Ngày 25/9, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo nguy cơ xảy ra dịch tả bùng phát tại các trại tị nạn tạm thời ở khu vực biên giới Bangladesh giáp Myanmar - nơi tạm trú của khoảng 436.000 người Rohingya chạy trốn khỏi vùng chiến sự Myanmar sang lánh nạn.
Thông báo của WHO cho biết hiện nay người Rohingya tại 68 trại tị nạn tạm thời dọc biên giới Bangladesh và Myanmar phải sống trong điều kiện vật chất không đảm bảo, thiếu nước sạch nghiêm trọng. Cùng với đó, các trại tị nạn cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực và chăm sóc y tế cơ bản.
Tình hình càng xấu đi khi khu vực này đang trở thành một trong những nơi có đông người tị nạn nhất thế giới. WHO cảnh báo nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh liên quan tới nguồn nước, đặc biệt là bệnh tả. Các chuyên gia y tế quốc tế quan ngại diễn biến xấu khi các hoạt động hỗ trợ nhân đạo được triển khai chưa thực sự phát huy hiệu quả.
Theo WHO, các trạm y tế lưu động đã được thành lập, trong khi đó các cơ sở y tế của Bangladesh thông báo trong một tháng vừa qua, họ đã điều trị cho khoảng 4.500 người bị mắc bệnh tiêu chảy, tiêm phòng vắcxin sởi và bại liệt cho 80.000 trẻ em trong số người Rohingya phải lánh nạn.
Tuần trước, Tổ chức Bác sỹ không biên giới (MSF) đã cảnh báo các trại tị nạn đang bên bờ vực của một "thảm họa y tế" nghiêm trọng và hối thúc các nước hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp để cứu vãn tình hình.
Điều phối viên y tế khẩn cấp của MSF Kate White cho biết mỗi ngày đều có các bệnh nhân chết do mất nước, một nguyên nhân tử vong rất hiếm gặp đối với người trưởng thành.
Do tình trạng phân phát lương thực hỗn loạn và chắp vá, nhiều người Rohingya đang chỉ có thể có một bữa mỗi ngày. Ngoài ra, với tình trạng không có nước sạch cũng như nơi vệ sinh, MSF cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao do số người tị nạn tăng nhanh trong khi lại vốn không được tiêm chủng toàn diện.
Quân đội Bangladesh đã được huy động để xây dựng thêm các nhà vệ sinh và lều trại cho hàng nghìn người vẫn đang sống trong cảnh "màn trời chiếu đất" bất chấp hiện đang là mùa mưa ở Bangladesh. Hàn Quốc, Saudi Arabia, Mỹ và Trung Quốc cùng đều cam kết sẽ viện trợ nhân đạo cho người Rohingya.
Từ cuối tháng Tám vừa qua, hàng trăm nghìn người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar đã chạy sang thành phố Cox's Bazar Bangladesh, gần biên giới giữa hai nước, để lánh nạn sau khi bạo động bùng phát liên quan tới các chiến dịch của quân đội Myanmar truy quét các phần tử nổi dậy tấn công các trạm kiểm soát biên giới tại bang Rakhine.
Giới chức Myanmar cáo buộc các tay súng tấn công đó là thành viên lực lượng Tổ chức Thống nhất người Rohingya, một nhóm vũ trang sắc tộc nhỏ Rohingya hoạt động từ những năm 80-90 của thế kỷ trước./.