Xảy ra 157 cuộc ngừng việc tập thể, tranh chấp lao động trong năm 2022

Các cuộc ngừng việc tập thể xảy ra trong năm 2022 chủ yếu diễn ra tại các doanh nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, tập trung tại các tỉnh, thành phố lớn, thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Xảy ra 157 cuộc ngừng việc tập thể, tranh chấp lao động trong năm 2022 ảnh 1Đối thoại với công nhân ngừng việc tập thể. (Ảnh minh họa: Đức Phương/TTXVN)

Trong năm 2022 cả nước xảy ra 157 cuộc ngừng việc tập thể xuất phát từ quan hệ lao động, tăng 50 cuộc tương ứng hơn 46,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Đây là thông tin do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam công bố hôm nay 10/1.

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các cuộc ngừng việc tập thể xảy ra chủ yếu tại các doanh nghiệp khu vực FDI, tập trung tại các tỉnh, thành phố lớn, thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Mặc dù số cuộc ngừng việc tập thể trong cả năm tăng nhưng tính riêng trong 3 tháng cuối năm 2022 thì tình hình tranh chấp quan hệ lao động có chuyển biến tích cực với xu hướng giảm số cuộc ngừng việc. Trong quý 4/2022 cả nước chỉ xảy ra 18 cuộc ngừng việc tập thể, giảm 1 cuộc so với cùng kỳ năm 2021.

Để kịp thời nắm bắt tình hình quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng tổng hợp tình hình việc làm trong quý 4/2022 và đầu năm 2023. Theo báo cáo của các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương, tính từ tháng 9/2022 đến hết tháng 8/1/2023 đã có 1.300 doanh nghiệp (tại 50 tỉnh, thành phố) gặp khó khăn, bị cắt giảm đơn hàng nên phải giảm giờ làm của 546.835 người lao động.

[Đối thoại tại nơi làm việc chính là 'chìa khoá' để cân bằng lợi ích]

Số lao động bị giảm giờ làm hoặc đang ngừng việc có hưởng lương là 491.212 người, chiếm 89,82% tổng số người bị ảnh hưởng; tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương là 7.000 người, chiếm 1,28%, chấm dứt hợp đồng lao động với 48.623 người, chiếm 9% tổng số người bị ảnh hưởng.

Số lao động bị ảnh hưởng trên phần lớn ở các doanh nghiệp FDI (chiếm 75% tổng số lao động bị ảnh hưởng), tập trung trong 3 ngành dệt may, da giầy, chế biến gỗ (chiếm 77% tổng số lao động bị ảnh hưởng); chủ yếu ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam như Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang... (chiếm 70% tổng số người lao động bị ảnh hưởng của toàn quốc)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục