Xuất khẩu lao động lao đao do suy thoái kinh tế

Bóng đen của suy thoái kinh tế toàn cầu đang lan dần sang lĩnh vực xuất khẩu lao động khi nhiều thị trường cắt giảm nhân công, thậm chí ngưng tiếp nhận hoàn toàn, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam trong tình trạng lao đao.

Bóng đen của suy thoái kinh tế toàn cầu đang lan dần sang lĩnh vực xuất khẩu lao động khi nhiều thị trường cắt giảm nhân công, thậm chí ngưng tiếp nhận hoàn toàn, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam trong tình trạng lao đao.
 
Mặc dù thống kê 11 tháng đầu năm của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vẫn cho thấy con số xuất khẩu lao động tăng nhẹ với 78.700 người, nhưng theo phản ánh của giới doanh nghiệp, nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam của các đối tác nước ngoài nửa cuối năm nay đã giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
 
Hầu hết các thị trường hiện đều gặp khó. Ngay tại địa chỉ tiếp nhận nhiều nhất lao động Việt Nam là Malaysia, với khoảng 30.000 người mỗi năm, thì từ đầu năm đến nay cũng chỉ nhận hơn 7.000 người. Mới đây còn có tình trạng các nhà đầu tư tại Malaysia thu hẹp sản xuất và kết thúc sớm hợp đồng với lao động Việt Nam. Ông Đoàn Đại Thành, Phó giám đốc Công ty cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại (Sona) cho biết vài chục lao động của công ty này mới đi được hơn một năm đã phải về nước trước thời hạn vì ít việc làm, thu nhập thấp.
 
Tại thị trường Đài Loan, lao động Việt Nam cũng đang đứng trước nguy cơ mất việc làm do nhiều doanh nghiệp sản xuất ngưng trệ, đóng cửa một phần hoặc toàn bộ. Nhu cầu lao động đang và sẽ tiếp tục giảm ở một số thị trường truyền thống khác như Nhật Bản và Hàn Quốc.
 
Các thị trường mới mở ở khu vực Trung Đông hiện cũng đối mặt với nguy cơ bị thu hẹp do các nước này chủ yếu sống nhờ vào dầu mỏ, nay giá dầu thế giới giảm mạnh khiến các công trình đầu tư, nhất là trong lĩnh vực xây dựng vốn tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam, buộc phải giãn tiến độ.
 
Mới đây nhất, Qatar đã ngưng việc cấp mới visa cho lao động Việt Nam, đồng thời không gia hạn hợp đồng lao động cho hàng ngàn người đang làm việc ở nước này. Theo Đại sứ Việt Nam tại Qatar Phùng Thế Long, nguyên nhân chủ yếu của việc này là do kế hoạch cơ cấu lại thị trường lao động của Qatar theo hướng tăng số lao động có tay nghề, chất lượng cao thay vì lao động phổ thông. Tính đến tháng 4/2008, có 8.000 người lao động Việt Nam làm việc ở Qatar, chủ yếu tại các công trường xây dựng.
 
Những thị trường lương cao như Australia, Đông Âu vốn đã là “cửa” khó đối với lao động Việt Nam thì nay lại càng hẹp hơn. Hàng nghìn lao động đang làm thủ tục sang Cộng hòa Séc lâm vào cảnh khốn khó do Chính phủ nước này vừa quyết định tạm ngừng cấp visa cho công dân Việt Nam.
 
Tất nhiên, các cơ quan chức năng và giới doanh nghiệp đều thừa nhận một thực tế là những bất cập kéo dài trong khâu tổ chức đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, trình độ và ý thức kỷ luật của lao động Việt Nam... cũng là nguyên nhân dẫn đến những khó khăn hiện nay.
 
Nhằm giảm bớt những tác động của khủng hoảng kinh tế hiện nay, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đã chỉ đạo các doanh nghiệp hạn chế đưa lao động ồ ạt qua những thị trường đang bị ảnh hưởng nặng từ suy thoái kinh tế, thẩm định thận trọng các đơn hàng để tránh thiệt hại cho người lao động.
 
Nhận định mục tiêu xuất khẩu 85.000 lao động trong năm nay có thể khả thi nhưng ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, cũng cho rằng “chưa thể lạc quan với mục tiêu xuất khẩu 90.000 lao động trong năm 2009” vì “thường sau khủng hoảng tài chính sẽ là khủng hoảng việc làm.” Tuy nhiên, ông cho biết thêm trọng tâm năm tới sẽ là xuất khẩu lao động kỹ thuật và chuyên gia - những phân khúc thị trường ít bị ảnh hưởng hơn.
 
Trong nỗ lực chung để nâng cao chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã ban hành đề án thí điểm đặt hàng đào tạo lao động xuất khẩu. Theo đề án này, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động sẽ đặt hàng các cơ sở dạy nghề đối với một số nghề đang có nhu cầu cao trên thị trường quốc tế./.
 
Hồng Hạnh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục