Xử lý xâm hại tình dục trẻ em: Trách nhiệm không của riêng ai

Dâm ô trẻ em liên quan đến nhiều yếu tố trong đó có hành lang pháp lý, nhưng nó cũng có những vấn đề liên quan đến chuẩn mực xã hội và đang rất cần được các ngành quan tâm giải quyết.
Xử lý xâm hại tình dục trẻ em: Trách nhiệm không của riêng ai ảnh 1Trẻ em thảo luận về các vấn đề phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em tại Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ 5/2017 chủ đề “Trẻ em với vấn đề phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em” (24/8/2017). (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Một vụ việc xâm hại tình dục trẻ em xảy ra cần sự vào cuộc không chỉ của cơ quan điều tra, mà là trách nhiệm của rất nhiều các cơ quan, tổ chức xã hội và quan trọng hơn cả là gia đình, những người có trách nhiệm bảo vệ trẻ em đầu tiên. Có lẽ, sẽ không có một giải pháp riêng lẻ để phòng chống, ngăn chặn xâm hại tình dục trẻ em.

Hoàn thiện quy định pháp luật

Tòa án nhân dân Tối cao đang dự thảo Nghị quyết hướng dẫn một số điều của Bộ luật Hình sự về tội hiếp dâm, cưỡng dâm. Đặc biệt, dự thảo nghị quyết hướng dẫn chi tiết việc xác định hành vi giao cấu, dâm ô trẻ em.

Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn một số điều của Bộ luật Hình sự về tội hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô đối với người dưới 16 tuổi. Các tội hiếp dâm, cưỡng dâm đang được quy định tại điều 141, 142, 143, 144, 145, 146 và 147 của Bộ luật Hình sự.

[Bài 1: Những đứa trẻ bị đánh cắp tuổi thơ và khuyết tật tâm hồn khi trưởng thành]

Với nghị quyết mà Tòa án nhân dân Tối cao đang dự thảo, hành vi hôn vào những bộ phận, vùng nhạy cảm như bộ phận sinh dục, ngực, vùng mặt, đầu, đùi, mông... trên cơ thể người dưới 16 tuổi mà không nhằm mục đích giao cấu sẽ thuộc vào tội dâm ô.

Trong dự thảo, Tòa án nhân dân Tối cao đã nêu rõ các trường hợp bị quy kết vào tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi quy định tại điều 146 Bộ luật Hình sự. Theo đó, dâm ô là một trong các hành vi nhằm thỏa mãm nhu cầu tình dục của người phạm tội, nhưng không nhằm mục đích giao cấu hoặc thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 16 tuổi.

Các hành vi dâm ô gồm: Sờ, bóp, hôn vào những bộ phận, vùng nhạy cảm như bộ phận sinh dục, ngực, vùng mặt, đầu, đùi, mông... trên cơ thể người dưới 16 tuổi. Dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi sờ, bóp, hôn vào những vùng nhạy cảm trên cơ thể người phạm tội hoặc người khác.

Tất cả những hướng dẫn thực hiện luật đều mới chỉ là dự thảo, vậy thì trong lúc chờ đợi, việc xử lý tội phạm xâm hại tình dục trẻ em sẽ được thực hiện như thế nào?

[Bài 2: Xâm hại tình dục trẻ em: Phần nổi của tảng băng trôi]

Từ thực tế thi hành pháp luật, bà Lê Thị Hòa án bộ Vụ Pháp luật hành chính (Bộ Tư pháp) cho biết ngay cả khi chưa có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn điều 146 Bộ luật Hình sự thì các cán bộ tiến hành tố tụng có trách nhiệm tiếp nhận, đánh giá hành vi khách quan cụ thể và dựa trên điều kiện hoàn cảnh nhất định để xử lý người phạm tội mà không cần thiết phải có văn bản “cầm tay chỉ việc” mới làm.

“Chúng ta phải có nhận thức chung trong tăng cường hiểu biết pháp luật, tăng cường tính khả thi, việc áp dụng pháp luật của người tiến hành tố tụng. Thế nhưng, trên thực tế, cán bộ áp dụng pháp luật chưa dựa nhiều vào hành vi khách quan, đánh giá một cách khách quan các hành vi để có thể xem xét xử lý tội danh dâm ô với trẻ em,” bà Lê Thị Hòa nhấn mạnh.

Mặc dù việc tương tác giữa các bộ phận không phải là bộ phận sinh dục nhưng với mục đích là tạo ra cảm hứng về tình dục thì đó hoàn toàn là hành vi dâm ô với trẻ em. Phải căn cứ vào mục đích của hành vi phạm tội, cũng như hoàn cảnh khách quan của hành vi phạm tội để đánh giá. Ví dụ bố mẹ có thể đụng chạm vào cơ thể đứa trẻ như đánh vào mông để giáo dục nhưng với người khác như người xa lạ, hàng xóm có tác động như vậy trong những hoàn cảnh nhất định có thể coi là hành vi dâm ô.

“Như vậy, cán bộ tiến hành tố tụng phải đánh giá toàn diện về cả tính chất, hành vi, mục đích của người vi phạm để có thể xem xét áp dụng các quy định xử lý cho phù hợp,” bà Lê Thị Hòa nói.

Xử lý xâm hại tình dục trẻ em: Trách nhiệm không của riêng ai ảnh 2

Sổ tay cho lực lượng cảnh sát

Để khắc phục việc bỏ lọt tội phạm xâm hại trẻ em, Bộ Công an đã phối hợp với ngành kiểm sát nhân dân đang tổ chức lấy ý kiến để hoàn thiện Sổ tay cho lực lượng cảnh sát về nhận thức và ứng phó với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em và Sổ tay kiểm sát viên giải quyết vụ án xâm hại tình dục trẻ em.

Trong các cuốn sổ tay này đã cung cấp nhiều kiến thức là tiền đề, chìa khóa để mở ra giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử được nhanh chóng và hiệu quả. Cẩm nang sổ tay điều tra quy định chặt chẽ chi tiết công tác ứng phó, quán triệt trách nhiệm của mỗi cán bộ công an; trang bị những kỹ năng và biện pháp phòng ngừa, tuyên truyền cho cán bộ công an, cộng đồng dân cư, nhà trường… hướng dẫn trẻ em ứng phó với các tình huống cụ thể; các thủ tục trình tự khi tiếp nhận tin báo, đảm bảo khởi tố nhanh chóng các vụ án xâm hại tình dục trẻ em.

[Bài 3: 'Khoảng trống' trong xử lý xâm hại tình dục trẻ em]

Ông Lê Việt Trung, điều tra viên Phòng Hình sự, Công an thành phố Hà Nội cho biết, ngoài các nội dung hướng dẫn trong cuốn sổ tay dành cho công an và kiểm sát viên, cần bổ sung cơ chế phối hợp giữa cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nhân dân về khám nghiệm hiện trường, kiểm tra dấu vết thân thể nạn nhân và lời khai nạn nhân. Trong thực tế, có nhiều vụ việc điều tra chậm đã gây khó khăn cho việc khởi tố tội phạm.

“Chúng ta cần có quy chế phối hợp với các cơ quan giám định trong việc trả lời kết quả giám định. Trong quá trình làm, chúng tôi trưng cầu giám định để có kết quả và quyết định giữ hay không giữ đối tượng, vì để ra các quyết định tố tụng là rất quan trọng. Thế nhưng có những trường hợp nhanh thì cũng 7 đến 9 ngày, thậm chí cả tháng cơ quan giám định mới cho kết quả. Bởi vậy, việc lưu giữ đối tượng và áp dụng các biện pháp tố tụng rất khó khăn cho cơ quan điều tra và viện kiểm sát,” ông Lê Việt Trung nói.

Việc điều tra, xét xử tội phạm xâm hại trẻ em cần đảm bảo thực thi Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em và Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, bảo vệ trẻ em bị xâm hại tình dục, đặt biệt, tránh làm tổn thương thêm các em, giữ bí mật đời tư của nạn nhân tại phiên tòa.

Annual Report
Infogram

Các chuyên gia về bảo vệ trẻ em nhấn mạnh, cơ quan điều tra khi điều tra vụ án về hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em cần có biện pháp bảo vệ bí mật cho các em; Tòa án tuyệt đối không được triệu tập các em là người bị hại đến phiên tòa dù đó là phiên tòa xử kín (trừ trường hợp không thể không triệu tập). Tất cả các vụ xâm hại tình dục trẻ em đều phải được xử kín; các cơ quan ngôn luận nên hạn chế đưa tin cụ thể về những vụ án xâm hại tình dục trẻ em, nhất là việc đưa ảnh, nêu tên các em trên báo chí.

Vai trò của xã hội

Bà Lê Hồng Loan - Trưởng phòng Bảo Vệ Trẻ em (UNICEF Việt Nam) cho rằng, vấn đề dâm ô trẻ em đang rất cần được các ngành quan tâm giải quyết. Dâm ô trẻ em liên quan đến nhiều yếu tố trong đó có hành lang pháp lý, nhưng nó cũng có những vấn đề liên quan đến chuẩn mực xã hội.

“Theo nghiên cứu của chúng tôi, có rất nhiều những hành vi được xã hội chấp nhận như người lớn sờ vào chim của trẻ em trai như là cách nựng trẻ em hay ôm hôn trẻ em vẫn được giải trình là ‘nựng’ trẻ. Thậm chí, các bậc cha mẹ cũng không biết đấy là các hành vi xâm hại đối với trẻ và vẫn chấp nhận những hành vi này,” bà Lê Hồng Loan nói.

Bên cạnh tăng cường hành lang pháp lý và các chế tài để xử phạt thì cần phải thay đổi cả chuẩn mực xã hội, thái độ của xã hội, kiến thức của chính cha mẹ, người chăm sóc và để cha mẹ được biết đấy là quyền của trẻ em khi trẻ cảm thấy không thoải mái, các em dám nói, dám biết đấy là hành vi các em có quyền được tố cáo.

Vai trò của gia đình là một trong những nguyên nhân làm cho nạn xâm phạm tình dục đối với trẻ em phát triển. Các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em thường xảy ra ở các gia đình có bố mẹ lo tập trung làm ăn kinh tế, ít có sự quan tâm đến những biểu hiện không bình thường của con cái; nhiều vụ việc diễn ra trong một thời gian dài gia đình cũng không hay biết, chỉ đến khi con gái mang thai, cha mẹ mới hoảng hốt đưa con đến cơ sở y tế thì đã quá muộn.

Các đoàn thể, nhà trường và gia đình cần giáo dục cho các em hiểu biết về quyền được bảo vệ của mình; phát động tố cáo, lên án mạnh mẽ những hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em, đồng thời có biện pháp bảo vệ các em một cách hữu hiệu.

Một giải pháp đặt ra là cần đẩy mạnh việc tuyên truyền trong cộng đồng để thay đổi các hành vi ứng xử và chuẩn mực văn hóa, trong đó cần coi các biểu hiện như: vỗ mông hay đặt tay vào bộ phận nhạy cảm... của trẻ em cũng là hành vi dâm ô. Không ít người đang cố tình đánh tráo khái niệm giữa hành vi xâm hại tình dục trẻ em với trêu ghẹo, đùa vui, bày tỏ sự quý mến để lạm dụng xâm hại tình dục trẻ em.

Bà Lê Hồng Loan, Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em (UNICEF) nói về việc xây dựng hệ thống bảo vệ trẻ em.

Hoàn thiện hệ thống bảo vệ trẻ em

Xâm hại tình dục trẻ em không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật, vô đạo đức mà còn gây ra nỗi đau về mặt thể chất cùng những tổn thương nghiêm trọng, lâu dài về cả thể xác và tinh thần cho nạn nhân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự trong lành và phát triển bền vững của xã hội. Do đó, cần có một hệ thống bảo vệ trẻ em với sự tham gia của toàn xã hội.

Việc phòng ngừa, phát hiện sớm, can thiệp kịp thời để giảm thiểu hoặc loại bỏ các nguy cơ trẻ em bị xâm hại tình dục là việc phải được đặt ra như một giải pháp cấp bách trước khi để xảy ra những vụ án đau lòng. Mỗi vụ việc trẻ em bị xâm hại tình dục xảy ra đều cần sự can thiệp, hỗ trợ của rất nhiều các cơ quan, bộ ngành, tổ chức.

Bà Lê Hồng Loan chia sẻ, theo kinh nghiệm các quốc gia và của UNICEF, không có giải pháp thần kỳ nào duy nhất có thể giải quyết các vấn đề về xâm hại trẻ em, chúng ta phải đồng bộ từ tăng cường hành lang pháp lý, tăng cường xử lý, hình phạt, dịch vụ can thiệp hỗ trợ, nâng cao kỹ năng bảo vệ trẻ em. Giải quyết nhiều vấn đề từ nguồn nhân lực, tài chính mới có thể ngăn chặn được xâm hại trẻ em.

Theo bà Lê Hồng Loan, hiện nay, việc cấp bách cần phải làm trước là quy trình tiếp nhận, điều tra, truy tố liên ngành là ưu tiên bức xúc cần làm trước. Chúng ta phải quy định ngay về quy trình này từ khi báo cáo phải có đánh giá về sang chấn tâm lý, tổn hại về tinh thần, thể chất để phục vụ truy tố tốt hơn. Các dịch vụ được cung cấp dưới luật chứ không phải vấn đề từ thiện, hỗ trợ mà đây là nằm trong quy định bắt buộc của Nhà nước.

“Việt Nam sẽ phải xây dựng một quy trình liên ngành, có sự thống nhất liên ngành về tiếp nhận, đánh giá nguy cơ, can thiệp và bảo vệ trẻ em để đảm bảo các dịch vụ được cung cấp đồng bộ. Sau khi có được quy trình can thiệp liên ngành, việc phân công trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức cũng cần được luật hóa,” bà Lê Hồng Loan nhấn mạnh.

Sự thờ ơ, vô cảm của người thân, xã hội, các cán bộ hành pháp, tư pháp, y tế, bảo vệ trẻ em có thể sẽ khơi thêm nỗi đau trong các em và để lại những vết thương không bao giờ xóa mờ, đánh mất tương lai thậm chí là cả sự sống của các em.

Vụ án bé K. 13 tuổi ở Cà Mau tự tử sau khi tố bị hiếp dâm đã trở thành bài học kinh nghiệm quá đắt giá, thức tỉnh hệ thống cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em và cán bộ hành pháp, tư pháp chuyên về xử lý tội phạm xâm hại trẻ em. Bộ Công an đã quyết định cách chức Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra đối với và cách chức Đội trưởng, điều tra viên trung cấp, đồng thời chuyển công tác khác ngoài cơ quan điều tra. Hai cán bộ công an bị kỷ luật, nhưng mạng sống của K. mãi mãi không bao giờ lấy lại được.

Đã đến lúc, cần phải bắt tay xây dựng một hệ thống bảo vệ trẻ trẻ em với trách nhiệm đầy đủ của tất cả các cơ quan, tổ chức; một hệ thống tư pháp thân thiện với trẻ em; một đội ngũ cán bộ bảo vệ trẻ em chuyên nghiệp, để không còn trẻ em nào bất hạnh như K./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục