Xe hợp đồng ‘nở rộ’: Cơ quan Nhà nước cần quản lý hay phải cấm?

Các chuyên gia cho rằng cơ quan quản lý Nhà nước nên có nghiên cứu để định danh cho hình thức kinh doanh xe hợp đồng sao cho phù hợp, đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện cho hành khách.

Xe hợp đồng đón trả khách ngay trước cổng khu vực Bến xe Mỹ Đình. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Xe hợp đồng đón trả khách ngay trước cổng khu vực Bến xe Mỹ Đình. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Với việc gia tăng nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng, xe hợp đồng đang được người dân đón nhận bởi thuận tiện đi lại, mức giá phù hợp khả năng chi trả.

Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều tranh cãi về khái niệm, quy định hoạt động của loại xe này. Trong khi cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng chức năng vẫn đang loay hoay trong quản lý, xử lý các phương tiện này, nhiều doanh nghiệp, đơn vị vận tải cũng trăn trở về mô hình hoạt động.

Cần phải có định danh rõ ràng loại hình

Tại buổi Tọa đàm "Ứng xử thế nào với xe hợp đồng?" do Báo Giao thông tổ chức chiều 13/6, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cho biết vận tải khách theo hợp đồng đáp ứng nhu cầu về chất lượng dịch vụ ngày càng cao của hành khách nên loại hình dịch vụ này phát triển rất mạnh trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên, ông Quyền cũng nhìn nhận hiện quản lý tuyến cố định quá chặt chẽ trong khi quản lý với xe hợp đồng còn quá lỏng lẻo, chưa thực sự bình đẳng. Ngoài ra, một số người cũng lo ngại liệu những người hoạt động theo xe hợp đồng đã đóng thuế có đầy đủ hay không?

Từ đó, ông Quyền cho rằng cơ quan quản lý Nhà nước nên có nghiên cứu để định danh cho hình thức kinh doanh này sao cho phù hợp, nên đưa loại hình kinh doanh này vào khuôn khổ pháp lý để quản lý, tạo điều kiện cho ngành vận tải phát triển theo hướng ngày một nâng cao chất lượng dịch vụ.

Đồng tình với quan điểm này, ông Đỗ Văn Bằng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng cho rằng xe hợp đồng phát triển cả về số lượng, chất lượng phục vụ. Vì vậy, các cơ quan quản lý cần đưa ra các đánh giá cụ thể. Những gì chưa theo kịp sự phát triển thì nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách quản lý, trên tinh thần “quản chứ không cấm” để ủng hộ doanh nghiệp phát triển.

Về ý kiến cho rằng việc gia tăng nhanh số lượng xe hợp đồng làm trầm trọng thêm việc ùn tắc giao thông, ông Lê Ngọc Nam, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn X.E Việt Nam khẳng định xe hợp đồng cũng như những loại phương tiện khác khi tham gia giao thông đều có thể là tác nhân gây ra tình trạng ùn tắc. Nếu nói xe hợp đồng là nguyên nhân chính thì chưa đúng bởi loại phương tiện này chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số phương tiện tham gia giao thông trên đường.

Ông Nam cũng chỉ ra nguyên nhân xe hợp đồng thường xuyên đón trả khách ở khu vực nội thành là do khách hàng có khuynh hướng được đón trả tận nơi nên các doanh nghiệp phát sinh dịch vụ đưa đón khách.

Nam hang xe XE.jpg
Ông Lê Ngọc Nam, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn X.E Việt Nam. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Mặt khác, trong Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định: “xe hợp đồng không được trả khách thường xuyên tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, tại một điểm cố định do đơn vị kinh doanh thuê hoặc hợp tác kinh doanh,” do đó doanh nghiệp giải quyết bằng cách cho xe đón trả khách chạy lòng vòng, đón trả tự do trong nội đô.

“Đây là điều mà các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ xe hợp đồng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải, các ban ngành xem xét, điều chỉnh, sửa đổi vướng mắc này tại khi ban hành Nghị định 41,” ông Nam nói.

Ông Nam đề xuất nghiên cứu đưa ra tiêu chí, tiêu chuẩn xây dựng điểm đón trả khách để doanh nghiệp phục vụ cho chính họ hoặc các đơn vị liên kết và chịu trách nhiệm trước pháp luật, từ đó vừa giải quyết được cái khó của doanh nghiệp đồng thời cơ quan quản lý kiểm soát được mật độ xe về trật tự đô thị, an toàn giao thông.

Có công cụ giám sát, không thể trốn thuế

Trước ý kiến xe hợp đồng không phát hành vé, không vào bến xe hợp đồng đang có dấu hiệu “trốn thuế”, ông Nam khẳng định việc có phát hành vé hay không không phản ánh doanh nghiệp có nộp thuế hay không. Doanh nghiệp kê khai trung thực, xuất hoá đơn, nộp đủ các khoản thuế thì không thể nói họ trốn thuế.

Với năng lực của ngành thuế, cùng sự chuyển đổi số hiện nay, hay các công cụ giám sát hành trình, camera… ông Nam quả quyết doanh nghiệp muốn trốn thuế cũng không trốn được.

Nhìn nhận trong quá trình quản lý cố gắng tìm mọi cách thu đủ, thu đúng và kịp thời, theo bà Lê Thu Mai, Phó Vụ trưởng Vụ kê khai và kế toán thuế (Tổng cục Thuế-Bộ Tài chính), với doanh nghiệp vận tải thì quản lý bằng cách xác định đối tượng, số lượng đối tượng được cấp phép và các loại hình dịch vụ.

Để tránh việc mất khả năng kiểm soát và thất thu thuế, bà Mai cho rằng phải xác định đối tượng xe hợp đồng có cơ hội tránh kê khai doanh thu như với xe gia đình (không cần hoá đơn). Trường hợp này, cơ quan thuế xác định hiện nay các loại xe thực hiện dịch vụ vận tải đều phải gắn thiết bị giám sát hành trình, xác định số km và giám sát điểm đầu, điểm cuối của xe.

“Chúng tôi rất cần các thông tin trên để quản lý quãng đường xe chạy, từ đó 'đấu tranh' để có thể xác định đúng nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp. Việc số hoá các hoạt động tại doanh nghiệp giúp các bên dễ dàng thực hiện đúng, đủ nghĩa vụ thuế,” bà Mai nói.

ba Mai 1.jpg
Bà Lê Thu Mai, Phó Vụ trưởng Vụ kê khai và kế toán thuế, Tổng cục Thuế. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Dưới góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết sau khi Luật Đường bộ và Luật Trật tự An toàn giao thông được thông qua, các quy định sẽ tiếp tục được thay đổi và điều chỉnh theo hướng quản lý chặt chẽ hơn, tạo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch cho các loại hình kinh doanh vận tải, tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý trong quá trình kiểm tra vi phạm.

“Cùng với đó, khi các văn bản có hiệu lực, cơ quan quản lý Nhà nước cũng khuyến khích các doanh nghiệp, cơ quan quản lý ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, xử lý các xe không tuân thủ quy định của pháp luật,” ông Hoàng Anh nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục