Xây dựng ASEAN trở thành khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao

Nhân Hội nghị cấp cao ASEAN lần 40, 41 và các Hội nghị liên quan ở thủ đô Phnom Penh, Đại sứ Lào tại Việt Nam trả lời phỏng vấn về những đóng góp của Lào cho việc hiện thực hóa chủ đề năm ASEAN 2022.
Xây dựng ASEAN trở thành khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao ảnh 1Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Công hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam Sengphet Houngboungnuang. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Nhân Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các Hội nghị liên quan tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia từ 10-13/11, Đại sứ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam Sengphet Houngboungnuang đã trả lời phỏng vấn phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) về những đóng góp của Lào cho việc hiện thực hóa chủ đề của năm ASEAN 2022, những thành quả của ASEAN trong phục hồi kinh tế, du lịch hậu COVID-19; sự phối hợp giữa Lào và Việt Nam trong xây dựng Cộng đồng ASEAN ổn định, mạnh mẽ, bao trùm vì sự hòa hợp, hòa bình và ổn định ở khu vực.

- Đại sứ đánh giá thế nào về thành quả của ASEAN trong việc phục hồi kinh tế, du lịch hậu COVID-19 trong năm qua và việc tổ chức thực hiện nhằm mang lại hiệu quả thực chất theo chủ đề của ASEAN năm 2022?

Đại sứ Sengphet Houngboungnuang: Trong những năm gần đây và năm 2022, các nước thành viên ASEAN cũng như trên thế giới phải đối mặt với nhiều thách thức an ninh mới như khủng hoảng kinh tế và tài chính, thiên tai, biến đổi khí hậu, thiếu lương thực và sự bùng phát của dịch COVID-19.

Trước tình hình đó, các nước thành viên ASEAN và đối tác phát triển đã hợp tác hài hòa, chặt chẽ để đối phó với những thách thức đó, giúp đỡ lẫn nhau trong việc khôi phục tình hình kinh tế của mỗi nước cũng như tiếp tục cụ thể hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.

Bất chấp dịch COVID-19 bùng phát trên diện rộng, ASEAN vẫn là một khu vực quan trọng, kinh tế phát triển liên tục và ổn định, có khả năng thu hút lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài với giá trị đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 174 tỷ USD vào năm 2021, tăng 42% so với năm 2020; đứng thứ hai sau Trung Quốc với giá trị đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cao nhất trong các nước đang phát triển.

Bên cạnh đó, việc mở cửa trở lại của các nước thành viên ASEAN cho thấy, nhiều ngành kinh tế đã có sự phục hồi và phát triển, đặc biệt là lĩnh vực khoa học công nghệ, kinh tế số, doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ (SMEs) đã có xu hướng phát triển từng bước.

Ngành Du lịch ASEAN đã phục hồi và phát triển mạnh hơn trước do các nước thành viên ASEAN xác định chính sách đúng đắn cùng việc miễn thị thực cho công dân ASEAN khi đi du lịch tại các nước thành viên ASEAN.

Tôi rất tin tưởng, nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2022 của Campuchia với chủ đề “ASEAN Hành động: Cùng ứng phó các thách thức” sẽ thành công, góp phần nâng cao khả năng của ASEAN trong ứng phó với các thách thức ở khu vực một cách hiệu quả.

["ASEAN cần bản lĩnh, khéo léo, cân bằng trong ứng xử các vấn đề nóng"]

- Lào có đề xuất phương hướng nào để thúc đẩy việc tổ chức thực hiện chủ đề ASEAN năm 2022 đó là “ASEAN Hành động: Cùng ứng phó các thách thức” trên cơ sở tinh thần đoàn kết vì sự phát triển bền vững, thưa Đại sứ?

Đại sứ Sengphet Houngboungnuang: Hiện nay, tình hình khu vực và quốc tế diễn biến nhanh chóng và phức tạp. Thế giới đang đứng trước nhiều thách thức trên mọi lĩnh vực, ảnh hưởng trực tiếp đến điều kiện sống của người dân ASEAN, đặc biệt là ở các nước kém phát triển và đang phát triển.

Lào kiên định đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, hữu nghị, hợp tác vì phát triển bền vững và thúc đẩy giải quyết các vấn đề bằng biện pháp hòa bình, tránh sử dụng bạo lực, quân sự và vũ khí trong giải quyết các vấn đề.

Tôi cho rằng chúng ta cần tiếp tục tuân thủ nguyên tắc tham vấn và đồng thuận của ASEAN hay Phương thức ASEAN (ASEAN Way) với sự tham gia của tất cả các nước thành viên ASEAN vì nguyên tắc trên là nền tảng quan trọng của ASEAN đã được áp dụng từ khi thành lập ASEAN đến nay.

