WB hỗ trợ Cần Thơ đẩy mạnh sự tham gia của người dân trong các dịch vụ công

Theo chuyên gia cao cấp về quản trị công của WB Trần Thị Lan Hương, Cần Thơ tiếp tục triển khai, khai thác hiệu quả các phần mềm dịch vụ công trực tuyến, các mạng xã hội để thu thập phản hồi của dân.

Bà Trần Thị Phương Mai, chuyên gia cao cấp về quản lý tài chính của WB phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)
Bà Trần Thị Phương Mai, chuyên gia cao cấp về quản lý tài chính của WB phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)

Ngày 16/1, Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Hội thảo “Nâng cao sự tham gia của người dân và công bố thông tin về các yếu tố bền vững trong các hoạt động sự nghiệp tại thành phố Cần Thơ.”

Hội thảo nhằm tìm giải pháp đẩy mạnh sự tham gia của người dân trong quá trình lập kế hoạch, thiết kế và triển khai các dịch vụ sự nghiệp công thông qua Công nghệ Số.

Bà Trần Thị Phương Mai, chuyên gia cao cấp về quản lý tài chính của WB, cho biết dịch vụ công nói riêng, các hoạt động của chính quyền nói chung, nếu có sự tham gia của người dân trong quá trình lập kế hoạch, thiết kế và triển khai sẽ mang lại hiệu quả và sự đồng thuận cao.

Đây là xu hướng chung trên toàn cầu và yêu cầu ngày càng cao về công bố thông tin trong các khía cạnh bền vững. Tại Cần Thơ, các dự án đầu tư công sử dụng vốn của WB đang được triển khai trong nhiều lĩnh vực y tế, thủy lợi, nông nghiệp, đô thị, giao thông…

Theo đó, sự tham gia của người dân có ba cấp độ cung cấp thông tin; tham vấn; tham gia. Người dân được tham gia khi họ được trao cơ hội và nguồn lực cần thiết để phối hợp trong các khâu của chu trình chính sách, cũng như trong thiết kế và cung cấp dịch vụ. Khi đạt cấp độ này, chính quyền sẽ có nhiều lợi ích như dịch vụ sự nghiệp công được cải thiện, thông tin từ phía người dân được đưa vào các quyết định chính sách, qua đó cải thiện về cung cấp dịch vụ công; ngăn ngừa tham nhũng, gian lận, nâng cao lòng tin của các nhà đầu tư; phân bổ tài sản và nguồn lực có căn cứ…

Bà Trần Thị Lan Hương, chuyên gia cao cấp về quản trị công, WB cho rằng Cần Thơ cần tiếp tục triển khai và khai thác hiệu quả các phần mềm dịch vụ công trực tuyến, các kênh mạng xã hội để lắng nghe, thu thập phản hồi của người dân nhanh, chính xác nhất.

Như vậy, các giao diện phải có tương tác thân thiện như các cơ chế gửi ý kiến phản hồi thân thiện với người dùng, kêu gọi sự tham gia của người dân trong khâu thiết kế những dịch vụ mà họ là người dùng; nền tảng tích hợp dễ tiếp cận; khai thác những mạng xã hội quen thuộc và các kênh nhắn tin tức thì. Hạ tầng nền tảng của Chính phủ cần hỗ trợ đa dạng các định dạng cho nội dung phản hồi của người dân: bằng chữ, tiếng nói, video, để sẵn sàng phân tích…

Các chuyên gia cho rằng Cần Thơ cần có những sáng kiến dữ liệu mở chia sẻ những dữ liệu không nhạy cảm về dịch vụ để người dân phân tích và đưa ra ý kiến; tạo điều kiện để các dự án nghiên cứu, các trường Đại học tham gia tìm hiểu cách thức sử dụng tốt nhất những dữ liệu không nhạy cảm. Đồng thời, thành phố quan trắc chất lượng các dịch vụ công: trình bày phản hồi của người dân và các hành động của chính quyền, qua bảng thông tin tổng hợp được truy cập công khai; lập biểu đồ các “vùng nóng” về mức độ hài lòng tại thành phố, nâng cao nhận thức về “các vấn đề nóng"…

Tại sự kiện, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ, cho biết ngày 6/1 vừa qua, Ủy ban Nhân dân thành phố đã phối hợp với WB tổ chức Hội thảo Công bố báo cáo đánh giá chi tiêu công và trách nhiệm giải trình tài chính.

Sau đó, Ủy ban Nhân dân thành phố lựa chọn nội dung cần hỗ trợ đề xuất WB và nhà tài trợ xem xét, gồm 3 nhóm lĩnh vực thực hiện những ưu tiên cải cách hệ thống quản lý tài chính công của thành phố trong thời gian tới, hướng đến mục tiêu hiệu quả, minh bạch, phát triển bền vững.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục