 430 tỷ đồng.

ttxvn-nguyen-thanh-long-343.jpg
Bị cáo Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế lĩnh án 18 năm tù. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Nguyễn Minh Tuấn (cựu Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp số đăng ký lưu hành sinh phẩm chẩn đoán-Bộ Y tế) biết rõ bộ test xét thuộc sở hữu Nhà nước, hồ sơ xin cấp số đăng ký lưu hành của Công ty Việt Á không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật nhưng vẫn thực hiện chỉ đạo của Nguyễn Thanh Long, Nguyễn Huỳnh, Nguyễn Văn Trịnh (cựu trợ lý Phó Thủ tướng) và nhận tiền từ Phan Quốc Việt nhiều lần tổng cộng 300.000 USD để tham mưu cho lãnh đạo Bộ Y tế ký Quyết định cấp số đăng ký lưu hành tạm thời, chính thức cho bộ test xét trái quy định của pháp luật, biến bộ test COVID-19 từ sản phẩm thuộc sở hữu Nhà nước thành sở hữu của Công ty Việt Á.

Khi tham gia Hiệp thương giá, Tuấn thống nhất với Nguyễn Nam Liên (Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính-Bộ Y tế) quyết định giá bộ test là 470.000 đồng không có căn cứ, giúp Công ty Việt Á sản xuất tiêu thụ bộ test xét nghiệm trái phép, gây thiệt hại lớn cho Ngân sách Nhà nước.

Bị cáo Nguyễn Nam Liên mặc dù biết hồ sơ Hiệp thương giá bộ test xét nghiệm của Công ty Việt Á chưa đầy đủ theo quy định nhưng không kiểm tra tính hợp lý, hợp lệ của chi phí cấu thành giá, làm căn cứ tính giá mà báo cáo Nguyễn Thanh Long và quyết định, thống nhất giá hiệp thương với giá 470.000 đồng/bộ test là không có căn cứ, trái quy định của pháp luật.

Ngoài việc chịu sự tác động, chỉ đạo của Nguyễn Thanh Long và Nguyễn Văn Trịnh, Nguyễn Nam Liên còn nhận của Phan Quốc Việt 100.000 USD để giúp Công ty Việt Á, trong đó có việc chậm kiểm tra giá hiệp thương và đề xuất Bộ Y tế thanh toán 200.000 bộ test xét nghiệm cho Công ty Việt Á theo giá hiệp thương; khi làm Trưởng đoàn kiểm tra giả Hiệp thương, Liên biết Công ty Việt Á có sai phạm về nguyên vật liệu sản xuất nhưng Nguyễn Nam Liên không tham mưu, đề xuất biện pháp xử lý dẫn đến Bộ Y tế công bố giá bộ test xét nghiệm đã được Công ty Việt Á nâng khống lên cổng thông tin điện tử Bộ Y tế, tạo mặt bằng giá để Công ty Việt Á tiêu thụ bộ test xét nghiệm trái phép…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục