Xung quanh luật chống xâm lược của Tòa án Hình sự Quốc tế

Mỹ, Nga, Iran, Trung Quốc và Ấn Độ đã từ chối tham gia vào ICC và không tán thành việc bổ sung tội “xâm lược.” Tuy nhiên, 15 nước thành viên của Tổ chức NATO lại có quan điểm ngược lại.
Xung quanh luật chống xâm lược của Tòa án Hình sự Quốc tế ảnh 1Trụ sở của ICC ở Hà Lan. (Nguồn: Intabaza.com)

Theo trang mạng eurasiareview.com, năm 2010, các nước thành viên của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) - được thành lập để truy tố các tội ác chiến tranh - đã tổ chức một cuộc họp để bổ sung hành động xâm lược vào danh sách các tội ác bị xét xử.

Mỹ, Nga, Iran, Trung Quốc và Ấn Độ đã từ chối tham gia vào ICC và không tán thành việc bổ sung tội “xâm lược.” Tuy nhiên, 15 nước thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lại có quan điểm ngược lại.

Ngoài ra, Nga đã thông qua Bộ luật Hình sự của nước này, theo đó nghiêm cấm hành vi “Lên kế hoạch, chuẩn bị hay tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược” và cấm “Công khai kêu gọi tiến hành xâm lược."

Tại Mỹ, dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, đã có nhiều cuộc thảo luận nghiêm túc về việc liệu có truy tố những người có hành vi tra tấn người khác hay không.

Theo cuộc thăm dò của USA Today/Gallup, 62% người Mỹ ủng hộ quan điểm này. Tuy nhiên, ông Obama lại quyết định không làm vậy vì cho rằng hành động đó là cực kỳ mang tính chia rẽ.

Việc tiến hành chiến tranh giờ đây bị coi là một tội ác quốc tế. Tuy vậy, chúng ta phải quy trách nhiệm cho các nhà lãnh đạo, chứ không phải người dân.

Hermann Goering, “Phó tướng” của Hitler, từng nói: “Suy cho cùng, chính các nhà lãnh đạo của một quốc gia mới là người hoạch định chính sách và việc lôi kéo người dân vào con đường đó là rất dễ dàng, cho dù đó là nền dân chủ hay chế độ phátxít độc tài."

Nếu như điều luật nghiêm cấm hành vi xâm lược được ban hành từ năm 1990, thì Tổng thống Iraq Saddam Hussein đã bị bắt giữ và trừng phạt vì tội ác xâm lược Kuwait. Trên thực tế, Tổng thống Mỹ George W.H. Bush và Thủ tướng Anh Margaret Thatcher đã từng thảo luận về vấn đề này.

Điều này lẽ ra có thể ngăn chặn Mỹ và Anh tiến hành chiến tranh Iraq lần thứ 2. (Nếu như không có vụ xâm lược Iraq thì ảnh hưởng của Nhà nước Hồi giáo - IS - sẽ được giảm đi rất nhiều).

[Infographics] Những quốc gia nào đã rời khỏi Tòa án hình sự quốc tế?

Tất cả những điều đó đều khác xa với quan điểm của John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump. Ông Bolton từng nói: “Tất cả điều luật quốc tế đều vô căn cứ, vô nghĩa và đều nhằm mục tiêu hạn chế quyền lực của nước Mỹ."

Rõ ràng, ông Bolton chưa từng biết đến câu nói của nhà triết học Aristotle: “Con người là loài thượng đẳng nhất trong tất cả các loài động vật nhưng nếu tách khỏi luật pháp và công lý, con người trở thành loài tồi tệ nhất."

Trong số tất cả các tổng thống Mỹ thời hiện đại, George W. Bush là tổng thống đã phớt lờ luật pháp quốc tế. Ông đã đưa Mỹ rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo năm 1972 với Nga, không ký kết hiệp ước thành lập ICC, tiến hành xâm lược Iran một cách bất hợp pháp, cho phép hình thức tra tấn và vi phạm các điều khoản trong các công ước Geneve và không thể ngăn chặn hay trừng trị tội ác diệt chủng ở Darfur (Sudan).

Tuy nhiên, việc thi hành luật pháp quốc tế đã có hiệu quả nhiều hơn mong đợi. Các vị tổng thống, thủ tướng và phó tổng thống đầy quyền lực một thời đã bị đưa ra xét xử tại ICC. Tất cả 161 tội phạm trong thời chiến tranh Nam Tư cũ bị Tòa án Hình sự Quốc tế về Nam Tư cũ kết tội đã bị bắt giữ và kết án tù hoặc tử hình.

Một số học giả và chuyên gia đã đưa ra những đề xuất để củng cố hiệp ước mới.

David Scheffer, người phụ trách các vấn đề liên quan đến tội ác chiến tranh dưới thời Tổng thống Bill Clinton, đã kêu gọi việc ban hành luật lệ để thành lập lực lượng thường trực bắt giữ tội phạm quốc tế, điều động các sỹ quan cảnh sát và quân đội được đào tạo chuyên nghiệp, có khả năng hoạt động tại các nước thành viên.

Lực lượng bắt giữ ICC sẽ chỉ làm nhiệm vụ khi có chỉ thị từ công tố viên ICC hoặc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Một khả năng khác là các quốc gia sẽ yêu cầu sự trợ giúp từ các đồng minh. Năm 2011, Uganda yêu cầu Mỹ điều Binh chủng Đặc công đến để giúp truy tìm và bắt giữ Joseph Kony, chỉ huy Quân kháng chiến của Chúa - lực lượng ly khai bắt trẻ em tham gia chiến đấu.

Năm 2018, Mỹ và Liên minh châu Phi (AU) đã giúp Uganda tiêu diệt lực lượng của Kony. Hiện tại, Kony vẫn đang lẩn trốn trong khu rừng rậm ở châu Phi.

Giờ đây, chúng ta sẽ phải chờ xem liệu Tổng thống Trump sẽ tuyên chiến với Iran hay không. Nếu điều đó xảy ra, ông Trump sẽ phá vỡ những quy tắc của một hiệp ước mới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục