Xuất khẩu rau quả tiếp tục duy trì sự tăng trưởng khá cao từ đầu năm đến nay với mức 39%.
Với việc Trung Quốc tăng thu mua mạnh trở lại, đặc biệt khi Việt Nam đang vào thời vụ nhiều loại trái cây có thế mạnh xuất khẩu sang thị trường này được kỳ vọng sẽ giúp trái cây Việt tiếp tục bứt phá.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu rau quả tháng 5 ước đạt 600 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu rau quả 5 tháng đầu năm 2023 đạt 1,97 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2022.
[Giảm ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu khi nông sản vào vụ]
Trong 4 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về tiêu thụ hàng rau quả của Việt Nam với 58,7% thị phần, đạt giá trị 804,6 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2022.
Thị trường có giá trị xuất khẩu rau quả tăng mạnh nhất là Hà Lan (tăng 72,3%).
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, đánh giá nguyên nhân giúp rau quả tăng trưởng mạnh là nhờ Trung Quốc tăng mua sau khi chính sách Không COVID được thực thi. Đây là năm đầu tiên sau 3 năm đại dịch các mặt hàng như thanh long, sầu riêng, xoài, mít được Trung Quốc đẩy mạnh thu mua.
Với thị trường Trung Quốc, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T - cho biết dù bị cạnh tranh với hàng Thái Lan, Campuchia, Philippines, kim ngạch xuất khẩu trái cây của Việt vẫn bứt phá.
Trong khi xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Canada sụt giảm, thì Trung Quốc là thị trường giúp hoạt động xuất khẩu trái cây của doanh nghiệp này tăng trưởng tốt những tháng đầu năm.
Đặc biệt, các mặt hàng như sầu riêng, thanh long, chuối... có mức tăng rất mạnh.
Triển vọng xuất khẩu nửa cuối năm sẽ tươi sáng hơn khi nông sản Việt đang được nhiều quốc gia ưa chuộng.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong quý 3-4/2023, dự kiến có gần 7,6 triệu tấn các loại trái cây chính cần tiêu thụ như: xoài, chuối, thanh long, dứa, cam, vải, nhãn, sầu riêng, mít, bơ...
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt khuyến cáo, người dân cần tập trung vào loại cây theo đúng định hướng của chính quyền địa phương, giúp tập trung vùng trồng, sản xuất có mã số, nâng cao chất lượng, nâng cao tỷ lệ chế biến và đáp ứng được nhu cầu về đa dạng hóa sản phẩm.
Đặc biệt, nhu cầu tiêu thụ sẽ rất cao và trong thời gian ngắn với vải thiều chính vụ, tập trung tại các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương; nhãn tập trung nhiều nhất tại 2 tỉnh Sơn La, Hưng Yên; Sơn La cũng là vùng tập trung trồng xoài lớn nhất miền Bắc, còn lại sản lượng lớn ở các tỉnh phía Nam...
Hiện Bắc Giang, Hải Dương đang chuẩn bị bước vào thu hoạch vải thiều chính vụ.
Với sản lượng trên 180.000 tấn, Bắc Giang xác định ngoài thị trường xuất khẩu truyền thống là Trung Quốc, các thị trường tiềm năng là Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Malaysia; UAE, Singapore, Trung Đông, Thái Lan...
Tỉnh Bắc Giang đã chuẩn bị các điều kiện như bảo đảm nguồn vốn, nguồn điện, thùng xốp, đá cây, vệ sinh môi trường, chuẩn bị kho, bãi tập kết phương tiện vận tải, các điểm cân, mua vải thiều tập trung... để việc tiêu thụ vải được thông suốt.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá, Việt Nam đã mở rộng nhiều kênh tiêu thụ, đặc biệt như thương mại điện tử; mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo điều cho các doanh nhân Trung Quốc vào Việt Nam tiêu thụ nông sản, đặc biệt là tiêu thụ vải, nhãn...
Tuy thời gian tiêu thụ vải ngắn, nhưng Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương... đều có nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là xuất khẩu sang Trung Quốc.
Từ khi Trung Quốc có chính sách Không COVID, các hoạt động thương mại dần trở lại bình thường sẽ đẩy mạnh thông quan hàng hóa.
Các bộ, ngành, địa phương có cửa khẩu biên giới sẽ cùng chung tay tháo gỡ khó khăn trong việc kiểm dịch, vận chuyển, giao hàng...
Để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, việc cấp mã số vùng trồng rau quả cũng được chú trọng tại các địa phương.
Cả nước có gần 6.500 vùng trồng tại 53/63 tỉnh, thành phố và 1.600 cơ sở đóng gói tại 33 tỉnh, thành phố được cấp mã số xuất khẩu.
Đồng thời, có 25 sản phẩm được cấp mã số xuất khẩu như thanh long, nhãn, vải, xoài, chôm chôm, vú sữa, chanh, bưởi, măng cụt, dưa hấu, mít, khoai lang, sầu riêng... tập trung ở các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU...
Riêng sầu riêng, mặt hàng mới được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc từ năm 2022, Việt Nam có 293 vùng trồng và 115 cơ sở đóng gói sầu riêng đã được phía Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu chính thức sang thị trường này.
Cục Bảo vệ thực vật cho biết đơn vị đang làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) để thống nhất lịch kiểm tra trực tuyến đợt tiếp theo cho khoảng 400 vùng trồng và 60 cơ sở đóng gói sầu riêng mà đơn vị đã gửi sang.
Nếu được Trung Quốc phê duyệt thêm nhiều mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng sẽ là tin vui đối với các nhà vườn, doanh nghiệp xuất khẩu. Đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam gia tăng sản lượng, giá trị xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc trong những tháng còn lại của năm nay, khi nhu cầu tiêu thụ từ thị trường này rất lớn, ông Đặng Phúc Nguyên nhận định.
Ông Đặng Phúc Nguyên cũng dự báo với nguồn cung dồi dào, nửa cuối năm, xuất khẩu rau quả sẽ rất khả quan nếu nắm bắt tốt yêu cầu thị trường Trung Quốc theo hướng thực hành sản xuất tốt (GAP).
Dự kiến tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả năm nay có thể trên 4 tỷ USD. Xuất khẩu rau quả Việt sẽ vẫn tăng tốc trong thời gian tới.
Hiện Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đang dẫn Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với cơ quan chức năng và các tỉnh Quảng Tây, Vân Nam (Trung Quốc) để thúc đẩy thương mại nông, thủy sản giữa hai bên.
Với việc đang vào mùa cao điểm của các loại trái cây như sầu riêng, xoài... nên tình hình thông quan tại các cửa khẩu có dấu hiệu quá tải, vượt quá năng lực của các khu vực cửa khẩu, hai bên đã cùng đề xuất tăng cường nghiên cứu đưa hệ thống cửa khẩu thông minh vào hoạt động thí điểm.
Để giải quyết kịp thời các vấn đề tại cửa khẩu, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị phía Hải quan Nam Ninh thiết lập một đầu mối thông tin để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Cục Hải quan Nam Ninh có thể liên lạc dễ dàng với nhau, giảm thiểu trao đổi qua văn bản.
Bên cạnh đó, Quảng Tây có biên giới với 4 tỉnh của Việt Nam với 9 cặp cửa khẩu nhưng mới 6 trong số đó được xuất nhập khẩu rau củ quả.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam kiến nghị Hải quan Nam Ninh xem xét, mở rộng quy mô xuất nhập khẩu rau quả lên toàn bộ 9 cặp cửa khẩu, giảm áp lực cho các cửa khẩu truyền thống, tránh ùn tắc, giảm chi phí cho cả hai bên./.