Ý nghĩa sâu xa đằng sau 'cuộc khủng hoảng dứa' ở Đài Loan

Kể từ ngày 1/3, dứa Đài Loan tạm thời không được xuất sang Trung Quốc Đại lục với lý do kiểm dịch dịch bệnh và côn trùng gây hại.
Ý nghĩa sâu xa đằng sau 'cuộc khủng hoảng dứa' ở Đài Loan ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: taiwannews.com.tw)

Theo Nhật báo kinh tế tại vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), kể từ ngày 1/3, dứa Đài Loan tạm thời không được xuất sang Trung Quốc Đại lục với lý do kiểm dịch dịch bệnh và côn trùng gây hại.

Mặc dù lệnh cấm được đưa ra đột ngột, cách làm không phù hợp với thông lệ hai bờ eo biển, nhưng ảnh hưởng thực tế lại không quá lớn. Điều này đòi hỏi phải lý giải cụ thể hàm ý đằng sau động thái này.

Xét về mặt hình thức, lệnh cấm lần này của Trung Quốc đại lục xuất phát từ nguyên nhân nhiều lần kiểm tra phát hiện rệp vảy trong dứa nhập khẩu từ Đài Loan.

Đối diện với lệnh cấm, tương tự vấn đề tôm hùm của Australia sau khi bị cấm với lý do an toàn thực phẩm vào năm 2020, đã áp dụng năm biện pháp “không thỏa hiệp, thay đổi thói quen tiêu dùng nội địa, tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại, kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO),” đây có thể cũng là đối sách để Đài Loan giảm thiểu tác động tiêu cực trong bối cảnh hiện nay.

Tuy nhiên, sự việc lần này phản ánh một số nút thắt không rõ ràng.

Thứ nhất, nếu dựa vào dữ liệu công khai của Ủy ban nông nghiệp, trong số gần 6.000 lô dứa xuất khẩu sang Trung Quốc Đại lục năm 2020 chỉ có 13 lô không đạt tiêu chuẩn, hơn nữa phần lớn tập trung vào tháng Tư và tháng Năm, sau đó tình hình được cải thiện tích cực trong 6 tháng cuối năm với tỷ lệ đạt tiêu chuẩn gần 100%.

Tại sao lại nhắm vào sự việc đã xảy ra gần 1 năm trước để đột ngột đưa ra lệnh cấm toàn bộ vào thời điểm này, trong khi đó chỉ là những sơ suất nhỏ?

Thứ hai, rệp vảy là côn trùng gây hại thường thấy ở các loại trái cây như dứa…, các vùng sản xuất của Đài Loan (Trung Quốc), Philippines đều dùng phương pháp rửa, phun áp suất cao để loại trừ trước khi xuất khẩu.

Ngay cả khi được phát hiện ở cửa khẩu nhập khẩu, thì biện pháp thông thường cũng là dùng hợp chất Bromomethane để khử trùng.

Nếu tính đến tỷ lệ kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn cao của Đài Loan trong 6 tháng cuối năm 2020 thì hoàn toàn vô lý khi áp dụng biện pháp cấm toàn bộ này.

Thứ ba, biện pháp của Trung Quốc đại lục dường như không phù hợp với các quy tắc của WTO, bao gồm việc không đánh giá rủi ro (không sử dụng dữ liệu kiểm tra đạt tiêu chuẩn, mức độ rủi ro của Đài Loan không cao), phân biệt đối xử (không đưa ra yêu cầu kiểm dịch rệp vảy tương tự đối với trái cây của Philippines), không cân nhắc đến việc áp dụng các biện pháp thay thế khác như phun khử trùng…, cũng như mặc dù không phải là vấn đề khẩn cấp nhưng chỉ thông báo trước 1 tuần.

Thứ tư, ảnh hưởng gây ra rất nhỏ. Mặc dù 90% dứa của Đài Loan được xuất khẩu sang Trung Quốc đại lục, nhưng trên thực tế thị trường chính của dứa Đài Loan là tiêu thụ bên trong, 40.000 tấn dứa xuất khẩu sang Trung Quốc Đại lục chỉ chiếm 10% tổng sản lượng. Do đó chỉ trong vòng chưa đến 1 tuần, thông qua sự nỗ lực của chính phủ và khu vực tư nhân, số lượng dứa không xuất khẩu được đã tiêu thụ hết.

Tổng hợp bốn lý do trên, không có gì ngạc nhiên khi các giới đều cho rằng nguyên nhân đằng sau lệnh cấm lần này không nằm ở vấn đề “côn trùng gây hại.”

Trên thực tế, Trung Quốc đại lục luôn muốn sử dụng quy mô thị trường và biện pháp kiểm dịch để thể hiện lập trường chính trị.

Trước đây, Trung Quốc cũng đã cấm vận dứa và chuối của Philippines, và trong năm 2020 Bắc Kinh cũng lấy lý do an toàn thực phẩm để ngăn chặn tôm hùm của Australia.

Vấn đề là tại sao Trung Quốc lại áp dụng biện pháp “cưỡng bức kinh tế này? Các chuyên gia cho rằng, thứ nhất, Bắc Kinh có thể muốn cảnh cáo việc Đài Loan nâng cấp toàn diện quan hệ kinh tế với Mỹ, nhấn mạnh duy trì trao đổi kinh tế thương mại hai bờ eo biển cũng là vấn đề quan trọng không kém, mất cân bằng sẽ trả giá kinh tế.

Thứ hai, Trung Quốc muốn thăm dò sức bền, phản ứng, cũng như nguyện vọng và kỹ năng hiệp thương của những nhân vật mới được phân công phụ trách Hội đồng các vấn đề Đại lục và An ninh quốc gia.

Nếu tính toán như vậy, thì việc lựa chọn tranh chấp kiểm dịch dứa như một cơ hội để khôi phục các cuộc tham vấn kỹ thuật giữa hai bờ eo biển có thể được coi là một biện pháp ôn hòa.

Thứ ba, có thể là sự khởi đầu của một loạt động thái thông qua sức mạnh kinh tế để ép buộc Đài Loan điều chỉnh lập trường chính trị.

Ý tứ thực sự của Bắc Kinh có thể được trộn lẫn trong số các khả năng nói trên, hoặc là còn có ý đồ khác.

“Cuộc khủng hoảng dứa” cảnh báo Đài Loan nên thoát khỏi vòng xoáy tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu do Mỹ và châu Âu khởi xướng, và ngay cả khi Trung Quốc không gây sức ép thì quan hệ kinh tế-thương mại hai bờ eo biển cũng không thể tiếp tục duy trì trạng thái bình thường của 30 năm qua.

Làm thế nào để tìm ra điểm cân bằng mới của quan hệ kinh tế, thương mại Mỹ-Trung Quốc-Đài Loan trong thời gian tới là vấn đề hết sức quan trọng. “Cuộc khủng hoảng dứa” cũng cảnh tỉnh những vấn đề và rủi ro cũ của nền kinh tế Đài Loan không thể tiếp tục xử lý như trước đây.

Điều quan trọng hơn là “cuộc khủng hoảng dứa” cho thấy khôi phục đối thoại là bước đi cần thiết và tất yếu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục