''Xanh hóa'' doanh nghiệp từ áp lực của người tiêu dùng xanh

Tiêu dùng xanh ngày càng được quan tâm nhiều hơn cùng với các hoạt động liên quan đến quá trình sản xuất và tiêu dùng bền vững đối với môi trường.
''Xanh hóa'' doanh nghiệp từ áp lực của người tiêu dùng xanh ảnh 1Người nông dân xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh với mô hình trồng lúa mới thân thiện với môi trường. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Tại Hội thảo "Nhận thức của người lao động về tiêu dùng xanh" được tổ chức vào ngày 28/9, Tiến sỹ Hoàng Hồng Hiệp, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội vùng Trung Bộ, cho biết ở Việt Nam tiêu dùng xanh là một trong những nội dung quan trọng trong Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến 2050.

Vì vậy, tiêu dùng xanh ngày càng được quan tâm nhiều hơn cùng với các hoạt động liên quan đến quá trình sản xuất và tiêu dùng bền vững đối với môi trường.

Những trở ngại đối với tiêu dùng xanh

Tiêu dùng xanh là hoạt động mua và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, không gây hại cho sức khỏe con người và không đe dọa đến hệ sinh thái tự nhiên.

Sản phẩm xanh là các sản phẩm ở những ngành hàng như gia dụng, thực phẩm, mỹ phẩm... được sản xuất từ các nguyên liệu thiên nhiên, hữu cơ hoặc thành phần đơn giản, ít gây hại đến môi trường và sức khỏe con người.

"Doanh nghiệp xanh" là cơ sở làm ra sản phẩm xanh với quy trình sản xuất thân thiện với môi trường, không chứa hóa chất độc hại, tiết kiệm năng lượng.

[Thành lập Hiệp hội Nhà sản xuất thân thiện môi trường Việt Nam]

Còn người tiêu dùng xanh là đối tượng tiêu thụ các sản phẩm xanh.

Được gọi người tiêu dùng xanh là tất cả những ai quan tâm đến môi trường và chỉ mua những sản phẩm thân thiện với môi trường hay thân thiện với tự nhiên, mua sản phẩm có ít hoặc không có bao bì, sản phẩm tạo ra từ những thành phần tự nhiên và quy trình làm ra sản phẩm ít gây ô nhiễm môi trường.

Cụ thể, người tiêu dùng xanh là những người lái loại xe sử dụng ít nhiên liệu và thải ít khói thải ra môi trường hơn; không mua những sản phẩm được tạo ra từ da, lông, thú, thậm chí từ thịt của động vật hoang dã; ủng hộ việc tái chế, tái sử dụng, tái sinh chất thải hoặc mua những sản phẩm sản xuất từ vật liệu được tái chế an toàn.

Sự chọn lựa chính trị của người tiêu dùng xanh là ủng hộ những quy định bảo vệ môi trường của chính quyền.

Hiện tại ở Việt Nam xu hướng tiêu dùng xanh còn gặp nhiều thách thức, trở ngại, nhất là từ phía các doanh nghiệp.

Đầu tiên, ý thức trách nhiệm đối với vấn đề bảo vệ môi trường từ phía doanh nghiệp còn hạn chế.

Theo khảo sát của Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, 70% doanh nghiệp không nghe đến chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam; hơn 50% doanh nghiệp không quan tâm đến biến đổi khí hậu; 60% doanh nghiệp không sẵn lòng đầu tư cho sản phẩm xanh...

Nhãn Xanh Việt Nam là tên gọi của chương trình nhãn sinh thái tại Việt Nam được triển khai thực hiện từ năm 2009, với mục tiêu liên tục cải thiện và duy trì chất lượng môi trường sống thông qua việc giảm thiểu sử dụng và tiêu dùng năng lượng, vật liệu cũng như các loại chất thải sinh ra do quá trình sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ phục vụ đời sống.

''Xanh hóa'' doanh nghiệp từ áp lực của người tiêu dùng xanh ảnh 2Xe điện hoạt động trong trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Nhà nước đưa ra chính sách phát triển sạch hướng tới sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thân thiện với môi trường, mặt khác đóng vai trò người tiêu dùng lớn có tác động đến thị hiếu mua sắm và tiêu dùng sản phẩm, kích cầu các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Theo quy định, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thân thiện với môi trường có gắn Nhãn Xanh Việt Nam sẽ được hưởng những ưu đãi, hỗ trợ về đất đai, vốn; miễn, giảm thuế, phí về bảo vệ môi trường.

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp chưa giải quyết thỏa đáng mâu thuẫn giữa mục tiêu lợi nhuận và tăng trưởng xanh, đặc biệt là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa đều thiếu vốn cho đầu tư phát triển sản phẩm xanh.

Bên cạnh đó, mặc dù công nghệ xanh rất phát triển trên thế giới song không dễ được đưa vào áp dụng ở Việt Nam. Doanh nghiệp có thể được chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại, nhưng yếu tố con người, trình độ năng lực còn chưa theo kịp.

Việc đầu tư, chi phí ban đầu lớn tác động rất nhiều đến việc tiếp cận công nghệ xanh.

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chi phí tài nguyên và mức phát thải trung bình của các doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung cao hơn so với mức trung bình của khu vực và thế giới.

Mức sử dụng nước ở nhiều ngành công nghiệp là rất cao và lãng phí.

Chẳng hạn, để sản xuất một đơn vị sản phẩm giấy thì ở Việt Nam cần trên 500m3 nước, gấp 5 lần so với chỉ tiêu của thế giới (xấp xỉ 100 m3/tấn).

Nước thải của ngành chế biến thực phẩm cao gấp 3-4 lần so với thế giới.

Chi phí năng lượng trong các ngành công nghiệp cũng tương đối cao: ngành giấy tiêu hao 1.200kWh và 1.500 kg than/tấn giấy tẩy trắng; ngành thép cần 700.000 kWh/tấn thép thỏi và 25 kWh/tấn gang tinh luyện.

Túi nylon là một trong những loại gây hại nghiêm trọng đến môi trường. Vì tiện lợi và giá thành rẻ, túi nylon được sử dụng trong hầu hết các hoạt động mua bán, đóng gói.

Các siêu thị lớn như BigC tiêu thụ 10 tấn/tháng, tại chợ Đồng Xuân (Hà Nội) mỗi hộ kinh doanh sử dụng 200-300 túi/ngày.

Trong số các loại bao bì đang được sử dụng ở Việt Nam thì loại túi nylon siêu mỏng có số lượng lưu thông nhiều hơn cả, song lại không có giá trị thu gom, tái chế nên loại túi nylon này đang tràn ngập ở khắp các bãi rác và hầu như không hề phân hủy.

Ước tính, mỗi hộ dân ở thành thị đang thải ra khoảng 2-5 túi nylon mỗi ngày, bởi vậy nước ta đang thải ra môi trường 20-60 tấn nhựa/ngày chỉ tính riêng cho túi nylon.

Mặc dù tiêu dùng xanh mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng và môi trường sống, song để các sản phẩm xanh có thể thay thế hoàn toàn các sản phẩm tiêu dùng thông thường gây ô nhiễm thì còn rất nhiều khó khăn.

Chúng ta phải là người tiêu dùng xanh và dùng áp lực của mình để buộc các doanh nghiệp "xanh hóa."

Nếu đại đa số người tiêu dùng chọn lựa không mua các sản phẩm làm nguy hại đến môi trường thì nhà sản xuất phải cố gắng để tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường.

Tạo áp lực đối với các doanh nghiệp

Tại Việt Nam, tiêu dùng xanh đang dần dần trở thành một xu thế mới và nhận thức của người tiêu dùng về tiêu dùng xanh, sản phẩm xanh cũng đã được nâng cao nhờ nền kinh tế ngày càng phát triển và mức sống người dân ngày càng được cải thiện.

Kết quả khảo sát của Nielsen Việt Nam cho thấy 80% người tiêu dùng nước ta sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm có cam kết xanh và sạch, sản xuất từ những nguyên liệu thân thiện với môi trường.

Cụ thể, có tới 80% người tiêu dùng lo ngại về tác hại lâu dài của các nguyên liệu nhân tạo và 79% sẵn sàng trả thêm tiền để mua các sản phẩm không chứa các nguyên liệu không mong muốn.

Nielsen Holdings PLC là công ty nghiên cứu thị trường và quảng bá toàn cầu (trụ sở chính đặt tại Mỹ và Hà Lan). Nielsen đang hoạt động ở hơn 100 quốc gia.

Trong việc tiêu dùng sản phẩm xanh, đặc biệt tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, nhu cầu đối với thực phẩm VietGap tại các chuỗi siêu thị và các cửa hàng tiện dụng được ước tính vượt quá mức cung.

VietGAP là các quy định về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản ở Việt Nam, bao gồm những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, sơ chế đảm bảo sản phẩm an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khỏe người sản xuất và người sử dụng.

Trước nhu cầu của người tiêu dùng, các công ty bán lẻ lớn cũng đã có các bước thúc đẩy tính bền vững và phát triển thương hiệu của họ xoay quanh các sản phẩm thực phẩm có chất lượng cao, an toàn và bền vững.

Trong những năm gần đây, mức độ phổ biến của các loại thực phẩm hữu cơ cũng đã tăng lên do cộng đồng ngày càng quan tâm nhiều tới vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Thực phẩm hữu cơ là những loại thực phẩm được sản xuất bằng phương thức canh tác hữu cơ. Phương thức canh tác này yêu cầu không sử dụng phân bón hóa học, các hóa chất bảo vệ thực vật độc hại, các chất kích thích tăng trưởng.

Bên cạnh các loại thực phẩm hữu cơ đã được sản xuất trong nước như các loại rau, gạo và trứng, nhiều loại thực phẩm khác dán nhãn "hữu cơ" như sữa, thịt và hoa quả được nhập khẩu từ nước ngoài.

Đối với các thiết bị điện như tivi, tủ lạnh, máy tính xách tay, điều hòa nhiệt độ, bóng điện... hiện tại có 5 tiêu chí để khách hàng chọn lựa: so sánh giá; dịch vụ; thương hiệu; chương trình khuyến mại; công nghệ (có tiết kiệm điện hay không).

Khá nhiều khách hàng quan tâm tới công nghệ tiết kiệm điện của một số thiết bị, đặc biệt là các thiết bị tiêu tốn nhiều điện như điều hòa, tủ lạnh, đèn chiếu sáng.

Vì vậy, để duy trì vị trí dẫn đầu hoặc thị phần của mình, các trung tâm điện máy buộc phải quan tâm đến sản phẩm tiết kiệm điện.

Để có lợi thế cạnh tranh trên thị trường, xu hướng "xanh hóa" trong xây dựng thương hiệu ngày càng phổ biến, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực đầu tư sản xuất nhằm cho ra đời những sản phẩm có yếu tố xanh và sạch, xây dựng thương hiệu xanh gắn với phát triển bền vững.

Theo kết quả nghiên cứu của Nielsen Việt Nam, các thương hiệu có cam kết xanh và sạch đều có mức tăng trưởng khá cao, khoảng 4%/năm.

Xu hướng tiêu dùng xanh cũng kéo theo sự phát triển của các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch như Sói Biển, Bác Tôm, Home Food, Hano Farm... nhằm đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm sạch, rõ nguồn gốc của người dân.

Nhiều cửa hàng trà sữa, càphê chuyển sang kinh doanh theo xu hướng xanh bằng cách sử dụng ống hút tre hoặc inox thay cho ống hút nhựa; hạn chế sử dụng các loại nước đóng chai có bao bì khó phân hủy; chỉ sử dụng túi giấy thay vì sử dụng túi nylon...

Nhiều siêu thị lớn trên cả nước như Co.opmart, Lotte mart thời gian qua cũng có những động thái giảm thiểu việc sử dụng túi nylon, rác thải nhựa bằng cách sử dụng lá chuối gói rau củ, thực phẩm thay túi nylon; sử dụng, phân phối các sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường.

Để tồn tại trong bối cảnh mới, các doanh nghiệp buộc phải chấp hành tốt các quy định về bảo vệ môi trường; chủ động cải tiến quy trình sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghệ sản xuất nhằm tiết kiệm tài nguyên, tiêu hao ít năng lượng; ưu tiên sử dụng nguyên vật liệu đầu vào thân thiện với môi trường.

Đặc biệt, các doanh nghiệp luôn phải đặt vấn đề sức khỏe người tiêu dùng là trọng tâm của việc phát triển sản phẩm và có một chiến lược phát triển sản phẩm gắn liền với cam kết bền vững.

Ở chiều ngược lại, theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Tiến Dũng (Trường Đại học Thương mại), những nỗ lực bảo vệ môi trường từ phía doanh nghiệp cũng có tác động tích cực đến xu hướng tiêu dùng xanh của người dân.

Nhằm thúc đẩy việc bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, các doanh nghiệp cần tạo ra ý định tiêu dùng xanh từ phía người tiêu dùng Việt Nam - tăng cường các biện pháp xúc tiến thương mại (quảng cáo, tuyên truyền) để người tiêu dùng quan tâm hơn về tiêu dùng xanh.

Doanh nghiệp phải thông tin chi tiết để người tiêu dùng nhận biết được những lợi ích thiết thực mà sản phẩm có thể mang lại cho cộng đồng, cho môi trường sống.

Bên cạnh đó, tính sẵn có của sản phẩm phải được quan tâm. Doanh nghiệp cần chú trọng đến hoạt động phân phối làm sao để sản phẩm luôn gần gũi, dễ tiếp cận đối với người tiêu dùng cả ở thành thị lẫn nông thôn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục