Xung quanh những thông điệp từ hội nghị ở Mecca gửi tới Iran

Sự thay đổi chiến lược mới ở thế giới Arab có thể có những tác động vượt xa sự đối đầu với Iran và dẫn tới một cách tiếp cận mới trong các mối quan hệ Arab nói chung.
Xung quanh những thông điệp từ hội nghị ở Mecca gửi tới Iran ảnh 1(Nguồn: asiaone.com)

Tuần báo The Arab Weeky số ra ngày 2/6 có bài phân tích về những “thông điệp” phát đi từ các hội nghị của các nước Arab và Hồi giáo diễn ra ở Mecca (Saudi Arabia) trong hai ngày 30-31/5 vừa qua, bài viết có nội dung như sau:

Các hội nghị khẩn của các nước Arab và vùng Vịnh ở Mecca đã cho thấy những sự thay đổi về chính trị và chiến lược ở khu vực khi các nước trong vùng phải đối mặt với những căng thẳng đang gia tăng xuất phát từ hành động của Iran.

Yếu tố then chốt dẫn đến sự chuyển dịch này là thái độ kiên quyết của giới lãnh đạo Saudi Arabia đối với mối đe dọa từ Iran.

Riyadh đã lên án những hành động “phạm tội” và “khủng bố” của Tehran tại 2 hội nghị thượng đỉnh bao gồm của Liên đoàn Arab (AL) và của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) diễn ra ngày 30/5 và hội nghị của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) ngày 31/5, đồng thời kêu gọi khu vực và quốc tế cần đưa ra hành động để đối phó với thách thức này.

[Iran tuyên bố sẽ không từ bỏ chương trình tên lửa, hạt nhân]

Trong bài phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh AL, Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz Al Saud đã cảnh báo rằng Iran “đe dọa an ninh và sự ổn định của các nước chúng ta và can thiệp vào công việc của các nước.”

Quốc vương Salman nêu rõ: “Sự thất bại trong việc tỏ rõ lập trường kiên quyết và mang tính răn đe nhằm đối phó với những hành động khủng bố của chính quyền Iran ở khu vực là những điều dẫn đến việc nước này tiếp tục những hành động của họ và đang leo thang theo hình thức mà chúng ta chứng kiến ngày hôm nay."

Quốc vương Salman đã kêu gọi cộng đồng quốc tế gánh vác trách nhiệm về “mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế từ những hành động mà Iran gây ra và việc nước này tài trợ cho các hoạt động khủng bố ở khu vực và thế giới, đồng thời cần phải sử dụng mọi biện pháp để ngăn chặn chính quyền này và hạn chế sự bành trướng của họ."

Tuyên bố cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh Arab đã lên án Iran về việc phá hoại an ninh ở khu vực.

Tuy nhiên, Iraq đã phản đối tuyên bố cuối cùng này khi Tổng thống Iraq Barham Salih cảnh báo về những hậu quả của một cuộc chiến tranh toàn diện “nếu cuộc khủng hoảng hiện nay không được xử lý một cách thận trọng."

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Arab đã nhấn mạnh các quyền của Saudi Arabia để bảo vệ lãnh thổ của nước này, đồng thời coi các cuộc tấn công do lực lượng phiến quân Houthi được Iran hậu thuẫn là một mối đe dọa đối với an ninh của thế giới Arab.

Lãnh đạo các nước Arab cũng hối thúc cộng đồng quốc tế có lập trường kiên quyết chống Iran sau các vụ tấn công nhằm vào các cơ sở dầu mỏ ở Saudi Arabia hôm 14/5 và hành động phá hoại các tàu ở ngoài khơi bờ biển của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) ngày 12/5 vừa qua.

Trong khi đó, hội nghị thượng đỉnh GCC cũng lên án các vụ tấn công của phiến quân Houthi, lực lượng đã nã 225 quả tên lửa và tiến hành 155 vụ tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào Saudi Arabia...

Hội nghị này cũng nhấn mạnh sự tôn trọng của các nước thuộc GCC đối với Thỏa thuận phòng thủ chung, vốn coi bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào bất kỳ nước nào thuộc GCC là cuộc tấn công vào tất cả các thành viên thuộc tổ chức này.

Phát biểu với báo giới, Tổng thư ký AL Ahmed Aboul Gheit tuyên bố hội nghị thượng đỉnh Arab đã gửi đi một “thông điệp rất mạnh mẽ tới bất kỳ ai đang can thiệp vào các vấn đề ở vùng Vịnh và hay tiến hành các vụ tấn công nhằm vào UAE và Saudi Arabia.”

Theo nhà lãnh đạo AL, các nước đều đồng thuận rằng “an ninh của vùng Vịnh là một nhân tố của an ninh quốc gia Arab.”

Các nhà lãnh đạo có mặt tại hội nghị này có vẻ quyết tâm đưa ra những kết luận, thậm chí ở cấp độ quân sự, về mối đe dọa từ Iran.

Ông Aboul Gheit cho biết: “Những diễn biến và sự kiện gần đây có thể dẫn tới nhận thức về sự cần thiết của việc thành lập một lực lượng Arab chung khi những sức ép tạo ra những phản ứng.”

Còn Tổng thư ký GCC Abdul-Latif al-Zayani cho rằng trong trường hợp của GCC, “quả thực đã có hệ thống chỉ huy và phòng thủ chung."

Nhiều nguồn tin từ các hội nghị ở Mecca cho hay các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị đã tiến tới gần hơn tới một kế hoạch chiến lược chung để đối phó với những mối đe dọa từ Iran.

Theo những nguồn tin này, lộ trình trên có thể tính đến sự hỗ trợ của Mỹ nhưng sẽ hướng tới việc phát huy hơn nội lực của các nước trong khu vực.

Tổng biên tập báo Al Roeya của UAE, ông Mohamed al-Hammadi đánh giá mọi người ngày càng nhận thức được rằng khu vực này không thể cứ giữ mãi lập trường mơ hồ về những mối đe dọa của Iran.

Ông Hammadi chỉ rõ: “Các nhà lãnh đạo Arab đã nhấn mạnh sự cần thiết phải từ bỏ những quan điểm mơ hồ.”

Các nhà phân tích khu vực cho rằng sự thành công của hội nghị lần này là việc củng cố quyết tâm của thế giới Arab để đối phó với thách thức từ Iran.

Nhà phân tích chính trị người Jordan Raafat Ali nhận định: “Cả hội nghị thượng đỉnh Arab và vùng Vịnh đều đã nâng cao nhận thức về những thách thức này, đồng thời cho thấy sự đoàn kết chưa từng có trong việc đối phó với những mối đe dọa từ Iran.”

Vấn đề được đặt ra là liệu những quan điểm gần như được nhất trí hoàn toàn tại 2 hội nghị ở Mecca có khiến Iran phải xem xét lại những chính sách của mình hay không.

Theo ông Sabri Azzam, chuyên gia người Ai Cập về các vấn đề Arab, các quyết định được công bố tại các hội nghị ở Mecca “cho thấy những dấu hiệu rằng Iran không thể phớt lờ việc khiến khu vực này gặp phải những rủi ro nghiêm trọng, bởi khi ấy Tehran sẽ phải hứng chịu những hậu quả trước tiên.”

Sự thay đổi chiến lược mới ở thế giới Arab có thể có những tác động vượt xa sự đối đầu với Iran và dẫn tới một cách tiếp cận mới trong các mối quan hệ Arab nói chung./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục