Xét xử vụ án tại PVEP: Đề nghị mức án tù đối với 3 bị cáo

Theo đại diện Viện Kiểm sát, 3 bị cáo đều nhận thức rõ nguồn tiền nhận được không phải là tiền của các cá nhân nhưng sau khi nhận tiền họ đều không kê khai mà dùng để chi tiêu cho mục đích cá nhân.
Xét xử vụ án tại PVEP: Đề nghị mức án tù đối với 3 bị cáo ảnh 1Các bị cáo Vũ Thị Ngọc Lan, Đỗ Văn Khạnh và Nguyễn Tuấn Hùng tại phiên tòa. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Sáng 31/5, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Tổng Công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) được Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục với phần tranh tụng.

Đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa đã trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với ba bị cáo. Trong đó nhấn mạnh các bị cáo đều nhận thức và biết rõ được rằng nguồn tiền nhận được là từ đâu; và nếu các bị cáo không phải là những người quyết định hay ảnh hưởng đến việc ủng hộ sử dụng dịch vụ gửi tiền tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank) chi nhánh Thăng Long thì sẽ không được đưa cho số tiền đó.

Cụ thể, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt ba bị cáo: Nguyễn Tuấn Hùng (sinh năm 1971, nguyên Trưởng ban Tài chính PVEP) từ 15-16 năm tù, Đỗ Văn Khạnh (sinh năm 1961, nguyên Tổng Giám đốc PVEP, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí - PVD) từ 3-4 năm tù, Vũ Thị Ngọc Lan (sinh năm 1973, nguyên Phó Tổng Giám đốc PVEP) từ 18-24 tháng tù về cùng tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 355 - Bộ luật Hình sự năm 2015.

[Mở lại phiên xử vụ lạm dụng chức vụ, quyền hạn tại PVEP]

Công tố viên nhận định hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, đã xâm hại trực tiếp đến quy định của Nhà nước, của pháp luật về quản lý kinh tế; xâm hại đến hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước, xâm phạm quyền sở hữu tài sản của Nhà nước.

Các bị cáo đều là những người có chức vụ quyền hạn tại PVEP, có quá trình rèn luyện, phấn đấu, được đào tạo bài bản, chuyên sâu, có nghiệp vụ chuyên môn vững vàng.

Đáng lẽ các bị cáo phải là những người tiên phong, đi đầu, nắm vững và tuân thủ pháp luật, để đưa PVEP phát triển, góp phần thúc đẩy cho sự phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam, xây dựng đất nước. Trái lại, các bị cáo đã vì mục đích tư lợi cá nhân mà không tuân thủ các quy định của Nhà nước, không chấp hành pháp luật để nhận tiền chi lãi ngoài do hành vi Cố ý làm trái của Hà Văn Thắm, Nguyễn Thị Minh Phương, Nguyễn Trà My... tại OceanBank.

Xét xử vụ án tại PVEP: Đề nghị mức án tù đối với 3 bị cáo ảnh 2Bị án Nguyễn Xuân Sơn - cựu Tổng giám đốc Oceanbank đang chấp hành án tại trại giam được triệu tập đến phiên tòa. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Các bị cáo đều nhận thức và biết rõ được rằng nguồn tiền nhận được đều không phải là tiền của các cá nhân, và nếu các bị cáo không phải là những người quyết định hay ảnh hưởng đến việc ủng hộ sử dụng dịch vụ gửi tiền tại OceanBank chi nhánh Thăng Long thì sẽ không được đưa cho số tiền đó. Sau khi nhận tiền, các bị cáo đều không kê khai hạch toán báo cáo vào đơn vị mà dùng để chi tiêu cho mục đích cá nhân.

Hành vi nhận tiền chi lãi ngoài của các bị cáo đã làm ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội, gây bức xúc trong dư luận. Vì vậy, việc đưa vụ án ra xét xử đối với các bị cáo thể hiện việc kiên quyết đấu tranh phòng chống tội phạm của Đảng và Nhà nước. Pháp luật không có vùng cấm, bất cứ ai, dù ở cương vị nào, nếu vi phạm pháp luật đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, đại diện Viện Kiểm sát cũng đề nghị Hội đồng xét xử cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ để xem xét giảm mức án dưới khung hình phạt cho các bị cáo.

Bị cáo Nguyễn Tuấn Hùng khai báo thành khẩn, lý lịch nhân thân tốt, được tặng thưởng nhiều Bằng khen trong quá trình công tác, đã có ý thức khắc phục một phần hậu quả.

Bị cáo Đỗ Văn Khạnh có lý lịch nhân thân tốt, gia đình có truyền thống cách mạng, có nhiều thành tích trong quá trình công tác, đang mắc bệnh hiểm nghèo, được PVEP đánh giá cao những cống hiến và người dân ở quê hương Thái Bình quý mến, viết đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Bị cáo Vũ Thị Ngọc Lan đã tự nguyện khắc phục toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt là 200 triệu đồng từ trước khi bị khởi tố, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, có nhiều thành tích trong công tác...

Xét xử vụ án tại PVEP: Đề nghị mức án tù đối với 3 bị cáo ảnh 3Bị cáo Nguyễn Tuấn Hùng, nguyên Trưởng ban Tài chính PVEP, khai báo tại phiên tòa. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Trong phần luận tội, kiểm sát viên đánh giá, quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, bị cáo Hùng khai nhận tiền lãi ngoài hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn từ Nguyễn Thị Minh Phương (nguyên Phó Tổng Giám đốc OceanBank) 15 lần với tổng số tiền 27,9 tỷ đồng vào các ngày và địa điểm nhận tiền giống như lời khai của Phương.

Tuy nhiên, trong một số lần cụ thể lại không phù hợp về số tiền mà Phương khai đã đưa. Cụ thể, Hùng khai nhận tiền có bảng kê, nhưng bảng kê đó chỉ có số tiền là trên 27 tỷ đồng, những ngày Phương đưa số tiền lãi ngoài hợp đồng của 2 tháng thì bị cáo Hùng chỉ nhận 1 tháng.

Số tiền đưa 1 tháng mà trên 3 tỷ đồng thi Hùng chỉ nhận 2,5 tỷ đồng, nhưng bị cáo Hùng không lý giải được vì sao lại chỉ nhận có 2,5 tỷ đồng.

Bảng kê về số tiền của Minh Phương đưa cho Hùng phù hợp với tài liệu chứng từ theo dõi về nguồn tiền chi lãi ngoài cho các đơn vị (trong đó có PVEP) do OceanBank cung cấp. Do vậy, Viện Kiểm sát khẳng định có đủ cơ sở để kết luận bị cáo Hùng nhận từ Minh Phương 15 lần với số tiền hơn 40 tỷ đồng. Đồng thời, không chấp nhận lời khai của bị cáo Hùng chỉ nhận cầm 27,9 tỷ đồng từ Minh Phương.

Trong phần xét hỏi, luật sư bào chữa của bị cáo Nguyễn Tuấn Hùng trình bày về việc quá trình truy tố, kiểm sát viên tiến hành phúc cung bị cáo Hùng, bị cáo Hùng đề nghị luật sư cùng tham gia nhưng không được kiểm sát viên chấp nhận.

Về nội dung này, kiểm sát viên đã đưa ra bản hỏi cung do kiểm sát viên trực tiếp hỏi. Trong đó, bị cáo Hùng không trình bày về nội dung đề nghị của bị cáo về việc có luật sư tham gia. Giai đoạn truy tố, Viện Kiểm sát cũng không nhận được bất cứ đơn đề nghị nào của bị cáo đề nghị được gặp luật sư. Bản thân bị cáo cũng như luật sư không cung cấp được tài liệu gì thể hiện về lời khai của bị cáo Hùng. Do vậy, Viện Kiểm sát nhận thấy lời khai của bị cáo Hùng về nội dung này là không có căn cứ.

Đối với nội dung bị cáo Hùng khai việc nhận tiền và chi lãi ngoài là do Vũ Thị Ngọc Lan chỉ đạo, việc chỉ đạo bằng miệng, không có văn bản, không có người chứng kiến, ngoài lời khai ra thì bị cáo Hùng không cung cấp được chứng cứ gì khác để chứng minh.

Tại phiên tòa, bị cáo Lan khẳng định không chỉ đạo Hùng về việc nhận tiền lãi ngoài của OceanBank, Lan chỉ chỉ đạo về hoạt động nghiệp vụ liên quan đến ký hợp đồng tiền gửi và các dịch vụ sử dụng tại OceanBank.

Xét xử vụ án tại PVEP: Đề nghị mức án tù đối với 3 bị cáo ảnh 4Bị cáo Đỗ Văn Khạnh, nguyên Tổng Giám đốc PVEP, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị PVD, khai báo tại phiên tòa. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Bị cáo Đỗ Văn Khạnh cũng khẳng định không chỉ đạo Lan, Hùng và Lan, Hùng cũng không báo cáo bị cáo Khạnh về nội dung nhận tiền, sử dụng tiền chi lãi ngoài của OceanBank.

Về phía OceanBank, Nguyễn Minh Thu (nguyên Tổng Giám đốc), Nguyễn Thị Minh Phương (nguyên Phó Tổng Giám đốc) cũng khẳng định không trao đổi và bàn bạc gì với Vũ Thị Ngọc Lan về nội dung chăm sóc khách hàng của OceanBank. Minh Phương chỉ trao đổi với Nguyễn Tuấn Hùng về việc OceanBank chăm sóc khách hàng và Phương là người trực tiếp đưa tiền cho Hùng. Còn Hùng có báo cáo lại Lan hay không thì Phương không biết.

Trên cơ sở đó, đại diện Viện Kiểm sát xác định không có cơ sở để kết luận bị cáo Vũ Thị Ngọc Lan chỉ đạo Nguyễn Tuấn Hùng nhận tiền chăm sóc khách hàng từ OceanBank.

Chiều 31/5, phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục