WHO: Dịch tả ở Nam Sudan vượt tầm kiểm soát, 39 người thiệt mạng

Số liệu của WHO công bố ngày 20/7 cho thấy dịch tả đang bùng phát mạnh ở thủ đô Juba và lan rộng sang các địa phương lân cận.
WHO: Dịch tả ở Nam Sudan vượt tầm kiểm soát, 39 người thiệt mạng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 21/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo dịch tả đang vượt ra ngoài tầm kiểm soát tại Nam Sudan.

Hiện có tổng cộng 1.212 trường hợp mắc bệnh tả, trong đó có 39 bệnh nhân đã tử vong tại quốc gia châu Phi này.

Số liệu của WHO công bố ngày 20/7 cho thấy dịch tả đang bùng phát mạnh ở thủ đô Juba và lan rộng sang các địa phương lân cận.

Trước đó, Bộ Y tế nước này cho biết bệnh tiêu chảy cấp đã được phát hiện từ cuối tháng Sáu, mặc dù trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên được WHO phát hiện tại thủ đô nước này từ ngày 18/5.

Đại đa số các trường hợp nhiễm bệnh tập trung ở khu vực xung quanh thủ đô Juba và thị trấn Bor, thủ phủ bang Jonglei - nơi bị tàn phá nặng nề bởi các cuộc xung đột, bạo động đẫm máu tại quốc gia Tây Phi này.

Cơ quan Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo (OCHA) cho biết việc kiểm soát, ngăn chặn dịch tả - lây lan chủ yếu thông qua nước hoặc thực phẩm bị ô nhiễm nặng - là một trong những thách thức to lớn đối với chính quyền Nam Sudan và các tổ chức viện trợ nhân đạo quốc tế.

Nỗ lực ngăn chặn dịch tả đang gặp trở ngại lớn do tình trạng lạm phát "phi mã" và nền kinh tế kiệt quệ.

Theo OCHA, hiện nay nhiều người không đủ khả năng mua nước an toàn để phục vụ sinh hoạt tối thiểu.

Thêm vào đó, nhiều người dân nước này đang sử dụng nguồn nước bẩn từ sông Nile.

Tổ chức này cho biết ít nhất 167 người đã thiệt mạng trong một đợt bùng phát mạnh dịch tả tại đây hồi năm ngoái.

Mặc dù tuyên bố độc lập, tách khỏi nhà nước Sudan cách đây bốn năm, nhưng Nam Sudan vẫn đang chìm sâu trong bạo lực sắc tộc đẫm máu.

Tháng 12/2013, quốc gia Tây Phi với hơn 11 triệu dân này lại rơi vào một cuộc nội chiến mới do sự tranh chấp quyền lực giữa Tổng thống đương nhiệm Salva Kiir và cựu Phó Tổng thống Riek Machar.

Xung đột giữa hai phe đã khiến hơn 166.000 người phải trú ngụ tạm thời trong các doanh trại của Lực lượng gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc tại nước này và hơn 2 triệu người đã buộc phải chạy sang các quốc gia láng giềng để lánh nạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục