Vụ xả súng ở New Zealand: Truyền thông đưa tin thận trọng về nghi can

Các cơ quan truyền thông lớn ở New Zealand ngày 1/5 cam kết không để nghi can vụ xả súng vào hai đền thờ Hồi giáo ở Christchurch lợi dụng phiên xét xử mình để tuyên truyền cực đoan.
Vụ xả súng ở New Zealand: Truyền thông đưa tin thận trọng về nghi can ảnh 1Ảnh tư liệu: Đối tượng được cho là Brenton Tarrant tại sân bay quốc tế Ataturk ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 13/9/2016. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các cơ quan truyền thông lớn ở New Zealand ngày 1/5 cam kết không để nghi can vụ xả súng vào hai đền thờ Hồi giáo ở Christchurch lợi dụng phiên xét xử mình để tuyên truyền cực đoan.

Ủy ban Tự do truyền thông New Zealand, đại diện cho 5 cơ quan thông tin lớn nhất đất nước này, cho biết bị cáo Brenton Tarrant "có thể lợi dụng phiên tòa xét xử như một nền tảng nhằm khuếch trương tư tưởng chủng tộc hoặc khủng bố."

Vì vậy, các tổng biên tập đã nhất trí thiết lập một bản hướng dẫn nhằm ngăn chặn điều này xảy ra tại phiên tòa. Họ cam kết "không đưa bất kỳ tuyên bố nào ủng hộ tư tưởng "da trắng thượng đẳng", hoặc tư tưởng khủng bố, kể cả thư ngỏ của bị cáo." Họ cũng sẽ tránh đưa tin hoặc tường thuật "bất cứ thông điệp, hình ảnh, biểu tượng hay dấu hiệu nào" có xu hướng kích động tư tưởng cực đoan của bị cáo hoặc những người liên quan.

Brenton Tarrant, công dân Australia 28 tuổi, bị cáo buộc xả súng làm 50 người thiệt mạng và 39 người bị thương trong vụ tấn công ngày 15/3 vừa qua tại hai đền thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch khi mọi người đang cầu nguyện. Trước khi thực hiện vụ tấn công, đối tượng này đã đăng tải trên mạng một thư ngỏ nói về niềm tin cực đoan của mình vào tư tưởng "da trắng thượng đẳng."

Tarrant hiện đang bị giam giữ trong một nhà tù trong điều kiện an ninh tối đa tại thành phố Auckland. Tại phiên tòa ngày 5/4, tên này bị cáo buộc tội danh giết người và tội danh mưu toan giết người. Phiên xét xử tiếp theo được ấn định vào này 14/6 tới.

Trước đó, Chính phủ New Zealand đã cấm tải bản thư ngỏ của Tarrant cũng như đoạn băng hình livestream mà đối tượng này đăng trên mạng xã hội vào thời điểm xảy ra vụ việc.

Đây là vụ thảm sát kinh hoàng nhất trong lịch sử New Zealand. Phần lớn trong số 50 nạn nhân thiệt mạng là người nhập cư và công dân đến từ các nước như Pakistan, Bangladesh, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Kuwait, Somalia..../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục