Ngày 12/4, Tập đoàn cấp nước và xử lý chất thải Veolia của Pháp tuyên bố đạt thỏa thuận sáp nhập với đối thủ Suez. Thỏa thuận mới được cho là sẽ mở đường hình thành một tập đoàn đứng đầu trong lĩnh vực thiết yếu này.
Sau nhiều tháng tranh cãi cả trên truyền thông và tại các tòa án, Veolia cuối cùng cũng giành được hợp đồng mua lại Suez với giá 20,5 euro/cổ phiếu, cao hơn mức 18 euro/cổ phiếu mà công ty đưa ra ban đầu.
Trong thông báo mới, Veolia cho biết việc sáp nhập các tài sản của Suez sẽ mang lại cho tập đoàn này một khoản thu thường niên trị giá 37 tỷ euro, góp phần thúc đẩy kế hoạch tạo ra một tập đoàn đứng đầu trong chuyển đổi sinh thái.
Veolia đặt mục tiêu hình thành một tập đoàn toàn cầu cung cấp các giải pháp năng lượng, quản lý chất thải và các dịch vụ cấp nước cho các cộng đồng cư dân trên toàn thế giới. Hồi tháng 10/2020, Veolia đã mua khoảng 29,9% vốn của Suez.
[Tổng thống Pháp đề xuất xây dựng một 'giao ước mới cho đất nước']
Veolia là công ty hàng đầu thế giới về các dịch vụ môi trường. Với các giải pháp về thiết kế và xây dựng phù hợp với nhu cầu của khách hàng, kết hợp hiệu quả về kinh tế với việc kiểm soát các tác động đến môi trường, Veolia góp phần chống lại sự biến đổi khí hậu, bảo vệ nguồn tài nguyên, và bảo tồn hệ sinh thái.
Tập đoàn Veolia cũng là doanh nghiệp dẫn đầu thế giới về các giải pháp tối ưu hóa quy trình quản lý nguồn tài nguyên, chuyên thiết kế và cung cấp các giải pháp quản lý nước, chất thải và năng lượng.
Vào năm 2016, Tập đoàn Veolia cung cấp nước sạch cho 100 triệu người dân và cung cấp dịch vụ xử lý nước thải cho 61 triệu người dân, sản xuất năng lượng với công suất 54 triệu MWh và chuyển hóa 31 triệu tấn chất thải thành nguồn nguyên liệu mới và năng lượng.
Trong khi đó, Suez cũng là tập đoàn lớn chuyên về các giải pháp và công nghệ nước, với bề dày kinh nghiệm hơn 100 năm trong lĩnh vực.
Thông tin trên giúp cổ phiếu của cả 2 hãng tăng giá trị . Trong đó, cổ phiếu của Suez tăng 7,6% và cổ phiếu của Veolia tăng 6,3%./.