Vụ Việt Á: Con đường dẫn test xét nghiệm tới 60/63 tỉnh, thành

Trong vụ Việt Á, Phan Quốc Việt và đồng bọn đã sử dụng hành vi tiêu thụ test xét nghiệm tại 60/63 tỉnh, thành phố trên cả nước với thủ đoạn ứng test xét nghiệm, đưa hối lộ 106 tỷ đồng.

Toàn cảnh phiên xét xử ngày 3/1. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Toàn cảnh phiên xét xử ngày 3/1. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Sau 5 ngày xét xử 38 bị cáo trong vụ án Việt Á, Hội đồng xét xử đã tiến hành nghị án và dự kiến tuyên án vào chiều 12/1.

Quá trình xét hỏi và tranh luận tại phiên tòa, những quan điểm luận tội của đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa, đối đáp bào chữa các luật sư, lời khai của các bị cáo và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan… đã làm sáng tỏ nhiều nội dung trong vụ án.

Thiết lập bộ máy phụ trách vùng

Trong phần đối đáp tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát đã nêu bật bức tranh toàn cảnh của vụ án Việt Á sau 5 ngày xét xử. Từ việc Công ty Việt Á được tham gia đề tài nghiên cứu khoa học cấp Quốc gia đến việc được sản xuất test xét nghiệm; kiểm định tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; nghiệm thu tại Bộ Khoa học và Công nghệ; nộp hồ sơ cấp số đăng ký lưu hành tạm thời, chính thức; hiệp thương giá tạo mặt bằng giá…

Đặc biệt, các bị cáo còn sử dụng hành vi tiêu thụ test xét nghiệm tại 60/63 tỉnh, thành phố trên cả nước với thủ đoạn ứng test xét nghiệm cho các cơ sở y tế sử dụng trước rồi hợp thức thủ tục đấu thầu để thanh quyết toán theo giá Công ty Việt Á đưa ra theo từng thời điểm 509.000 đồng/test, 470.000 đồng/test (theo mặt bằng giá đã hiệp thương), thu lợi bất chính đặc biệt lớn.

Quá trình tiêu thụ, Phan Quốc Việt (Chủ tịch Công ty cổ phần công nghệ Việt Á) đã thiết lập bộ máy gồm 7 nhân viên phụ trách vùng để liên hệ trao đổi, thỏa thuận với các cơ sở y tế, giao nhận hàng trước và hợp thức hóa thủ tục đấu thầu quyết toán sau, báo cáo đề xuất chi % ngoài hợp đồng để Việt duyệt, giao bộ phận kế toán, thủ quỹ tính toán chi tiền % ngoài hợp đồng qua các tài khoản cá nhân lãnh đạo nhân viên cơ sở y tế hoặc các nhân viên phụ trách vùng.

Việt điều hành, duyệt chi qua các nhóm Viber với tỷ lệ chiết khấu từ 2-25% tùy giá trị hợp đồng, tùy chủng loại hàng hóa và tùy từng địa phương.

“Chui qua” hàng loạt cửa gác

Theo công tố viên, lý do test xét nghiệm của Việt Á “chui qua” hàng loạt cửa gác của Nhà nước quản lý, được tiêu thụ rộng khắp trên 60/63 tỉnh, thành phố là bởi Phan Quốc Việt và các đồng phạm đã thực hiện một chuỗi các hành vi liên kết với nhau.

Từ quá trình tham gia nghiên cứu đề tài đến sử dụng kết quả đề tài sản xuất test xét nghiệm, kiểm định test tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, nghiệm thu giai đoạn 1, nộp hồ sơ xin cấp số đăng ký lưu hành tạm thời, hiệp thương giá đã được nâng khống tạo mặt bằng giá; sản xuất tiêu thụ test xét nghiệm tại các cơ sở y tế trên cả nước…

Phan Quốc Việt đã cấu kết cùng các lãnh đạo cấp cao tại Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, lãnh đạo cấp cao tại các tỉnh, đưa hối lộ để họ chỉ đạo, tác động giúp test xét nghiệm của Việt Á có thể chạy xuyên suốt. Số tiền Việt đưa hối lộ dùng để “tác động” lên tới 106 tỷ đồng.

Viện Kiểm sát nhấn mạnh, test xét nghiệm do Việt Á sản xuất từ kết quả nghiên cứu của Đề tài nghiên cứu khoa học, là sản phẩm của Nhà nước, nhưng đã bị chiếm dụng, nâng khống, bán thương mại, thu lời bất chính, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho tài sản của Nhà nước. Số tiền thiệt hại này lẽ ra phải được chi cho các hoạt động chống dịch lúc đó, giúp đỡ hỗ trợ cho người nghèo trong dịch bệnh… Hành vi của các bị cáo là nghiêm trọng, nhất là xảy ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang bùng phát tại thời điểm đó.

Quan điểm xử lý nhân văn

Khi vụ án xảy ra, Viện Kiểm sát đã thực hiện theo phương châm 4P: phân công, phân cấp, phân hóa và phân loại, do khối lượng công việc và diện đối tượng rất lớn, phủ khắp 60 trên tổng số 63 tỉnh thành của cả nước. Điều này thể hiện tính nhân văn, cân nhắc nhiều lĩnh vực và đúng bản chất vụ án.

Trong đó, Viện Kiểm sát đã phân công, phân cấp xử lý hành vi vi phạm quy định về đấu thầu của các nhân viên Công ty Việt Á ở 19 tỉnh tập trung hết trong vụ án này đã mang ý nghĩa nhân văn, giúp việc xét xử chỉ 1 lần, mang tính tổng thể, các nhân viên của Việt Á không phải chịu nhiều bản án, không phải chịu mức án cao do tổng hợp nhiều hình phạt.

Trong phần tranh luận, nhiều luật sư cho rằng mức hình phạt mà đại diện Viện Kiểm sát đưa ra là quá nghiêm khắc, chưa cân nhắc hết các tình tiết giảm nhẹ, chưa đánh giá đúng mức vai trò của từng bị cáo trong vụ án. Về điểm này, đại diện Viện Kiểm sát nêu dẫn chứng về việc các bị cáo trong vụ án bị truy tố về 5 tội danh có mức hình phạt tối đa lên tới 20 năm tù, tù chung thân, tử hình… nhưng Viện Kiểm sát đã căn cứ tính chất mức độ hành vi, vai trò, hậu quả, việc hưởng lợi… để đề xuất mức hình phạt nhân văn nhưng cũng đủ tính nghiêm minh để giải quyết vụ án triệt để.

Có các tình tiết nào giảm nhẹ, có lợi cho bị cáo đều được Viện Kiểm sát cân nhắc áp dụng để đề xuất giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Trên cơ sở đó, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định việc luật sư đề xuất mức án nhẹ hơn là không có căn cứ.

Cơ sở xác định giá test xét nghiệm

Tại phiên tòa, nhiều luật sư bào chữa cho rằng cơ quan tố tụng không tiến hành giám định giá test xét nghiệm nên không có cơ sở để xác định thiệt hại trong vụ án.

Đối đáp với các luật sư, công tố viên cho biết giá test xét nghiệm của Việt Á được các cơ quan tố tụng làm rõ các yếu tố hình thành giá từ 6 nguồn dữ liệu để xác định thiệt hại theo quy định tại Điều 4, khoản 5-Thông tư liên tịch số 01/2017 ngày 13/12/2017 gồm: Nguồn thứ nhất là kết quả thực nghiệm điều tra: Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát và các đơn vị thuộc Bộ Y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương… đã tiến hành thử nghiệm điều tra tại Công ty Việt Á, cho tiến hành diễn lại quá trình sản xuất gồm 11 hóa chất, xác định được năng lực sản xuất và công suất sản xuất test, sau đó lấy sản phẩm đó để đi trưng cầu giám định chất lượng test.

Nguồn dữ liệu thứ hai là qua kết quả xác minh tại Bộ Y tế, Công ty Việt Á, công ty cung cấp các hóa chất đầu vào cho Việt Á sản xuất test xét nghiệm COVID-19. Nguồn thứ ba từ hồ sơ tài liệu hóa đơn, chứng từ và hạch toán chi phí của Công ty Việt Á trong việc sản xuất test này. Nguồn thứ 4, lời khai của Phan Quốc Việt, Hồ Thị Thanh Thủy (vợ Việt) và một số người liên quan… để xác định số lượng test đã sản xuất, tiêu thụ.

Nguồn thứ 5, dựa vào dữ liệu máy tính, tài liệu ủy thác của Công an các tỉnh để xác định chính xác số lượng test bán ra, đã thanh toán, số tiền và giá bán.

Nguồn thứ 6, kết quả trưng cầu giám định test xét nghiệm đã thu tại CDC Hải Dương và test xét nghiệm do thực hiệm điều tra đều giống nhau và xác định có chất lượng tốt như nhau.

Từ 6 nguồn dữ liệu trên, Viện Kiểm sát xác định chi phí sản xuất test xét nghiệm là 143.461 đồng/test, đã bao gồm 5% lợi nhuận của Công ty Việt Á và thuế, phí…

Sự hối hận và lời nhắn nhủ

Nói lời nói sau cùng tại tòa, Bị cáo Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ) đã xin lỗi Bộ Khoa học và Công nghệ, các thế hệ lãnh đạo, các đồng nghiệp, các tổ chức khoa học công nghệ, các nhà khoa học vì sự việc này đã ảnh hưởng đến uy tín của Bộ, ngành.

Bị cáo Chu Ngọc Anh đã bày tỏ sự đau xót và ân hận cho sai phạm của mình khi phải đứng trước tòa trong những ngày này. Bị cáo mong Hội đồng xét xử áp dụng các chính sách khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt cho mình.

Bị cáo Phạm Xuân Thăng (cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương) coi đây là một bài học sâu sắc và nhắn nhủ tới các cán bộ, lãnh đạo ở các địa phương, các tỉnh, thành phố: “Dù bất cứ hoàn cảnh nào, dù cấp bách, cũng phải cố gắng làm đúng quy định của pháp luật, của Đảng, không để xảy ra vi phạm pháp luật.”

Bị cáo Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó Vụ trưởng, Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành Kinh tế - kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ) gửi lời tới các đồng nghiệp cần tránh xa mọi sự cám dỗ, cần cẩn thận phân biệt giữa tình cảm và các quy định pháp luật bởi chỉ một chút sơ sảy có thể cướp đi thành quả công tác nhiều năm.

Hầu hết các bị cáo đều đã thừa nhận hành vi vi phạm và bày tỏ mong muốn được Hội đồng xét xử xem xét tối đa các tình tiết giảm nhẹ để được hưởng khoan hồng của pháp luật, sớm trở về với gia đình và xã hội, được làm lại cuộc đời…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục