Xe buýt là 'nhánh xương cá' gom khách cho đường sắt Cát Linh-Hà Đông

Đường sắt Cát Linh-Hà Đông sẽ kết nối các tuyến xe buýt thế nào?

Khi đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đưa vào vận hành, khai thác, các tuyến xe buýt được ví như là những “nhánh xương cá” gom khách cho loại hình vận tải công cộng khối lượng lớn này.
Đường sắt Cát Linh-Hà Đông sẽ kết nối các tuyến xe buýt thế nào? ảnh 1Đoàn tàu Cát Linh-Hà Đông đang được vận hành chạy thử để sẵn sàng đưa vào khai thác trong quý 1/2021. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đang được vận hành chạy thử để chuẩn bị mọi công đoạn cuối cùng nhằm sẵn sàng khai thác thương mại vào quý 1/2021. Phía thành phố Hà Nội cũng đã lên các phương án kết nối giữa các tuyến buýt với loại hình vận tải công cộng khối lượng lớn này nhằm tăng năng lực vận chuyển hành khách.

Miễn phí 15 ngày cho người dân trải nghiệm

Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro), dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông bước vào giai đoạn chạy thử 20 ngày (từ ngày 12-31/12/2020) để đánh giá an toàn hệ thống, phục vụ công tác nghiệm thu, bàn giao.

Quá trình chạy thử này tuân thủ theo đúng biểu đồ vận hành chạy tàu khai thác thương mại với 287 lượt chạy tàu mỗi ngày, khung giờ cao điểm từ 5-6 phút/lượt; giờ bình thường 10 phút/lượt; bắt đầu vận hành từ 5 giờ đến 23 giờ hàng ngày.

“Đến nay, mọi việc diễn ra suôn sẻ, tuân thủ theo đúng các yêu cầu kỹ thuật. Tỷ lệ hoàn thành chuyến lượt đạt 100%, tỷ lệ đúng giờ đạt trên 99%. Sau khi tuyến chính thức vận hành thương mại, đơn vị sẽ chở khách miễn phí 15 ngày để tạo điều kiện cho người dân làm quen, trải nghiệm,” ông Ngọc thông tin.

[Photo] Đường sắt Cát Linh-Hà Đông vận hành thử trong 20 ngày]

Để sẵn sàng tiếp nhận và đưa vào vận hành phục, ông Ngọc cho biết Hanoi Metro cũng đã tập trung hoàn thiện bộ máy hoạt động, tuyển dụng, đào tạo nhân lực và in ấn các tài liệu hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ. Sở Giao thông Vận tải Hà Nội hoàn thành xây dựng các kịch bản kết nối hệ thống xe buýt với tuyến đường sắt đô thị; xây dựng phương án thẻ vé…

Về giá vé đường sắt đô thị, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã phê duyệt phương án giá vé và chia thành nhiều khung giá khác nhau.

Cụ thể, vé tháng có giá trị sử dụng 30 ngày kể từ ngày mua với 2 mức là 100.000 đồng/tháng (nhóm hành khách thuộc đối tượng ưu tiên theo quy định của thành phố) và 200.000 đồng/tháng (nhóm hành khách thông thường); vé ngày (30.000 đồng/vé, loại vé này không hạn chế số lần sử dụng dịch vụ trong một ngày); vé lượt tính theo chặng sử dụng, dao động từ 8.000-15.000 đồng/lượt tùy theo chặng. Trong đó, 7.000 đồng là giá mở cửa cộng thêm 600 đồng cho mỗi Km tiếp theo; 15.000 đồng là giá vé toàn tuyến.

Liên quan đến các hư hỏng xuống cấp tại các nhà ga, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết việc khắc phục các hư hỏng này thuộc trách nhiệm của Tổng thầu Trung Quốc thực hiện dự án. Hiện, Tổng thầu đang tiến hành rà soát trên toàn bộ 12 nhà ga dọc tuyến nhằm xác định các hư hỏng, xuống cấp để kịp thời khắc phục.

Với các hiện tượng lấn chiếm nhà ga làm chỗ đỗ xe, bán hàng, Ban Quản lý dự án đường sắt đã đề nghị chính quyền các địa phương nơi dự án đi qua tăng cường công tác tuyên truyền và hỗ trợ xử lý dứt điểm vi phạm, nhằm bảo đảm mỹ quan, chất lượng trước khi bàn giao cho thành phố quản lý, vận hành phục vụ nhân dân.

Xe buýt là "nhánh xương cá" để gom khách

Lãnh đạo Trung tâm Quản lý giao thông công công thành phố Hà Nội cho hay ngoài việc hợp lý hóa luồng tuyến buýt, Hà Nội cũng sẽ nghiên cứu bổ sung hàng nghìn điểm dừng xe buýt, phát triển thêm các điểm trung chuyển, tổ chức dịch vụ xe đạp công cộng… nhằm bảo đảm năng lực tổ chức kết nối với đường sắt đô thị để thu hút người dân dùng vận tải công cộng.

Theo đó, có 50 tuyến buýt được lên kế hoạch để trung chuyển khách đi tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông và lên các kịch bản kết nối giữa các tuyến buýt hiện hữu với đường sắt đô thị trên cao.

Đường sắt Cát Linh-Hà Đông sẽ kết nối các tuyến xe buýt thế nào? ảnh 2Khi vào hoạt động, đường sắt đô thị và xe buýt sẽ kết nối với nhau nhằm tạo thuận lợi cho hành khách tiếp cận và sử dụng dịch vụ vận tải công cộng. (Ảnh: Huy Hùng/Vietnam+)

Bên cạnh đó, Sở Giao thông Vận tải cũng đề xuất thực hiện bổ sung 17 điểm, di chuyển 9 điểm dừng xe buýt trên dọc lộ trình tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông. Sau khi tổ chức lại, toàn tuyến có tổng số 65 điểm dừng (2 chiều) với cự ly bình quân giữa các điểm dừng khoảng 400m; bổ sung thêm 14 nhà chờ xe buýt nâng tổng số điểm dừng có nhà chờ xe buýt lên 28 điểm để tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận dịch vụ dễ dàng.

[Hà Nội: Rà soát, bố trí thêm hàng nghìn điểm dừng xe buýt]

Mặt khác, Sở Giao thông Vận tải cũng đã tính toán đến phương án cần phảo bố trí khu vực tổ chức dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy để hành khách gửi xe chuyển sang sử dụng đường sắt đô thị này.

Lãnh đạo Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng thành phố Hà Nội cho biết nhằm bảo đảm mạng lưới vận tải hành khách công cộng tại Thủ đô được xuyên suốt, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng giao các đơn vị lên phương án vận hành xe buýt (tăng tần suất khai thác dọc tuyến, hợp lý hóa biểu đồ....) khi tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông trong trường hợp gặp sự cố./.

Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5km (từ Cát Linh đi Hà Đông) 12 nhà ga trên cao. Đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35km/giờ, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến.

Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông được khởi công vào tháng 10/2011 do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD (khoảng hơn 20.000 tỷ đồng).

Sau nhiều lần gia hạn vận hành, khai thác thương mại, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình triển khai dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh-Hà Đông vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã đặt mục tiêu cam kết sẽ đưa vào vận hành, khai thác tuyến này trong quý 1/2021.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục