Ngày 7/8, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Cục đăng kiểm Việt Nam và các Trung tâm, Chi cục Đăng kiểm địa phương với phần luật sư bào chữa cho các bị cáo và các bị cáo tự bào chữa với quan điểm luận tội của Viện kiểm sát.
Bị cáo Trần Kỳ Hình, cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, bị cáo buộc nhận hối lộ hơn 6,5 tỷ đồng và 23.000 USD để bỏ qua sai phạm trong việc cấp phép đủ điều kiện hoạt động Trung tâm Đăng kiểm, sai phạm trong quá trình kiểm định phương tiện.
Ngoài ra, bị cáo Hình còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định để duyệt cấp thông báo đủ năng lực cho 63 cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện theo quy định, làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các chi cục đăng kiểm và Cục đăng kiểm Việt Nam.
Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị mức án 18-19 năm tù về tội “Nhận hối lộ,” 5-6 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” cho bị cáo Trần Kỳ Hình; tổng hợp hình phạt bị cáo phải chấp hành là 23-25 năm tù.
Bào chữa cho bị cáo Trần Kỳ Hình, luật sư Kiều Đại Bằng cho rằng mức án Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị với bị cáo là "quá nặng."
Theo luật sư Kiều Đại Bằng, cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát “đang nhầm lẫn” về số tiền quy kết đối với bị cáo Hình. Tổng số tiền các trung tâm đăng kiểm, phòng nghiệp vụ đưa cho Hình chỉ hơn 2,8 tỷ đồng chứ không phải hơn 6,5 tỷ đồng và 23.000 USD như trong cáo trạng.
Luật sư Kiều Đại Bằng cũng cho rằng lời khai của bị cáo Trần Lập Nghĩa (cựu Giám đốc các Trung tâm đăng kiểm 62-03D-Long An; 71-02D-Bến Tre; 83-02D-Sóc Trăng) về việc đưa hối lộ cho Hình có nhiều mâu thuẫn, “không có căn cứ chứng minh, chỉ là phỏng đoán,” đề nghị tòa xem lại.
Theo đó, trong quá trình thẩm vấn, Nghĩa khai trong khoảng thời gian từ tháng 8/2021 đến 12/2022, khi trung tâm đăng kiểm tại tỉnh Sóc Trăng hoạt động được 6 tháng, bắt đầu chung chi cho các bị cáo Trần Kỳ Hình, Đặng Việt Hà mỗi tháng 40-50 triệu đồng; cứ 2-3 tháng, Nghĩa sẽ ra Hà Nội một lần để gửi tiền cho Hình và Hà ngay tại phòng làm việc của các bị cáo.
Tuy nhiên, theo luật sư, thời điểm đó các trung tâm của bị cáo Nghĩa phần lớn mới thành lập, chưa hoạt động được bao lâu. Chưa kể, có thời gian dịch COVID-19 kéo dài gần 2 năm. Vì thế Nghĩa nói 3 tháng một lần ra Hà Nội đưa tiền là không đúng với thực tế.
Luật sư Kiều Đại Bằng cho rằng có sự nhầm lẫn trong cáo buộc của Viện Kiểm sát về việc bị cáo Trần Kỳ Hình cấp duyệt cho 63 cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện hoạt động vì bị cáo chỉ duyệt cho 42 cơ sở, đề nghị tòa xem lại. Hơn nữa, trong giai đoạn bị cáo Hình quản lý lĩnh vực tàu sông, việc cấp duyệt cho các cơ sở hoạt động dựa trên tờ trình của cán bộ chuyên trách cấp dưới nên cáo buộc bị cáo lợi dụng chức vụ quyền hạn là không đúng.
Luật sư cũng nêu bị cáo Trần Kỳ Hình có nhiều tình tiết giảm nhẹ như tự nguyện khắc phục gần như toàn bộ số tiền hưởng lợi 2,85 tỷ đồng và 12.000 USD; có nhân thân tốt. Trên cơ sở đó, luật sư đề nghị Hội đồng Xét xử xem xét toàn diện thiệt hại của vụ án và xem xét bị cáo không phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ,” đồng thời giảm nhẹ án phạt cho bị cáo.
Tự bào chữa, bị cáo Trần Kỳ Hình cho rằng hành vi sai phạm của mình không đến mức như Viện Kiểm sát quy kết là “buông lỏng quản lý, biết sai phạm mà không chấn chỉnh, biết các đơn vị nhận hối lộ mà vẫn nhận.”
Bị cáo Trần Kỳ Hình cho biết cho đến thời điểm hiện tại, tất cả giám đốc trung tâm đăng kiểm và Trưởng phòng kiểm định xe cơ giới (VAR) đều không có lời khai nói bị cáo là người chỉ đạo, biết cấp dưới nhận hối lộ mà vẫn nhận tiền từ họ; cũng chưa có lời khai nào khẳng định bị cáo nhận hối lộ số tiền nhiều như lời khai của bị cáo Trần Lập Nghĩa.
Bản thân bị cáo Hình trong quá trình thẩm vấn của cơ quan điều tra cũng khai rõ số tiền nhận hối lộ là hơn 2,85 tỷ và 12.000 USD nhưng Viện Kiểm sát cáo buộc lên tới hơn 6,5 tỷ đồng và 23.000 USD.
Đối với cáo buộc lợi dụng chức vụ quyền hạn trong việc duyệt cấp đủ năng lực cho các cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện, bị cáo Hình thừa nhận trên thực tế, các xưởng này của người dân sống gắn liền với nghề lúa, ra đời và hoạt động từ xưa, nên khó đáp ứng đủ điều kiện hoạt động theo quy chuẩn, nhưng nhiều năm nay, họ đã và đang hoạt động, phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của người dân. Vì các xưởng trên hoạt động với lòng hăng hái của những người gắn bó cả đời với sông nước nên bị cáo đã cấp duyệt, dẫn tới vô tình sai phạm các quy định của luật mới được ban hành sau này.
Bị cáo Hình nói chỉ “vô tình phạm tội” chứ không cố ý lợi dụng chức vụ quyền hạn để hưởng lợi. Bị cáo không biện minh cho hành vi của mình, nhưng mong Hội đồng Xét xử thấu hiểu.
Bị cáo Đặng Việt Hà, cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam (được bổ nhiệm sau khi Trần Kỳ Hình nghỉ hưu) bị đề nghị mức án 20 năm tù về tội “Nhận hối lộ” vì đã buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra giám sát để các phòng trực thuộc Cục Đăng kiểm, Trung tâm Đăng kiểm, Chi cục Đăng kiểm trên cả nước xảy ra sai phạm, tiêu cực có hệ thống trong suốt thời gian dài.
Khi phát hiện, bị cáo Hà không chấn chỉnh, xử lý mà “vì vụ lợi cá nhân” tiếp tục đưa ra các chủ trương, chỉ đạo cán bộ Phòng kiểm định xe cơ giới, các Trung tâm Đăng kiểm nhận hối lộ. Bào chữa cho bị cáo Hà, các luật sư cũng cho rằng mức án Viện Kiểm sát đề nghị cho bị cáo là quá cao.
Theo các luật sư, bị cáo Hà được bổ nhiệm làm Cục trưởng vào ngày 1/8/2021, thời điểm tình hình tham nhũng, tiêu cực tại ngành Giao thông Vận tải đang diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng tới những cố gắng của ngành nên bị cáo gặp nhiều khó khăn trong việc nắm bắt, chỉ đạo, điều hành.
Trong quá trình xét xử, bị cáo Trần Anh Quân, cựu quyền Trưởng phòng kiểm định xe cơ giới (VAR) cũng khai nhận, bị cáo Hà không chỉ đạo bằng văn bản buộc chung chi tiền hối lộ mà do Quân tự quyết định chi cho bị cáo.
Lời khai của các giám đốc trung tâm đăng kiểm cũng xác định, bị cáo Hà không chỉ đạo, ép buộc các trung tâm đăng kiểm chung chi tiền hoặc gây khó khăn; việc đưa hối lộ cho Hà là hoàn toàn tự nguyện.
Tại tòa, bị cáo Hà bày tỏ ăn năn hối hận, thừa nhận hành vi nhận hối lộ cũng như nhận trách nhiệm với vai trò là người đứng đầu. Bị cáo đã nhờ gia đình nộp toàn bộ số tiền hưởng lợi là 8,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, bị cáo Hà cũng có các tình tiết giảm nhẹ khác như: Có nhiều đóng góp chung cho Cục Đăng kiểm, được tặng nhiều bằng khen, giấy khen về các đóng góp cho ngành, gia đình có công với cách mạng... Đồng tình với quan điểm của các luật sư, bị cáo Đặng Việt Hà không bào chữa thêm.
Bào chữa cho nhóm bị cáo là cựu Phó trưởng Phòng Kiểm định xe cơ giới (VAR) gồm Đặng Trần Khanh, Nguyễn Đức Toàn và Trịnh Bình Dương, các luật sư đề nghị xem xét trách nhiệm của các bị cáo về tổng số tiền mà Phòng VAR đã nhận vì các bị cáo không biết chủ trương, không được bàn bạc.
Các luật sư cũng trình bày thêm các tình tiết giảm nhẹ như đã nộp lại tiền, có nhiều thành tích trong công tác, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra trong quá trình giải quyết vụ án... Riêng với bị cáo Trịnh Bình Dương, luật sư cho rằng đề nghị tuyên phạt 18-20 năm tù của Viện kiểm sát là quá nghiêm khắc.
Theo luật sư, bị cáo Dương không được phân công phụ trách mảng thẩm định thiết kế cải tạo xe cơ giới. Đồng thời, người phụ trách mảng này lại là cấp trên trực tiếp, do vậy, bị cáo Dương có vai trò hết sức thụ động.
Bị cáo Dương cũng như các bị cáo phó phòng khác hoàn toàn không có bất kỳ ý kiến gì mà để cho bị cáo Trần Anh Quân (cựu Quyền Trưởng phòng và là người phụ trách công tác thẩm định thiết kế cải tạo xe cơ giới) chủ trương thực hiện mức phân bổ tiền cũng như thực hiện triển khai đến đăng kiểm viên như diễn biến kết luận điều tra và bản luận tội đã công bố.
Luật sư đề nghị Hội đồng Xét xử áp dụng các tình tiết giảm nhẹ quy định tại Bộ luật Hình sự cùng chính sách khoan hồng đặc biệt tại Điều 5 Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao để cho bị cáo Trịnh Bình Dương được hưởng mức án thấp nhất của khung hình phạt nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật quy định./.
Hai cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam bị đề nghị 20-25 năm tù
Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Hội đồng Xét xử tuyên phạt bị cáo Đặng Việt Hà - cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam mức án 20 năm tù về tội “nhận hối lộ."