Nguyên tắc trên đã đảm bảo tính trung tâm, thống nhất và đoàn kết một khối của ASEAN trong bối cảnh ASEAN có sự đa dạng về phong tục tập quán, kinh tế-xã hội, chính trị và bối cảnh lịch sử. Hơn nữa, trong tình hình hiện nay, nguyên tắc đồng thuận càng có ý nghĩa quan trọng và hiệu quả đối với ASEAN với tư cách là một tổ chức hợp tác liên chính phủ nhằm đưa ra các thỏa thuận chung trong việc giải quyết các thách thức và khó khăn trong khu vực.

Ngoài ra, tôi cho rằng, ASEAN phải kiên định vai trò trung tâm của ASEAN và nguyên tắc hợp tác với các nước bên ngoài đã được quy định trong Hiến chương ASEAN chẳng hạn như nguyên tắc mở rộng, bao trùm, không phân biệt đối xử trong quan hệ hợp tác với bên ngoài.

Đồng thời, ASEAN phải tiếp tục thể hiện vai trò quan trọng thông qua việc sử dụng các cơ chế khác nhau của ASEAN để thúc đẩy sự tin cậy, niềm tin và hiểu biết lẫn nhau vì sứ mệnh hòa bình, ổn định và hợp tác vì sự phát triển của khu vực và quốc tế.

- Theo Đại sứ, ASEAN phải làm thế nào để triển khai các sáng kiến, đề xuất, giải pháp một cách có hiệu quả về hợp tác kinh tế để cho có sự thống nhất và các thỏa thuận thương mại tự do nhằm thúc đẩy nỗ lực trong việc xây dựng Tầm nhìn ASEAN sau năm 2025?

Đại sứ Sengphet Houngboungnuang: Năm 2022 kỷ niệm 55 năm thành lập ASEAN. Trong suốt 55 năm qua, các nước thành viên ASEAN đã tập trung toàn lực cho sự phát triển đất nước cũng như cải thiện từng bước điều kiện sống của người dân ngày một tốt lên, từng bước tăng trưởng kinh tế-xã hội.

Xây dựng ASEAN trở thành khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao ảnh 2Lễ khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40 và 41. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Hiện Cộng đồng ASEAN đã trở thành khu vực kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới với tổng dân số hơn 600 triệu người. Vì vậy, để phát huy tiềm năng này, tôi cho rằng, ASEAN phải tiếp tục tăng cường hợp tác hơn nữa, khuyến khích và hỗ trợ các nước thành viên ASEAN mới (CLMV) trong việc hội nhập kinh tế, sản xuất hàng hóa để thu hẹp khoảng cách phát triển, trao đổi thông tin và kinh nghiệm quý trong phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, hợp tác với các nước đối tác ASEAN để thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu hàng hóa.

Ngoài ra, ASEAN cần tiếp tục khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân, tăng cường quan hệ đối tác công-tư trong phát triển kinh tế và thực hiện các thỏa thuận của ASEAN hiệu quả hơn; góp phần đạt được Tầm nhìn ASEAN 2025 về thực chất.

- Đại sứ đánh giá thế nào về sự phối hợp giữa Lào và Việt Nam trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN ổn định, mạnh mẽ, bao trùm vì sự hòa hợp, hòa bình và ổn định ở khu vực?

Đại sứ Sengphet Houngboungnuang: Lào và Việt Nam được xem là thành viên mới của ASEAN. Kể từ khi chính thức gia nhập ASEAN, hai nước đã có nhiều đóng góp trong việc xây dựng ASEAN trở thành khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và liên tục, xã hội hòa bình, điều kiện sống của nhân dân được nâng cao, trình độ phát triển ngày càng thu hẹp.

Trong khu vực ASEAN, hai nước Lào-Việt Nam đã chủ động tham gia xây dựng nhiều văn kiện quan trọng, đặc biệt là việc xây dựng Cộng đồng ASEAN gồm 3 trụ cột: Chính trị-An ninh, Kinh tế và Văn hóa-Xã hội từng bước trở thành hiện thực.

Bên cạnh hợp tác trong khuôn khổ ASEAN, Lào và Việt Nam còn phối hợp chặt chẽ trong tiểu vùng, có vai trò ngày càng tăng trong phát triển kinh tế-xã hội, góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN, nhất là việc xúc tiến hội nhập-liên kết khu vực, giảm chênh lệch phát triển trong nội khối ASEAN và giữa ASEAN với các nước bên ngoài khu vực.

Hai nước đều tham gia các khuôn khổ hợp tác của khu vực sông Mekong với đối tác phát triển như Hợp tác Tiểu vùng Mekong Mở rộng (GMS), Hợp tác chiến lược kinh tế 3 dòng sông Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS)...

Các cơ chế hợp tác này đều có vai trò quan trọng, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện điều kiện sống của người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kết nối, thương mại đầu tư và giao lưu nhân dân giữa các nước trong khu vực ASEAN và trên thế giới.

- Trân trọng cảm ơn Đại sứ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục