Chính sách kinh tế “đường ai nấy đi” của Mỹ và Trung Quốc

Mỹ và Trung Quốc đã áp dụng chính sách kinh tế khác biệt khi đối diện với làn sóng dịch bệnh. Nói một cách chính xác là chính sách kinh tế của Mỹ và Trung Quốc bắt đầu “đường ai nấy đi.”
Chính sách kinh tế “đường ai nấy đi” của Mỹ và Trung Quốc ảnh 1Đồng nhân dân tệ và đồng USD. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Xuất hiện lần đầu tiên từ cuối năm 2019, đại dịch COVID-19 đã gây tổn thương nghiêm trọng đến thực trạng kinh tế toàn cầu. Đến nay, do dịch bệnh vẫn chưa được khống chế hiệu quả, các chuyên gia dự đoán tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ chậm lại trong ít nhất 5 năm tới.

Trong số các nền kinh tế chủ chốt, Trung Quốc có biểu hiện tích cực nhất với tốc độ tăng trưởng 2,3% trong năm 2020. Tất nhiên, điều này là do nội lực mạnh mẽ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cũng như những nỗ lực nhằm kịp thời kiểm soát dịch bệnh.

Hiện nay, các dự đoán phổ biến đều cho rằng thời điểm quy mô Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn số một thế giới sẽ sớm hơn 5 năm so với ước tính trước đó. Theo đó, sự kiện này nhanh nhất có thể trở thành hiện thực vào năm 2026.

Ngoài ra, một vấn đề cũng nhận được sự quan tâm tương tự là Mỹ và Trung Quốc đã áp dụng chính sách kinh tế khác biệt khi đối diện với làn sóng dịch bệnh. Nói một cách chính xác là chính sách kinh tế của Mỹ và Trung Quốc bắt đầu “đường ai nấy đi.”

Nước Mỹ phụ thuộc vào QE

Cách thức ứng phó của Mỹ là chính sách tiền tệ nới lỏng định lượng (QE). Chính sách QE bắt đầu được sử dụng từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng phát vào năm 2008.

Khi đó, trong bối cảnh nhiều ngân hàng đầu tư ở Phố Wall bị phá sản với tình hình hết sức nguy cấp, Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Ben Bernanke đã hành động dứt khoát, áp dụng chính sách QE để ngăn chặn sự phá sản dây chuyền của các tổ chức tài chính và doanh nghiệp lớn.

Mặc dù mục đích này đã đạt được sau đó không lâu và tình hình tài chính đã ổn định trở lại vào quý 2/2009, nhưng Fed sau đó vẫn duy trì chính sách QE và tiếp tục có thêm QE giai đoạn 2, QE giai đoạn 3. Kể từ đó, chỉ cần tình hình kinh tế có chút biến động thì ngay lập tức QE sẽ được áp dụng.

[Vì sao Mỹ chưa thể thu hẹp khoảng cách về thương mại với Trung Quốc?]

Cuối năm 2020, Fed tuyên bố tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ và trong bối cảnh QE liên tục được áp dụng, lãi suất đã luôn được duy trì ở mức gần bằng 0% trong một thời gian dài. Thậm chí, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) còn tuyên bố mức lãi suất qua đêm cơ bản gần 0% của Fed sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2023.

Chính sách lãi suất thấp kéo dài của thị trường tài chính Mỹ cuối cùng dẫn đến hiện tượng phục hồi “chữ K” của kinh tế Mỹ.

Do nền kinh tế thực nhìn chung suy yếu (ngoại trừ một số ngành công nghệ cao), mức thanh khoản khổng lồ được giải phóng từ chính sách QE không được nền kinh tế thực hấp thụ hết nên đã chảy vào các thị trường tài sản như cổ phiếu, ngoại tệ, bất động sản… khiến cho giá tài sản tăng mạnh, đồng thời hình thành nhiều loại bong bóng tài sản, được biểu hiện ở phần trên bên phải kéo dài của “chữ K,” khiến cho mọi người cảm thấy tươi sáng.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, nền kinh tế thực suy yếu và không thể tạo ra nhiều việc làm và thu nhập hơn, tầng lớp trung lưu đã biến thành tầng lớp thu nhập thấp, điều này được biểu hiện ở phần dưới bên phải kéo dài của “chữ K.”

Xét một cách tổng thể, xã hội Mỹ đang xuất hiện tình trạng phân hóa giàu nghèo ngày càng nghiêm trọng, đây cũng là bối cảnh kích hoạt mâu thuẫn nội bộ xã hội và sự phát triển chủ nghĩa dân túy trong nền chính trị Mỹ những năm gần đây.

Sự phụ thuộc của Mỹ vào QE cũng liên quan đến vấn đề núi nợ cao và kế hoạch mở rộng tài khóa liên tục của Mỹ. Tương tự, tình cảnh khó khăn về ngân sách của Mỹ cũng đã hạn chế sự thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn.

Nhìn chung, nền kinh tế Mỹ đã rơi vào một giai đoạn trì trệ dài hạn và thật không may điều này lại khiến Mỹ phụ thuộc nghiêm trọng hơn vào chính sách tiền tệ QE. 

Trung Quốc kiên trì với các chính sách phát triển lành mạnh

Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Trung Quốc cũng áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ tương tự như Mỹ, lượng tín dụng tăng mới thậm chí có lúc lên đến gần 10.000 tỷ nhân dân tệ (NDT) trong một năm. Không chỉ vậy, để duy trì tốc độ tăng trưởng 8%, Bắc Kinh còn đưa ra gói kích thích tài khóa trị giá 4.000 tỷ nhân dân tệ.

Kết quả là mục tiêu tăng trưởng 8% được đảm bảo thành công, hơn nữa còn đóng góp 1/3 vào mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong giai đoạn này. Tuy nhiên, nhiều di chứng vẫn xuất hiện sau đó. Thị trường bất động sản xuất hiện bong bóng khổng lồ, năng lực sản xuất dư thừa nghiêm trọng, nợ địa phương tăng mạnh.

Điều này buộc Trung Quốc phải lập tức tuyên bố chính sách “3 giảm” (giảm tồn kho, giảm năng lực sản xuất, giảm tỷ lệ đòn bẩy) để khắc phục những sai lầm chính sách trước đó và định hướng nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo bình thường. 

Có được những kinh nghiệm quý giá như vậy nên các cơ quan hoạch định chính của Trung Quốc nỗ lực tuân thủ kỷ luật tiền tệ, không lặp lại chính sách sai lầm, đồng thời bắt đầu chú trọng vào việc cải cách vấn đề “trọng cung.”

Thứ nhất, đầu tư mạnh mẽ để thúc đẩy tự chủ đổi mới sáng tạo công nghệ, được thể hiện trong nội hàm chính của các sáng kiến “Sản xuất tại Trung Quốc 2025” và “Tiêu chuẩn Trung Quốc 2035.”

Thứ hai, tiếp tục thúc đẩy cải cách doanh nghiệp nhà nước, bao gồm chế độ sở hữu hỗn hợp; Thứ ba, cải cách kinh tế theo hướng cởi mở hơn, mở rộng nhập khẩu, nới lỏng hạn chế đầu tư; Thứ tư, tiếp tục mở rộng đầu tư cơ sở hạ tầng.

Năm 2020, mặc dù chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 và chiến tranh thương mại, công nghệ, nhưng kinh tế Trung Quốc vẫn đạt được mức tăng trưởng dương.

Mỹ là nước đứng đầu trong thế giới tư bản, nhưng chưa khắc phục được căn bệnh gốc phân hóa giàu nghèo, ngược lại còn gặp nhiều thách thức và mâu thuẫn trên nhiều lĩnh vực, bao gồm đảng phái chính trị, Quốc hội, tài chính, truyền thông, vũ khí…

Trong khi đó, mặc dù nền kinh tế thị trường và chế độ sở hữu hỗn hợp định hướng chủ nghĩa xã hội của Trung Quốc được thực hiện sau cải cách mở cửa năm 1979 vẫn đang ở giai đoạn đầu tiên, nhưng không thể xem nhẹ những thành tựu đạt được trên ba phương diện hiệu quả kinh tế, công bằng xã hội và tính bền vững. Đã đến lúc các nhà nghiên cứu khoa học xã hội cần phải thực hiện một chuyên đề nghiên cứu về vấn đề này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục