Xây dựng thương hiệu OCOP Quảng Ninh đủ mạnh hướng tới xuất khẩu

Trong giai đoạn 2017-2020 của chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở Quảng Ninh, tỉnh tập trung chuyển từ “lượng” sang “chất” đối với tất cả các sản phẩm OCOP của mình.
Xây dựng thương hiệu OCOP Quảng Ninh đủ mạnh hướng tới xuất khẩu ảnh 1Chế biến sản phẩm trà hoa vàng ở huyện Ba Chẽ, Quảng Ninh. (Nguồn: Báo Quảng Ninh)

Không chạy theo thành tích về số lượng, tỉnh Quảng Ninh đang thắt chặt quản lý chất lượng, cương quyết loại bỏ các sản phẩm không đạt chuẩn ra khỏi Chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm), khuyến khích các địa phương đầu tư xây dựng các sản phẩm chất lượng cao hướng tới xuất khẩu.

Trong giai đoạn 2017-2020 của chương trình OCOP Quảng Ninh, tỉnh tập trung chuyển từ “lượng” sang “chất” đối với tất cả các sản phẩm OCOP của mình.

Quảng Ninh yêu cầu các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP phải chủ động hơn nữa nâng cao chất lượng, hoàn thiện bao bì, đa dạng hóa chủng loại nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và từng bước hướng tới xuất khẩu.

Đặc biệt, tỉnh chủ trương kiên quyết đưa ra khỏi chương trình OCOP đối với những sản phẩm mà doanh nghiệp không chú trọng đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cấp bao bì, tem nhãn, thậm chí là quản lý sản xuất kém, sản phẩm tiêu thụ chậm, không còn có tính cạnh tranh trên thị trường.

[Quảng Ninh: Giương cao ngọn cờ đầu xây dựng nông thôn mới]

Theo quy định của Ban Chỉ đạo OCOP tỉnh Quảng Ninh, nhãn hiệu OCOP Quảng Ninh chỉ được sử dụng cho các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng đạt từ 3 sao trở lên và sẽ đình chỉ việc sử dụng nhãn hiệu đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định khi sử dụng nhãn hiệu quá 2 lần nhưng không khắc phục, không còn đáp ứng điều kiện sử dụng nhãn hiệu, không thanh toán đầy đủ các chi phí cho việc chứng nhận, bảo vệ nhãn hiệu.

Tháng 1/2020, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã thu hồi giấy chứng nhận đạt sao của 10 sản phẩm thuộc chương trình OCOP.

Cũng trong tháng Một này, Ban Xây dựng nông thôn mới Quảng Ninh đã quyết định loại 65 sản phẩm (chưa cấp sao) ra khỏi chương trình OCOP đã được chấp thuận tham gia chương trình này từ năm 2014.

Đây là những giải pháp mạnh tay của tỉnh Quảng Ninh trong việc thắt chặt tiêu chuẩn về chất lượng cho sản phẩm OCOP, hướng đến những sản phẩm đạt chất lượng cao, tạo uy tín với người tiêu dùng và đủ sức cạnh tranh trên thị trường nông sản.

Các sản phẩm này bị loại khỏi chương trình OCOP Quảng Ninh là do không có khả năng hoàn thiện, phát triển hoặc đã ngừng sản xuất.

Trong số các sản phẩm bị loại bỏ này, thành phố Uông Bí có 16 sản phẩm nông nghiệp của 4 hợp tác xã, tổ chức nông nghiệp gồm: thanh long, vải Phương Nam, rượu Linh Chi Yên Tử, su hào, khoai tây, bí xanh, cà chua, dưa chuột…

Thành phố Hạ Long bị loại 21 sản phẩm (chủ yếu ở khu vực Hoành Bồ) gồm: lá tắm, lá ngâm chân, tai chua sấy khô, bún tỏi đen, mật ong kiều mạch, nước mắm cao đạm Đại Yên… Còn lại các địa phương như Hải Hà, Ba Chẽ, Móng Cái, Bình Liêu, Cô Tô, Đông Triều, mỗi địa phương có từ 1 đến 10 sản phẩm nông nghiệp bị loại ra khỏi danh sách chương trình OCOP Quảng Ninh.

Tính đến nay, toàn tỉnh Quảng Ninh đã có gần 450 sản phẩm tham gia và được xếp hạng từ 3-5 sao trên cơ sở đánh giá loạt các tiêu chí về nguồn gốc, quy trình sản xuất, chất lượng, vệ sinh; trong đó, có trên 80% sản phẩm thuộc chương trình OCOP Quảng Ninh đã được dán tem điện tử và mã số mã vạch.

Gần 180 đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tham gia chương trình và ngày càng tiến bộ về dây chuyền sản xuất, hệ thống nhà xưởng; đổi mới mẫu mã bao bì, tem nhãn sản phẩm ngày càng đẹp và chuyên nghiệp hơn để phục vụ người tiêu dùng.

Nhiều sản phẩm nông nghiệp, hàng thủ công mỹ nghệ, dược phẩm, dịch vụ mang thương hiệu OCOP Quảng Ninh bắt đầu có tên trên thị trường trong nước.

Có những sản phẩm OCOP Quảng Ninh đã và đang xây dựng cho mình thương hiệu chất lượng cao và bền vững, điển hình như gà Tiên Yên, từ tháng 8/2017, sản phẩm này được nuôi và dán điện tử và đeo nhẫn truy xuất nguồn gốc.

Xây dựng thương hiệu OCOP Quảng Ninh đủ mạnh hướng tới xuất khẩu ảnh 2Chú gà được giải Vua gà năm 2020. (Nguồn: Báo Quảng Ninh)

Để xây dựng được thương hiệu đẳng cấp này, chính quyền địa phương đã xây dựng các chính sách hỗ trợ sản xuất các sản phẩm OCOP nói chung và sản phẩm Gà Tiên Yên nói riêng thông qua việc phổ biến, tuyên truyền kiến thức về quy trình nhân giống, chăm sóc, bảo quản hàng hóa nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm cũng như hỗ trợ các cơ sở sản xuất đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, tham gia các hội chợ triển lãm…

Mới đây, huyện Tiên Yên đã dự định tổ chức hội thi “vua gà” vào ngày 30/10.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Yên, ông Hà Hải Dương thông tin Qua hội thi “vua gà” nhằm tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm gà Tiên Yên đến du khách và nâng cao nhận thức của người chăn nuôi về việc duy trì, phát triển, bảo tồn giống gà bản địa, nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP chủ lực này.

Hiện nay, trên địa bàn huyện nhiều mô hình trang trại, gia trại nuôi gà giống Tiên Yên có quy mô trên 500 con trở lên ngày một nhiều./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục