Xô lệch gối cầu vành đai 3: Chưa làm tốt duy tu, bảo dưỡng định kỳ

Khi gối cầu đường vành đai 3 trên cao bị xô lệch, các gối còn lại sẽ phải chịu lực lớn hơn nên có thể hỏng sớm. Vì thế, đơn vị quản lý tuyến đường cần phải duy tu, bảo dưỡng theo đúng định kỳ.

Liên quan đến việc xô lệch hàng chục gối cầu đường vành đai 3 trên cao, theo đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước và chuyên gia giao thông, công tác duy tu bảo dưỡng định kỳ kiểm tra làm chưa tốt đã dẫn đến những hỏng hóc này.

Gối cầu “tuổi đời” chưa cao nhưng lại hỏng quá nhanh

Phó giáo sư, tiến sỹ Bùi Xuân Cậy, nguyên Trưởng khoa Công trình (Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội), cho biết tải trọng và lượng phương tiện trên cầu đường vành đai 3 lưu thông lớn, xe phanh nhiều cũng có khả năng gây nên xô lệch đệm gối cầu, đó là điều bình thường.

“Do gối cầu làm bằng cao su nên phải thường xuyên duy tu bảo dưỡng theo đúng định kỳ. Trong trường hợp các gối hỏng sẽ bắt buộc phải thay thế nhưng cũng rất đơn giản bằng cách kích dầm cầu lên và chỉnh lại gối về vị trí cũ sẽ đảm bảo công trình,” ông Cậy cho hay.

Theo ông Nguyễn Ngọc Long, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Cầu đường Việt Nam, gối cầu được làm bằng cao su, có định kỳ thời gian duy tu bảo dưỡng hoặc thay thế theo niên hạn sử dụng.

“Gối cao su bình thường có tuổi đời sử dụng từ 20-25 năm, trong khi tuyến đường được đưa vào khai thác sau 8 năm (từ tháng 10/2012) đã bị hỏng là quá nhanh. Dự án đã được bàn giao cho thành phố Hà Nội nhưng với vai trò cơ quan quản lý có thẩm quyền, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cần có yêu cầu Ban Thăng Long có trách nhiệm nghiên cứu, phân tích đánh giá nguyên nhân gì gây hư hỏng hay sản phẩm của các gối cầu bằng cao su này liệu có đạt chuẩn?,” ông Long đưa ra câu hỏi.

[Hà Nội khẩn cấp sửa chữa xô lệch gối cầu đường vành đai 3 trên cao]

Ông Long cũng bày tỏ quan điểm băn khoăn về việc Ban Quản lý dự án Thăng Long là cơ quan đại diện Nhà nước có thẩm quyền (chủ đầu tư) của dự án trước kia cần rà soát lại tất cả các quy định thủ tục trong hồ sơ mời thầu công bố gối nhập nhà sản xuất nước nào? Khi cung cấp sản phẩm đa phần đạt chuẩn thì trách nhiệm ở đây là theo tiêu chuẩn kỹ thuật sử dụng niên hạn.

“Dầm cầu đặt lên trên gối cầu không xê dịch nhưng gối cầu đưa vào sử dụng 8 năm đã hỏng thì nhà sản xuất phải báo cáo về trách nhiệm việc thực hiện dự án,” vị Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Cầu đường Việt Nam cho hay.

Là chủ đầu tư dự án trước khi bàn giao về Hà Nội quản lý, ông Phạm Thanh Bình, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long cho biết, đơn vị quản lý khai thác [Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội)-PV] có trách nhiệm định kỳ kiểm tra các gối cầu này.

Ông Bình cũng quả quyết các gối cầu được lắp đặt theo đúng tiêu chuẩn đảm bảo và đã được nghiệm thu khi dự án hoàn thành. Khi gối cầu bị xô lệch, các gối còn lại sẽ phải chịu lực lớn hơn nên có thể hỏng sớm.

“Công tác duy tu bảo dưỡng tuyến đường cần phải chấn chỉnh, không phải xô lệch các gối cầu thì vất bỏ đi mà sẽ chỉ thay thế các gối không thể khắc phục việc bảo dưỡng, sửa chữa,” ông Bình nhìn nhận.

Kiểm định, lập dự án sửa chữa

Dưới vai trò đơn vị quản lý, khai thác, đại diện Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) chỉ ra nguyên nhân do các gối cầu bị xô lệch, không tiếp xúc với dáy dầm dẫn đến đáy dầm tiếp xúc với thớt kê gối (hiện nay đã được chêm chèm tạm bằng gỗ, cao su) đã tạo ra xung lực tác dụng lên đáy dầm gây nguy cơ nứt, vỡ, hư hỏng dầm cầu, làm giảm tuổi thọ khai thác của cầu mỗi khi xe chạy qua.

Mặt khác, các gối cầu bị xô lệch ra khỏi thớt kê gối dẫn đến các đầu dầm và mặt đường tại khu vực khe con giãn phía cầu Mai Dịch tại vị trí trụ T50 đã bị lún võng trung bình 3-4cm. Do đó, việc sửa chữa khắc phục sự xô lệch các gối cầu trên trụ T50 và T91 là rất cần thiết và cấp bách.

Trước mắt, Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông đề nghị thay thế khẩn cấp toàn bộ 10 gối cầu trên đơn nguyên phía bên phải (theo chiều từ cầu Thanh Trì đi Mai Dịch) của trụ T50 và 10 gối cầu cao su cốt bản thép của trụ T91 bằng gối cầu mới.

Về lâu dài, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho phép thực hiện công tác kiểm định, đánh giá toàn bộ các hư hỏng trên tuyến đường vành đai 3 trên cao, trên cơ sở đó lập dự án sửa chữa các khe co giãn, gối cầu để bảo đảm an toàn giao thông.

[Đầu tư tuyến kết nối đường Pháp Vân-Cầu Giẽ với vành đai 3 của Hà Nội]

Theo báo cáo của Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội), tuyến đường vành đai 3 trên cao đoạn từ Pháp Vân đến Mai Dịch có điểm đầu là cầu cạn nút giao Pháp Vân, điểm cuối nút giao Mai Dịch, có tổng chiều dài 11.483m.

Trên toàn tuyến có 403 trụ, 7.140 gối cầu. Qua kiểm tra, khảo sát có khoảng 52 gối cầu có hiện tượng bị xô lệch, tiếp xúc kém với đáy dầm và thớt kê gối trong đó đặc biệt là các gối cầu trên trụ T50 và T91.

Ngoài ra, trên tuyến có khoảng 88/176 khe co giãn có hiện tượng bị hư hỏng, vỡ bê tông khe co giãn, thanh ray bị vênh, cao su khe co giãn bị rách, không êm thuận.

Để khắc phục sự cố xô lệch gối cầu, ngày 15/2 vừa qua, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã thực hiện phương án phân luồng, tổ chức giao thông trên tuyến đường vành đai 3 trên cao, đoạn cầu Dậu-cầu Mai Dịch phục vụ thi công sửa chữa, thay thế khe co giãn.

Phương án phân luồng, tổ chức giao thông này áp dụng cho đến ngày 25/4, việc thi công chỉ được thực hiện vào ban đêm (từ 22 giờ hôm trước đến 5 giờ hôm sau).

Để thay thế, sửa chữa, các nhà thầu tổ chức rào chắn 1/2 mặt đường theo một chiều tại vị trí thi công; sử dụng 1/2 mặt đường còn lại để phân luồng bảo đảm an toàn giao thông cho các phương tiện.

Cùng với đó, các đơn vị bố trí đầy đủ barie, cọc tiêu, biển báo và đèn tín hiệu trên đoạn thi công; bố trí người hướng dẫn phân luồng giao thông cục bộ tại vị trí thi công; lắp đặt biển báo phân luồng từ xa cho các phương tiện tại các lối lên, xuống ở các nút giao Mai Dịch-Phạm Hùng, Trần Duy Hưng-Đại lộ Thăng Long, Nguyễn Trãi-Khuất Duy Tiến./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục