Xe 'hết đát' nhởn nhơ, cán bộ đăng kiểm bị đánh, chính quyền làm ngơ?

Hàng trăm ngàn xe hết niên hạn sử dụng vẫn ngang nhiên chạy trên đường khi các cấp chính quyền địa phương, lực lượng chức năng chưa thực sự vào cuộc quyết liệt.
Xe 'hết đát' nhởn nhơ, cán bộ đăng kiểm bị đánh, chính quyền làm ngơ? ảnh 1Kiểm tra hệ thống gầm xe ôtô tại một trung tâm đăng kiểm xe cơ giới. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Hàng trăm ngàn xe hết niên hạn sử dụng (xe "hết đát") vẫn ngang nhiên chạy trên đường giống như những chiếc “quan tài bay” có thể cướp đi sinh mạng của người dân bất cứ lúc nào chính là từ ý thức từ chủ xe và sự vào cuộc chưa quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương, lực lượng chức năng trong việc xử lý xe “hết đát”.

Thản nhiên “ngao du” trên đường

Ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, hiện còn khá nhiều xe “hết đát” những vẫn tham gia giao thông, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông. Thông thường đây đều là các loại xe cũ nát không đủ tiêu chuẩn, kiểm định không đạt yêu cầu. Xe thường xuyên trốn đăng kiểm ở những năm cuối nên không thể kiểm soát tình trạng kỹ thuật.

Dẫn chứng, thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, hết năm 2016 ước tính toàn quốc có thêm 23.075 ôtô (gồm 20.068 xe tải và 3.007 xe chở người) hết niên hạn sử dụng. Trước đó, tính đến hết năm 2015 con số xe “hết đát” đã lên tới 139.500 chiếc.

Đặc điểm chung của các xe này theo nhìn nhận của lãnh đạo Cục Đăng kiểm là thường hoạt động ở trong một khu vực nhất định, đặc biệt là tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Đáng chú ý, có những xe hết niên hạn còn “lách” bằng cách chạy “chui” về ban đêm.

Ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, điều dễ nhận thấy là các xe hết niên hạn sử dụng hầu hết điều kiện kỹ thuật đều không đảm bảo nhưng vẫn tham gia lưu thông trên đường, nguy cơ gây tai nạn, mất an toàn giao thông rất cao.

“Thực tế chứng minh, suốt thời gian qua đã có nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra có liên quan tới xe hết niên hạn sử dụng, thậm chí có những vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng khiến nhiều người thương vong. Thậm chí, nhiều xe hết niên hạn sử dụng còn được dùng để chở hàng quá tải cũng góp phần cày xới mặt đường, tác động tiêu cực tới hạ tầng giao thông ở các địa phương,” ông Thái đánh giá.

Để chấn chỉnh và giảm thiểu tai nạn giao thông, Cục Đăng kiểm đã yêu cầu các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên cả nước cung cấp số liệu về xe hết niên hạn sử dung cho Phòng cảnh sát giao thông, Sở Giao thông Vận tải, Thanh tra giao thông các tỉnh/thành phố đồng thời chủ động phối hợp với các lực lượng tuần tra thực hiện kiểm tra liên ngành để kiểm soát trên đường, xử lý các chủ xe vi phạm, tịch thu phương tiện.

Bên cạnh đó, danh sách các xe “đắp chiếu” cũng được Cục Đăng kiểm thông tin rộng rãi tại địa chỉ www.vr.org.vn, mục “PT hết niên hạn SD” và “PT sắp hết niên hạn SD” nhằm phục vụ việc tra cứu của các cơ quan chức năng cũng như người dân.

Tuy nhiên, qua các đợt cao điểm kiểm tra, Cục phó Cục Đăng kiểm thừa nhận, đơn vị đăng kiểm không có chức năng cũng như chế tài xử lý xe hết “đát” mà chỉ có thể ghi nhận tình hình qua việc thống kê ghi lại biển số, hình ảnh xe chạy trên đường, sau đó gửi video, báo cáo cụ thể cho địa phương để đề nghị địa phương hỗ trợ thu hồi, xử lý xe.

“Có những vùng, khi cán bộ đăng kiểm làm công tác kiểm tra đã xảy ra xung đột, thậm chí bị tấn công từ các đối tượng sử dụng phương tiện ‘hết đát’ khiến công tác xử lý loại xe này gặp nhiều khó khăn,” ông Trí nhấn mạnh.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội bày tỏ quan điểm, các xe quá niên hạn trốn đăng kiểm và khi lưu thông trên đường thì việc nhận biết bằng mắt thường cũng khá dễ dàng nên không thể có chuyện xe chạy mà cơ quan chức năng không phát hiện, xử lý.

“Nguyên nhân mấu chốt là quản lý cấp địa phương thiếu chặt chẽ. Nếu khâu đăng kiểm không có vấn đề thì trách nhiệm thuộc về khâu tuần tra kiểm soát. Thậm chí, nhiều ý kiến cho rằng, nếu không tồn tại tiêu cực, làm ngơ thì không thể có các xe “quá đát” chạy nghênh ngang trên các tuyến đường, thậm chí gây ra những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng,” ông Liên phân tích thêm.

Quy trách nhiệm người đứng đầu

Theo đại diện các cơ quan chức năng, để siết xe “hết đát” phải kể tới ý thức trách nhiệm của chủ xe và chính quyền cấp địa phương chưa thực sự quyết liệt, thậm chí còn tình trạng cơ quan chức năng làm ngơ trước xe hết niên hạn sử dụng.

Ông Nguyễn Trọng Thái cho rằng, trách nhiệm người đứng đầu ở đây là phải quy tới tận cấp địa phương nhỏ nhất như xã, phường, rồi tới cấp huyện, cấp tỉnh bởi chính quyền cấp địa phương quản lý an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn nên đương nhiên sẽ nắm được tường tận hoạt động của các xe này.

“Thậm chí, chính quyền cấp xã còn nắm rõ được cụ thể xe hoạt động của gia đình nào trong xã. Nếu chính quyền cấp xã không xử lý được thỏa đáng thì phải báo cáo lên huyện để huyện nắm được thông tin, xử lý triệt để. Huyện không làm được dứt điểm thì tiếp tục báo cáo chính quyền cấp tỉnh,” vị Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia khẳng định.

Ngoài ra, theo ông Thái, khi gắn với trách nhiệm người đứng đầu chỉ cần nêu rõ chính quyền địa phương nào để xảy ra tình trạng xe hết niên hạn sử dụng tham gia giao thông thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm, không dám nể nang, lơ là trong quản lý.

Đặt câu hỏi đến việc xe “hết đát” đã bị “điểm mặt, chỉ tên” rõ ràng thế nhưng nhiều xe vẫn thoải mái tung hoành? Phải chăng việc xử lý quá khó khăn, không thể triệt để? ông Nguyễn Hữu Trí cho rằng, vấn nạn xe hết niên hạn mà vẫn tham gia giao thông hoàn toàn có thể được giải quyết tận gốc nếu có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của tất cả các Bộ, ngành, đặc biệt là cơ quan quản lý cấp địa phương và sự chung tay cùng vào cuộc của người dân trong cuộc chiến chống xe “hết đát” cũng rất quan trọng.

“Nếu mỗi người dân nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm, chủ động phối hợp, cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý thì hiệu quả quản lý các loại xe hết niên hạn sẽ được nâng lên rõ rệt,” ông Trí nói.

Liên quan đến Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị 29/CT-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác xử lý phương tiện giao thông đường bộ hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định, đại diện các cơ quan chức năng cho rằng, mỗi địa phương cũng cần xây dựng các kế hoạch rõ ràng, cụ thể như thời hạn hoàn thành kiểm tra, rà soát phương tiện ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã như thế nào? trong quá trình thực hiện, các lực lượng liên quan sẽ chịu trách nhiệm ra sao…

Thời gian tới, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông, tích cực đôn đốc, đề nghị Ban An toàn giao thông các địa phương phối hợp với cơ quan chức năng địa phương thực hiện tốt Chỉ thị 29 của Thủ tướng đồng thời tham gia đoàn kiểm tra liên ngành cấp địa phương (nếu có) để giải quyết vấn đề này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục